PwC lạc quan về kinh tế thế giới năm 2016

Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia của PwC có cái nhìn lạc quan về kinh tế thế giới 2016.
PwC lạc quan về kinh tế thế giới năm 2016

Theo dự báo mới đây của PwC, trong năm 2016, nhóm G7 tăng trưởng mạnh nhất từ năm 2010, trong đó Mỹ và Anh dẫn đầu bảng xếp hạng, giá hàng hóa sẽ tiếp tục ở mức thấp trong một thời gian, khủng hoảng Khu vực đồng Euro kết thúc…

Mỹ sẽ dẫn đầu bảng xếp hạng tăng trưởng GDP của nhóm G7

Kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng gần 3% và đóng góp khoảng 2/3 tổng mức tăng trưởng của nhóm G7 trong năm 2016. Nền kinh tế Mỹ cũng được dự báo là sẽ tạo ra khoảng 200 ngàn việc làm mới mỗi tháng, nhờ đó mà duy trì được mức tăng trưởng tiêu dùng.

Tuy nhiên, Mỹ sẽ phải nỗ lực để giữ được vị trí đứng đầu trong nhóm G7 vì đối thủ lớn nhất là Vương quốc Anh dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 2-2,5%.

PwC lạc quan về kinh tế thế giới năm 2016 ảnh 1

Lãi suất tại Mỹ và Anh sẽ tăng trong năm 2016

Vào tháng 12 năm 2015, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2006. Các chuyên gia kinh tế PwC cho rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất dần dần trong năm 2016.

Nếu không có cú sốc kinh tế toàn cầu nào trong năm nay, Ngân hàng Anh cũng sẽ có những động thái tương tự vào nửa sau của năm nay. Khác với Mỹ và Anh, Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Ngân hàng Nhật Bản và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc được dự báo là sẽ duy trì chính sách tiền tệ thích ứng trong năm 2016.

Kết thúc khủng hoảng Khu vực đồng Euro

Trong Khu vực đồng Euro, các nền kinh tế “ngoại vi” sẽ tăng trưởng mạnh hơn các nền kinh tế “cốt lõi” trong năm thứ hai liên tiếp. Khủng hoảng tại Hy Lạp có thể bùng phát trở lại nhưng sẽ khó lan ra các nước thành viên còn lại.

Chính vì vậy, các chuyên gia kinh tế PwC dự báo rằng, khủng hoảng Khu vực đồng Euro ít nhất cũng sẽ bước vào hồi kết trong năm 2016. Trong bối cảnh các nước ngoại vi đã kiểm soát được phần lớn các vấn đề gây mất cân bằng và đang tiến hành cải cách cơ cấu nền kinh tế, nhiều khả năng GDP của Khu vực đồng Euro sẽ tăng trưởng khoảng 1,6% trong năm 2016 – mức cao nhất kể từ năm 2011.

Ấn Độ sẽ là điểm sáng trong nhóm E7

Đây là năm thứ 2 liên tiếp chúng tôi dự báo Ấn Độ sẽ tăng trưởng mạnh hơn Trung Quốc, với mức tăng trưởng thực ở khoảng 7,7%. Ấn Độ sẽ tiếp tục hưởng lợi từ những cải cách gần đây.

Việc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ giảm lãi suất cơ bản từ 8% xuống 6,75% năm ngoái sẽ có tác dụng kích thích tiêu dùng và đầu tư năm nay. Đầu tư nước ngoài trực tiếp vào ngành công nghiệp còn kém phát triển của Ấn Độ sẽ khởi sắc vì phần lớn các giới hạn về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã được bãi bỏ.

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm xuống 6,5%

Xu hướng tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp diễn. Tăng trưởng về công nghiệp và xuất khẩu sẽ giảm chậm.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc đang tiếp tục xâm nhập vào các lĩnh vực công nghiệp mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Chúng tôi cho rằng, đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tăng, đặc biệt là thông qua các thương vụ mua lại các công ty công nghệ mới và nghiên cứu – phát triển.

Việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ cũng được dự báo sẽ tiếp tục với nhiều nỗ lực tự do hóa tài khoản vốn, bao gồm nới lỏng giới hạn về phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Và mặc dù các chuyên gia kinh tế cho rằng có ít khả năng nền kinh tế Trung Quốc sẽ “hạ cánh cứng”, các doanh nghiệp vẫn nên cẩn thận trước những rủi ro tiềm năng bắt nguồn từ việc nền kinh tế Trung Quốc có hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ tới một số nền kinh tế Đông Nam Á.

Dân số Tiểu vùng Sahara Châu Phi (SSA) sẽ tăng thêm một lượng bằng dân số Australia

Dân số của khu vực SSA sẽ tăng thêm 25 triệu người trong năm 2016. Con số này lớn hơn tổng dân số Australia. Mức tăng này phù hợp với xu hướng dân số khu vực gia tăng 20 triệu người mỗi năm từ năm 2006 đến giờ. Đáng chú ý là năm nay, gần 20% của tổng lượng gia tăng dân số trong khu vực SSA xuất phát từ Nigeria.

Chí Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục