Kinh tế thế giới đầu năm mới: Bão chưa tan

(ĐTCK) Ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới 2015, kinh tế thế giới chứng kiến hai điểm nóng trên thị trường là sự trượt dốc của đồng euro và giá dầu xuống mức thấp kỷ lục. Giới phân tích dự báo, sự bất ổn sẽ tiếp tục tồn tại trên các thị trường tài chính và hàng hóa.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Theo đó, đồng euro trong tuần này từng sụt giảm xuống dưới ngưỡng 1,2 USD/euro, mức thấp nhất trong 10 năm qua, trong khi giá dầu New York có lúc giảm xuống 49,95 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 5/1, mức thấp kỷ lục kể từ ngày 1/5/2009.

Randy Frederick, Giám đốc điều hành giao dịch và phái sinh tại Charles Schwab, nhận định: “Trong bối cảnh dầu giảm giá xuống mức thấp kỷ lục, còn đồng USD liên tục mạnh, tôi duy trì sự thận trọng về thị trường trong một đến hai tuần tới, bởi lẽ, những diễn biến này khó có thể thay đổi chỉ trong một đêm”.

Trong khi đó, Jack Ablin, Giám đốc truyền thông tại BMO Private Bank cho rằng, một số sức ép trên thị trường những ngày đầu năm mới  2015 một phần do hoạt động bán chốt lời. Điều này sẽ còn tiếp tục trong vài ngày tới. “Chúng ta sẽ phải chờ xem và có thể sẽ xuất hiện một số đợt biến động mạnh nữa trên các thị trường. Hạn chế rủi ro là tối quan trọng lúc này và nên tăng tỷ trọng tiền mặt trong danh mục”, ông Ablin nói.

Trong khi đó, việc giá dầu sụt giảm mạnh khiến nhiều người vẫn hoài nghi về khả năng liệu giá đây là tín hiệu tiêu cực hay tích cực đối với kinh tế. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là nhiều công ty trong lĩnh vực năng lượng có nguy cơ vỡ nợ và phá sản nếu giá dầu xuống quá thấp.

Về phần mình, một số nhà chiến lược lại quan tâm nhiều hơn tới hai diễn biến trong tuần này là số liệu thị trường lao động Mỹ trong tháng 12/2014 được công bố vào ngày 9/1 sắp tới và biên bản cuộc họp cuối cùng năm 2014 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), công bố vào ngày 7/1.

Giám đốc điều hành chiến lược tại GMP Securities, Adrian Miller nhận xét: “Chúng ta hãy cùng chờ xem thông tin mà Fed đưa ra là gì. Dựa trên những dấu hiệu đó, cùng số liệu thị trường lao động Mỹ, chúng ta có thể đưa ra một số nhận định thị trường trong thời gian tới, ít nhất là về ngắn hạn. Nếu các chính sách của Fed không kết luận rõ ràng hay số liệu việc làm tháng 12 yếu hơn dự báo, nó sẽ tác động tiêu cực vào thị trường tài chính và hàng hóa vốn đang rất yếu và nhạy cảm”.

Trong khi đó, phía bên kia bờ Đại Tây Dương, Hy Lạp hiện là điểm nóng của “lục địa già”. Nỗi lo về sự nhất thế hóa của châu Âu đang hiện hữu khi nhiều người không biết liệu Hy Lạp có rời khỏi Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hay không, đã tác động đáng kể tới tâm lý các nhà đầu tư.

Các đồn đoán về khả năng Hy Lạp rời khỏi Eurozone sau khi tờ Der Spiegel đưa tin, Đức sẵn sàng để Hy Lạp rời Eurozone  nếu quốc gia này không thực hiện đúng như thỏa thuận để nhận gói cứu trợ trước đó. Giới phân tích dự báo, Hy Lạp có thể tiếp tục là nhân tố khuấy động các thị trường tài chính cho đến cuộc bầu cử vào ngày 25/1 sắp tới có kết quả chính thức, 3 ngày sau cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

“Để đưa châu Âu vượt qua khỏi những khó khăn hiện nay cần rất nhiều nỗ lực, chứ không chỉ chính sách tiền tệ”, ông Albin khẳng định.

Việt Khoa (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục