Quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ 'chia rẽ' về tốc độ tăng lãi suất

Với phạm vi lãi suất mục tiêu của Fed hiện ở mức 3-3,25% và chỉ còn một vài lần tăng nữa là lãi suất đạt mức cao nhất dự kiến, các quan chức bắt đầu "chia rẽ" về mức độ khẩn cấp mà họ cần hành động.
Quang cảnh Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ ở Washington DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang bắt đầu đưa ra các quan điểm khác nhau về tốc độ tăng lãi suất khi họ cân bằng giữa lạm phát nóng và căng thẳng gia tăng trên thị trường tài chính.

Với phạm vi lãi suất mục tiêu của Fed hiện ở mức 3-3,25% và chỉ còn một vài lần tăng nữa là lãi suất sẽ đạt đến mức cao nhất dự kiến, các quan chức đang bắt đầu "chia rẽ" về mức độ khẩn cấp mà họ cần hành động.Những người ủng hộ như Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, bà Loretta Mester cho rằng Fed cần tiếp tục tăng lãi suất nhanh chóng để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát ngay cả khi nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái.

Phó Chủ tịch Fed, bà Lael Brainard, thì đưa ra đánh giá "nhẹ nhàng" hơn một chút trong khi tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trong bài phát biểu vào ngày 30/6 - bài phát biểu đầu tiên của ban lãnh đạo Fed kể từ cuộc họp gần nhất - bà Brainard nhấn mạnh chính sách tiền tệ thắt chặt là cần thiết trong một thời gian. Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ sự thận trọng về tốc độ tăng lãi suất, trong khi thảo luận về một số khía cạnh mà chu kỳ tăng lãi suất toàn cầu có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ.

Mary Daly, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco, cũng nhấn mạnh thiệt hại của việc làm quá nhiều - cũng như quá ít - để giảm lạm phát.

Bình luận của các quan chức Fed trên đã phản ánh một sự thay đổi nhỏ trong lập trường của Fed, với chủ tịch Fed các chi nhánh đã thể hiện sự quyết tâm không khoan nhượng trong cuộc chiến chống lạm phát.

Theo dữ liệu từ Fed, giá trị nắm giữ cổ phiếu doanh nghiệp và chứng chỉ quỹ tương hỗ của người Mỹ đã giảm xuống còn 33.000 tỷ USD vào cuối quý 2/2022, so với mức 42.000 tỷ USD vào đầu năm. Chỉ số chứng khoán S&P 500 đã giảm 9,3% trong tháng 9/2022 - ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020 khi dịch COVID-19 lan rộng.

Với việc các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán giảm sâu kể từ đầu tháng Bảy và thị trường trái phiếu tiếp tục thua lỗ, các chuyên gia ước tính mức thiệt hại của các thị trường tài chính có thể lên tới 9.500-10.000 tỷ USD.

Ngân hàng Bank of America nhận định tình trạng căng thẳng tín dụng đang ở gần ngưỡng nguy hiểm. Đó là điều mà Fed muốn tránh vì sự đổ vỡ của thị trường tài chính rất khó kiểm soát và có thể đẩy nhanh tốc độ suy thoái kinh tế.

Lập trường khác biệt của các quan chức Fed đã xuất hiện trong dự báo của họ, được công bố vào ngày 21/9 cho thấy 8 quan chức ước tính lãi suất sẽ tăng lên 4-4,25% trong năm nay, trong khi 9 người khác dự kiến lãi suất sẽ lên đến 4,25-4,5%.

Derek Tang, nhà kinh tế học tại công ty phân tích chính sách tiền tệ LH Meyer ở Washington, cho biết một trong những điểm khác biệt trong quan điểm của các quan chức Fed, đó là kỳ vọng lạm phát dài hạn. Có người cảm thấy "yên tâm" về sự ổn định của các thước đo lạm phát giờ đây cho rằng Fed có thể có cách tiếp cận từng bước để nâng lãi suất lên mức cao nhất - dự kiến vào khoảng 4,6% trong năm 2023.

Phó Chủ tịch Fed - bà Brainard cảnh báo rằng sẽ mất nhiều thời gian để chính sách tiền tệ thắt chặt có thể tác động lên nền kinh tế trên diện rộng.

Phát biểu trong một hội nghị được tổ chức tại Fed chi nhánh New York về ổn định tài chính, sự không chắc chắn hiện đang ở mức cao, việc tăng lãi suất một cách chủ động và tính đến các dữ liệu cần thiết sẽ cho phép Fed tìm hiểu xem hoạt động kinh tế và lạm phát đang điều chỉnh như thế nào khi lãi suất tăng.

Quan điểm "thận trọng" này trái ngược hoàn toàn với những người theo chủ nghĩa "diều hâu" của Fed. Trên thực tế, Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, bà Loretta Mester đã lập luận gay gắt chống lại quan điểm cho rằng chính sách tiền tệ cần được cân nhắc kỹ lưỡng hơn, như cách các quan chức đã làm trong các chu kỳ thắt chặt tiền tệ trước đây, với ngân hàng trung ương nhích lãi suất lên 25 điểm cơ bản trong mỗi lần tăng.

Theo bà Mester, tại thời điểm lạm phát quá cao, và xu hướng của lạm phát là khó dự báo, thì việc tăng nhanh quá mức sẽ tốt hơn là tăng chậm quá mức.

Bà nói thêm các nhà hoạch định chính sách nên hành động tích cực hơn vì hành động tích cực và mang tính "phủ đầu" có thể ngăn chặn hậu quả trong trường hợp kịch bản xấu nhất thực sự xảy ra.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục