Đó là vài nét chấm phá về phiên họp ĐHCĐ thường niên 2016 của CTCP FPT.
Nhiều nhà đầu tư cả tổ chức và cá nhân nhận xét, ĐHCĐ của FPT thường đông nhất trong số các công ty họ tham dự. Đến đây, họ được trân trọng, được trao đổi và cung cấp nhiều thông tin hữu ích về hoạt động và định hướng phát triển của doanh nghiệp, mọi câu hỏi đều được trả lời thấu đáo. Đây chính là một công ty đại chúng thực sự, cổ đông được tôn trọng và đối xử bình đẳng, bởi vậy, Đại hội thu hút rất nhiều cổ đông tham gia.
Tại Việt Nam, FPT cũng là một trong số ít các công ty được giới đầu tư đánh giá cao về quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là hoạt động quan hệ nhà đầu tư. Mới đây, tại Hồng Kông, FPT cũng đã được vinh danh “Công ty quản trị tốt nhất Việt Nam năm 2015” của Asia Money, dựa trên bình chọn của hơn 300 lãnh đạo và chuyên gia tài chính trong khu vực.
Theo đó, 30 doanh nghiệp Việt Nam đã được đưa vào danh sách bình chọn dựa trên 5 tiêu chí, trong đó, FPT đứng đầu tại 4/5 tiêu chí quan trọng, bao gồm: công ty công bố thông tin minh bạch nhất; công ty đối xử công bằng và đảm bảo quyền lợi cổ đông tốt nhất; công ty tốt nhất về trách nhiệm của Ban điều hành và HĐQT; công ty có hoạt động quan hệ nhà đầu tư tốt nhất. Đặc biệt, tại một số tiêu chí như quan hệ nhà đầu tư, công bố thông tin minh bạch, FPT được các chuyên gia đánh giá với số điểm gấp 2 - 3 lần so với các công ty Việt Nam trong bảng xếp hạng.
Vậy FPT đã làm gì để có thể áp dụng những thông lệ quản trị tốt nhất, đặc biệt được đánh giá cao về quan hệ nhà đầu tư (IR)?
Trước hết, FPT là một trong số ít các công ty xây dựng website riêng dành cho nhà đầu tư với các thông tin được cập nhật thường xuyên có địa chỉ, số điện thoại cụ thể của cán bộ phụ trách quan hệ nhà đầu tư để mọi nhà đầu tư đều có thể liên hệ, trao đổi. Đây là một trong những điểm được nhà đầu tư đánh giá cao, bởi hiện nay, một số công ty mặc dù vẫn tồn tại bộ phận Quan hệ nhà đầu tư và đầu mối liên hệ trên website, nhưng thường xuyên được phản ánh là khó tiếp cận hoặc không thể liên lạc đề yêu cầu cung cấp thông tin được.
Một điểm nổi bật khiến FPT trở nên khác biệt là việc công bố thông tin luôn được thực hiện đầy đủ và kịp thời, thậm chí chi tiết và sớm hơn nhiều so với quy định. Đây cũng là điểm được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở GDCK TP. HCM ghi nhận và đánh giá cao.
Cụ thể, FPT là một trong số các công ty công bố báo cáo tài chính, báo cáo thường niên sớm nhất trong số các công ty thuộc chỉ số VN30 (đại diện cho quy mô và mức độ phức tạp trong việc lập báo cáo tài chính), thông thường sớm hơn thời hạn từ 10 - 15 ngày so với quy định. Đồng thời, ngoài báo cáo tài chính định kỳ hàng quý và năm, FPT cũng là công ty đầu tiên và rất ít trên TTCK Việt Nam công bố kết quả kinh doanh hàng tháng.
Hàng năm, doanh nghiệp đều chủ động tham dự các hội nghị đầu tư trong và ngoài nước với sự tham gia của thành viên Ban giám đốc, nhằm đảm bảo đối xử công bằng với các nhà đầu tư do nhiều nhà đầu tư nước ngoài không đặt trụ sở tại Việt Nam, khiến việc tiếp cận thông tin với các công ty niêm yết sẽ bị hạn chế hơn so với các nhà đầu tư có đại diện tại Việt Nam.
Định kỳ hàng quý, Công ty đều tổ chức họp nhà đầu tư nhằm giải trình về kết quả kinh doanh, giới thiệu chi tiết hơn về các hoạt động của doanh nghiệp cũng như lắng nghe thường xuyên ý kiến của các cổ đông với công ty. Quan trọng hơn, trong nhiều năm qua, FPT luôn nằm trong Top doanh nghiệp trả cổ tức cao nhất và nỗ lực đối xử công bằng, đảm bảo quyền lợi cổ đông.
Khảo sát của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho thấy, những doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt thường có kết quả kinh doanh tốt. Không chỉ có vậy, một công ty được quản trị tốt còn giúp giảm chi phí vốn và tăng giá trị tài sản cho công ty đó.
Tại FPT, hoạt động quản trị tốt đã thúc đẩy hiệu quả kinh doanh của Công ty. Điều này được thể hiện qua việc công ty đã phát triển thành công các mảng kinh doanh trong các lĩnh vực hoạt động cốt lõi là công nghệ và viễn thông. Trong khối công nghệ, mảng ủy thác phát triển phần mềm duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 33%/năm suốt từ năm 2009 tới nay. Hiện FPT Software là công ty phần mềm lớn nhất Đông Nam Á với gần 10.000 nhân viên, doanh số hơn 180 triệu USD (năm 2015), cung cấp dịch vụ cho các công ty hàng đầu thế giới.
Ở khối viễn thông, từ khi Việt Nam mở cửa cho Internet từ năm 1997 tới nay, FPT đã đồng hành cùng mạng Internet tại Việt Nam và vươn mình trở thành 1 trong 3 công ty cung cấp dịch vụ Internet cố định lớn nhất Việt Nam, với doanh thu hàng năm trên 200 triệu USD, liên tục tăng trưởng với tốc độ trung bình 22%/năm (tính từ năm 2009 tới nay).
Ngoài các lĩnh vực cốt lõi là công nghệ và viễn thông, bán lẻ sản phẩm công nghệ cũng là lĩnh vực được FPT đầu tư phát triển thành công chỉ sau một thời gian ngắn. Sau quyết định đẩy mạnh đầu tư vào mảng bán lẻ các sản phẩm công nghệ vào năm 2012, FPT Shop đã bắt đầu có lãi chỉ sau 2 năm phát triển và đến nay đã trở thành chuỗi bán lẻ điện thoại di động lớn thứ 2 tại Việt Nam. Năm 2015 - năm thứ tư tính từ thời điểm bắt đầu đẩy mạnh đầu tư, mảng bán lẻ ghi nhận lợi nhuận tăng gấp hơn 4 lần năm liền trước.
Năm 2015, Tập đoàn FPT cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng, với doanh thu hợp nhất đạt 40.003 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch, tăng 13,9% so với năm 2014; lợi nhuận trước thuế đạt 2.851 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch và tăng 15,9% so với năm 2014.
Bên cạnh đó, việc quản trị công ty có hiệu quả đã giúp Công ty tiếp cận được các nguồn vốn với giá rẻ hơn, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Điều này được thể hiện qua thực tế là cổ phiếu của FPT hiện được giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài với mức giá cao hơn giá thị trường, thông thường khoảng 20%. Đồng thời, chi phí vay của FPT hiện đang thấp hơn chi phí vay trung bình trên thị trường, cho thấy các nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư vốn và nhà đầu tư nợ (các ngân hàng) đánh giá cao tính minh bạch cũng như chất lượng quản trị của Công ty.
Ngoài ra, một điểm cộng về công tác quản trị của FPT có thể kể đến là cơ cấu HĐQT của Công ty được xây dựng khá chuẩn mực. HĐQT của FPT hiện có 7 thành viên, trong đó có 2 thành viên HĐQT độc lập (ông Tomokazu Hamaguchi và ông Dan E. Khoo), 2 thành viên HĐQT không điều hành (ông Lê Song Lai và ông Jean-Charles Belliol) và 3 thành viên HĐQT điều hành. Trong 7 thành viên HĐQT, có tới 3 thành viên là người nước ngoài. Đây đều là những thành viên có uy tín trong lĩnh vực của mình, có nhiều kinh nghiệm về quản trị công ty cũng như kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Có thể thấy, FPT đang tận dụng khá khéo léo kiến thức và kinh nghiệm của những thành viên đến từ các thị trường “đi trước” để đóng góp cho chiến lược phát triển của Tập đoàn. Tư duy này hiện vẫn đang được coi là khá mới mẻ tại Việt Nam, khi chỉ có khoảng2/3 công ty thuộc VN30 có tối thiểu 1 thành viên HĐQT độc lập, trong đó chỉ có khoảng 10 công ty sử dụng hơn 2 thành viên HĐQT độc lập.