Đây là những doanh nghiệp đạt kết quả hoạt động kinh doanh ấn tượng, có khả năng sinh lời tốt và tiềm năng trở thành trụ cột cho sự phát triển trong tương lai của nền kinh tế Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp lớn thuộc khu vực nhà nước và FDI tiếp tục dẫn đầu Bảng xếp hạng năm nay như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Samsung Electronic Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), Tổng Công ty Viễn thông Mobiphone...
Khu vực tư nhân tiếp tục ghi nhận những tên tuổi tập đoàn đình đám trong Bảng xếp hạng BP 500 2019 gồm Tập đoàn Vingroup, Công ty cổ phần Sửa Việt Nam (Vinamilk), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, Công ty cổ phầ Vicostone…
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp quy mô vừa liên tục có kết quả lợi nhuận kinh doanh tốt cũng tiếp tục lọt vào Bảng xếp hạng năm nay, trở thành những cái tên liên tục năm thứ 2 hoặc nhiều năm lọt vào bảng xếp hạng Profit 500 như Công ty cổ phần Xây lắp điện I (PC1)...
Bên cạnh đó, với mục đích ghi nhận thành quả của các doanh nghiệp uy tín trong các ngành thực phẩm - đồ uống và bán lẻ, Top 10 công ty thực phẩm - đồ uống - bán lẻ uy tín năm 2019 đã chính thức được công bố.
Những đại diện có mặt trong danh sách này là các công ty trong nước và FDI có hoạt động hiệu quả, tiềm lực tài chính mạnh và có nhiều kinh nghiệm với thương hiệu nổi tiếng trong ngành như Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce, Công ty TNHH Aeon Việt Nam, BigC, Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam, Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco), Công ty cổ phần Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam…
Đây đều là những thương hiệu đã ghi dấu ấn nhất định trong lòng người tiêu dùng và có đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của toàn ngành trong giai đoạn 2018-2019.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Vietnam Report đã công bố các kết quả nghiên cứu và khảo sát về “Các xu hướng lợi nhuận theo ngành kinh tế năm 2019-2020”.
Báo cáo ghi nhận năm 2019, nền kinh tế Việt Nam được coi là một “điểm sáng” khi ghi nhận mức tăng trưởng triển vọng đạt 6,98% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất trong 9 năm trở lại đây. Cùng với tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Việt Nam đứng vị trí thứ ba lạc quan nhất toàn cầu. Để tồn tại và phát triển bền vững, vấn đề tăng khả năng sinh lời chính là mục tiêu cơ bản và tất yếu của các hoạt động kinh doanh mà mọi doanh nghiệp đều hướng đến.
Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của toàn cầu hóa và sự bất ổn đến từ nền kinh tế thế giới đặt ra càng nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt khi Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp nước ngoài.
Điều này đặt ra bài toán lớn cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước để vừa có thể bắt kịp xu hướng thị trường, cạnh tranh với các đối thủ giàu kinh nghiệm, vừa giữ vững được vị thế và vượt ngưỡng tăng trưởng lợi nhuận bền vững.
Nhận xét về môi trường đầu tư và kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2019 trong khảo sát của Vietnam Report, phần lớn các doanh nghiệp đều đánh giá ở mức chấp nhận được. Một số khía cạnh được doanh nghiệp đánh giá tốt có thể kể đến như: Quản lý kinh tế vĩ mô của chính phủ (có đến 90% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá là tốt, 5% đánh giá là rất tốt); Tiếp cận vốn (các tỷ lệ tương ứng là 86,3%); Hệ thống thuế và quản lý thuế (80,4% và 8,9%)…