Đài CNBC dẫn lời các quan chức Mỹ và châu Âu cho hay, Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) đang nỗ lực kêu gọi các đồng minh cùng tham gia vào kế hoạch áp trần giá đối với dầu mỏ Nga, trước khi bước vào các cuộc thảo luận chi tiết hơn về chính sách này.
Một quan chức châu Âu giấu tên cho biết: "Liên minh (các nước nhất trí áp trần giá đối với dầu mỏ Nga - BTV) cần phải mở rộng hơn, và đây là giai đoạn ngoại giao mà [các nhà đàm phán] đang thúc đẩy".
Trên thế giới, các nước lớn theo chế độ dân chủ đã áp dụng lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga và đang đàm phán về lệnh cấm bảo hiểm và vận chuyển dầu mỏ Nga sang các nước khác, trừ khi giao dịch dưới mức giá ấn định. Các quốc gia này, một mặt tham vọng hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Điện Kremlin, nhưng mặt khác vẫn muốn duy trì nguồn dầu mỏ từ Nga để tránh gián đoạn nguồn cung.
Đến nay, các nhà nhập khẩu lượng lớn dầu mỏ của Nga, gồm: Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn chưa lên tiếng xác nhận họ có tham gia vào kế hoạch áp trần giá đối với dầu mỏ của Nga hay đàm phán các thỏa thuận riêng với Nga. Mức độ tham gia của các quốc gia này có thể quyết định mức độ đòn bẩy mà phương Tây phải ấn định khi áp trần giá dầu.
"Vẫn còn quá sớm để bắt đầu thảo luận về mức trần giá dầu trước khi liên minh thống nhất với nhau", một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ nói với đài CNBC.
Lãnh đạo các nước và các quan chức tài chính sẽ tham dự một số cuộc họp quan trọng trong hai tháng tới tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington, và các hội nghị thượng đỉnh đa phương, để thảo luận về cơ chế áp trần giá dầu Nga.
Các nhà đàm phán đang kỳ vọng Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) hoặc 19 nền kinh tế lớn (nếu vắng mặt Nga) sẽ đưa ra quyết định vào thời điểm Hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Bali (Indonesia) vào tháng 11 tới.
"Hy vọng G20 có thể tuyên bố về khả năng tham gia của họ vào thời điểm đó", vị quan chức giấu tên của châu Âu nói. Vị này cho biết thêm, cho đến lúc diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20, sẽ không có cuộc thảo luận nào về mức giá cụ thể cho phép bán dầu thô và các sản phẩm tinh chế giữa các đồng minh.
"Chúng tôi không có khái niệm về những con số có thể là, mà đó chỉ là những con số không có nền tảng kỹ thuật vững chắc", vị quan chức châu Âu cho biết.
Những ngày gần đây, các nhà đàm phán của G7 đã chính thức hóa ý định áp trần giá đối với dầu mỏ của Nga sau Hội nghị thượng đỉnh của nhóm này vào cuối tháng 6 vừa qua.
Bà Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, cho rằng Washington không nhất thiết cần đến Trung Quốc hoặc Nga tham gia để chính sách áp trần giá đạt hiệu quả như kỳ vọng.
"Chúng tôi thấy sáng kiến này có hiệu quả vì các quốc gia đang nhập khẩu dầu mỏ Nga với mức giá chiết khấu lớn", Bộ trưởng Janet Yellen phát biểu trên kênh truyền hình MSNBC sau cuộc họp với các nhà đàm phán của G7 vào ngày 2/9.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden dự kiến áp dụng chính sách trần giá đối với dầu mỏ Nga vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo động thái áp trần giá dầu của G7 hoặc rộng hơn nếu đạt được đồng thuận của G20, có thể phản tác dụng.
Ông John Kilduff, nhà phân tích từ Công ty tư vấn đầu tư Again Capital (Mỹ) cho rằng Trung Quốc, Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tham gia kế hoạch áp trần giá dầu của G7, bởi các quốc gia này trước đó đã không tham gia vào các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Hơn nữa, để cơ chế áp giá trần hoạt động, Nga sẽ phải nhượng bộ khi tiếp tục xuất khẩu sang các nước G7. Thế nhưng, theo truyền thông Nga đưa tin vào ngày 1/9, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã tuyên bố rằng Nga sẽ không bán các sản phẩm dầu mỏ cho những quốc gia áp trần giá đối với nước này.
Cho nên, động thái của G7 làm dấy lên lo ngại về sự suy giảm nguồn cung toàn cầu và châm ngòi cho một đợt tăng giá mới trên thị trường dầu mỏ.