Lấy dẫn chứng cổ phần hóa 10 doanh nghiệp nhà nước trực thuộc một tổng công ty chỉ được định giá 327 tỷ đồng, có đại biểu Quốc hội cho rằng, có sự thất thoát tài sản nhà nước. Ông bình luận gì về vấn đề này?
Theo quy định, doanh nghiệp cổ phần hóa phải thuê tổ chức định giá (công ty chứng khoán, công ty kiểm toán độc lập, doanh nghiệp thẩm định giá) xác định giá trị doanh nghiệp.
Giá trị doanh nghiệp được tổ chức định giá tư vấn chỉ là căn cứ để xác định giá khởi điểm khi doanh nghiệp cổ phần hóa tiến hành IPO, thị trường có thể trả giá thấp hơn và cũng có thể trả giá gấp nhiều lần giá khởi điểm.
Giá mà thị trường trả không chỉ phụ thuộc vào giá trị doanh nghiệp do tổ chức định giá tư vấn, mà còn phụ thuộc vào cung - cầu, thời điểm IPO và nhiều yếu tố khác.
Ví dụ, khi IPO vào lúc thị trường chứng khoán đang đi xuống hoặc có quá nhiều doanh nghiệp cùng huy động vốn, thì thị trường khó có thể trả giá bằng mức giá khởi điểm. Vì vậy, nói tài sản nhà nước bị thất thoát do định giá doanh nghiệp thấp là không chính xác.
Đúng là rất nhiều doanh nghiệp nhà nước, trong quá khứ từng có thời gian “lừng lẫy”, sở hữu khối tài sản theo giá trị sổ sách rất lớn, nhưng đang làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất..., thì định giá thấp cũng chẳng có người mua.
Trong những trường hợp này, nhà đầu tư nào bỏ tiền mua là may mắn cho Nhà nước, vì sau khi IPO, chủ sở hữu mới phải thay đổi bộ máy, tổ chức quản lý, quản trị, đầu tư máy móc, thiết bị; tạo ra hàng hóa, dịch vụ cho xã hội và đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Vì vậy, không thể nói thất thoát tài sản nhà nước khi chỉ nhìn vào một số doanh nghiệp được bán với giá thấp.
Kiểm toán Nhà nước kiểm toán kết quả xác định giá trị tại 17 doanh nghiệp có quy mô lớn đã xác định tăng giá trị vốn nhà nước gần 22.357 tỷ đồng. Điều này cho thấy, có sự thất thoát tài sản nhà nước trong khâu xác định giá trị doanh nghiệp, thưa ông?
Có nhiều phương pháp định giá tài sản, tôi không biết tổ chức định giá xác định theo phương pháp nào, nhưng dù áp dụng theo phương pháp nào thì giá trị doanh nghiệp và giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp không được thấp hơn so với việc xác định theo phương pháp tài sản.
Tức là, giá trị doanh nghiệp không chỉ bao gồm toàn bộ tài sản tại thời điểm xác định giá, mà còn tính đến cả khả năng sinh lời.
Sự chênh lệch sau khi kiểm toán lại giá trị doanh nghiệp có thể do Kiểm toán Nhà nước và tổ chức định giá xác định giá trị theo các phương pháp khác nhau, thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp khác nhau.
Nhưng quan trọng hơn, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất (tài sản lớn nhất của doanh nghiệp) và giá trị thương hiệu rất phức tạp, khó lượng hóa một cách chính xác.
Mặc dù vậy, tôi cho rằng, khi chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giá trị vốn nhà nước tăng lên sau khi kiểm toán là có sự thất thoát tài sản nhà nước, thì cũng không thể võ đoán cho rằng, có sự thất thoát tài sản nhà nước.
Giá trị doanh nghiệp bao nhiêu là do thị trường quyết định, chắc gì thị trường đã trả giá doanh nghiệp cổ phần hóa bằng giá mà Kiểm toán Nhà nước xác định, thậm chí còn trả giá thấp hơn cả giá do tổ chức định giá xác định trước đó vì nhiều lý do như tôi đã nói ở trên.
Nhưng với 17 trường hợp nêu trên, dư luận có quyền nghi ngờ có sự thất thoát tài sản nhà nước trong xác định giá trị doanh nghiệp, thưa ông?
Nếu nói, qua kiểm toán xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước gần 22.357 tỷ đồng làm thất thoát tài sản nhà nước, thì sau kiểm toán giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, việc Kiểm toán Nhà nước xác định giảm giá trị thực tế vốn nhà nước hơn 125 tỷ đồng giải thích thế nào?
Tôi xin nhấn mạnh rằng, giá trị doanh nghiệp được xác định và công bố chỉ là căn cứ xác định giá khởi điểm khi IPO.
Tài sản nhà nước không thất thoát cho dù giá trị doanh nghiệp được xác định chưa sát thực tế nếu quản lý, giám sát quá trình IPO chặt chẽ, bảo đảm IPO công bằng, minh bạch. Tài sản nhà nước thất thoát, nếu có, nằm ở khâu IPO.
Ông có nghĩ rằng, quá trình IPO hiện nay minh bạch?
Theo quy định, phải thực hiện bán đấu giá cổ phần công khai trên thị trường chứng khoán trong trường hợp khối lượng cổ phần bán ra có mệnh giá từ 10 tỷ đồng trở lên và bán công khai qua tổ chức tài chính trung gian trong trường hợp còn lại.
Tôi đã nhiều lần tham gia đấu giá cổ phần khi IPO doanh nghiệp nhà nước tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và chưa từng nghi ngờ về sự gian lận, vi phạm các quy định về đấu giá. Nhiều phiên đấu giá, đến tận những phút cuối, chỉ còn 2 nhà đầu tư mà vẫn cạnh tranh nhau quyết liệt, không có chuyện nhường nhịn.
Tất nhiên, cũng rất nhiều cuộc cuộc đấu giá không thành công (172/426 doanh nghiệp IPO trong giai đoạn 2011 - 2016 thất bại, chiếm 40%), vì giá trị doanh nghiệp được xác định quá cao so với thời điểm IPO, trong khi quy định lại không cho phép bán cổ phần dưới mệnh giá.
Do chưa từng tham gia đấu giá cổ phần qua tổ chức tài chính trung gian, nên tôi không dám chắc có gian lận, mờ ám gì hay không.
Tuy nhiên, để bảo đảm không để xảy ra thất thoát tài sản nhà nước, theo tôi, cần giám sát, kiểm soát chặt chẽ khâu IPO, đồng thời thực hiện nghiêm yêu cầu công khai, minh bạch thông tin về doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định tại Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần.