Kết thúc quý III/2016, chỉ số PVN Allshare đạt 1.217,64 điểm, tăng 90,65 điểm (+8,04%) so với cuối quý II và 428,28 điểm (+54,26%) so với đầu năm; chỉ số PVN Allshare Continuous tăng 85,69 điểm (+8,11%) so với quý II và 403,17 điểm (+54,54%) so với đầu năm.
Tương tự, chỉ số PVN Allshare HSX tăng 8,36% so với quý II, đạt 1.204,43 điểm, trong khi PVN Allshare HNX tăng 5,84%, đạt 770 điểm. Nếu tính từ đầu năm, hai chỉ số này lần lượt tăng 62,44% và 6,26%.
Chỉ số PVN 10 gồm 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất của ngành tăng 3,17% trong quý III, đạt 899,73 điểm. Tính từ đầu năm, PVN10 tăng 26,25%.
Trong các chỉ số phân ngành, PVN Dầu khí tiếp tục bứt phá mạnh nhất, tăng thêm 10,57% trong quý III, đạt 1.076,50 điểm; GAS vẫn là cổ phiếu đóng góp lớn cho sự tăng trưởng này. Tính từ đầu năm, PVN Dầu khí tăng 76,73%; tiếp theo là PVN Công nghiệp, tăng 2,72%; PVN Tiện ích tăng 2,53%.
Ngược lại, trong quý III, PVN Dịch vụ tiêu dùng giảm giảm 8,8%, xuống 720,51 điểm; PVN Tài chính giảm 0,70%, xuống 636,64 điểm; PVN Vật liệu cơ bản giảm 0,23%, xuống 798,56 điểm.
Trong quý III, tổng khối lượng giao dịch các công ty trong PVN-Index đạt 709,02 triệu cổ phiếu, nâng tổng khối lượng 9 tháng đầu năm lên 2.234,7 triệu đơn vị.
Một số doanh nghiệp dầu khí chưa công bố kết quả kinh doanh quý III, trong đó có PVX. Theo thông tin trong lễ sơ kết hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm, PVX có lẽ là đơn vị có báo cáo kết quả kinh doanh ấn tượng nhất. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu hơn 7.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 256,8 tỷ đồng. Riêng quý III/2016, PVX đạt 2.968 tỷ đồng doanh thu, tăng 21%; lợi nhuận trước thuế 90,8 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần cùng kỳ năm 2015.
Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đối với nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn khá sôi động. Trong quý III, khối ngoại mua vào 98,64 triệu cổ phiếu, trị giá 2.598 tỷ đồng; bán ra 108,07 triệu cổ phiếu, trị giá 2.806 tỷ đồng. Như vậy, khối lượng bán ròng là 9,43 triệu cổ phiếu, tương đương 208 tỷ đồng.
Giá trị mua ròng lớn nhất thuộc về NT2 với 153,98 tỷ đồng, tương đương 4,28 triệu cổ phiếu; PVT xếp thứ hai với 138 tỷ đồng, tương đương 8,24 triệu cổ phiếu, GAS xếp thứ ba với 126,94 tỷ đồng, tương đương 2,01 triệu cổ phiếu.
Ngược lại, giá trị bán ròng lớn nhất thuộc về PVD với 533 tỷ đồng, tương đương 19,89 triệu cổ phiếu; tiếp đến là DPM với 152 tỷ đồng, tương đương 5,49 triệu cổ phiếu và PGD với 31 tỷ đồng, tương đương 0,77 triệu cổ phiếu.
Trong quý IV, PVN-Index sẽ được bổ sung 108,3 triệu cổ phiếu từ 8 doanh nghiệp trong ngành, gồm: PVB, PBP, PMB, PCE, PSE, PSW, PMP, CNG. Đây là các doanh nghiệp đã lên sàn trong thời gian qua, nâng tổng số doanh nghiệp trong PVN-Index lên 39 đơn vị.