Mở rộng quy mô hoạt động trong mảng kinh doanh lõi là bảo hiểm - đầu tư đang là định hướng của PVI trên con đường xây dựng định chế tài chính - bảo hiểm số 1 tại Việt Nam.
Mục tiêu trở thành Trung tâm bảo hiểm Đông Nam Á của HDI
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán cuối tuần qua, ông Bùi Vạn Thuận, Tổng giám đốc PVI cho biết, PVI đang nỗ lực nâng cao năng lực hoạt động trên con đường xây dựng một định chế tài chính - bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam. Theo đó, với riêng trụ cột bảo hiểm, PVI đang định hướng trở thành Trung tâm bảo hiểm Đông Nam Á của HDI (Đức), nhằm hướng tới sự chuyên nghiệp, bài bản, mang chuẩn quốc tế trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm trên cả hai mảng phi nhân thọ lẫn tái bảo hiểm. Từ đó, nâng tầm thương hiệu, cải thiện doanh thu, lợi nhuận của cả hai mảng trên.
“PVI hiện đứng đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong nước với gần 21% thị phần cũng đã là nhiều, nên có mở rộng hoạt động trong phạm vi hạn hẹp của thị trường trong nước và tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu thì quy mô hoạt động cũng sẽ tăng, nhưng không đáng kể. Thị trường bảo hiểm Việt với gần 30 doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động gần như đã hết “size”. Là doanh nghiệp vươn phạm vi hoạt động tại thị trường nước ngoài từ rất sớm, PVI đang định hướng chiến lược trở thành Trung tâm bảo hiểm Đông Nam Á của HDI, làm đầu mối cung cấp dịch vụ bảo hiểm của đối tác này trên toàn khu vực ASEAN. Trung tâm này hiện đang được đặt tại Singapore, nếu thành công sẽ chuyển sang Việt Nam, mà cụ thể là PVI”, ông Thuận nói.
Được biết, trong vai trò là nhà bảo hiểm duy nhất được các chủ đầu tư, nhà thầu dầu khí trong và ngoài nước lựa chọn cung cấp dịch vụ cho toàn bộ công trình dầu khí trên bờ và ngoài khơi trên toàn lãnh thổ Việt Nam, đến nay, PVI đã cung cấp thành công các dịch vụ bảo hiểm dầu khí ra 17 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bên cạnh đó, một lý do khác cũng được chỉ ra đó là mảng lõi này đang chịu sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường bảo hiểm, trong khi đó giá dầu giảm sâu cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận nên cần một hướng đi mới trong mở rộng quy mô hoạt động. Trước đó, đối mặt với diễn biến giá dầu giảm mạnh từ cuối năm 2014, PVI đã chủ động mở rộng hoạt động ra bên ngoài ngành dầu khí như bảo hiểm các công trình trọng điểm quốc gia, bảo hiểm bán lẻ để đảm bảo về đích các chỉ tiêu kinh doanh.
Vậy, điều gì đang khiến PVI lọt vào “mắt xanh” của HDI? Ông Thuận cho biết: “Đối tác Đức vốn nổi tiếng khó tính, nhưng họ đã chọn PVI, bởi chúng tôi có nhiều cổ đông và đối tác tầm cỡ. Một doanh nghiệp được xem là kén đối tác như Samsung cũng đang lựa chọn hai dịch vụ của PVI trong khi chưa từng sử dụng một dịch vụ nào tại Việt Nam ngoài của đối tác Hàn Quốc, đó là sản phẩm bảo hiểm xuất khẩu và văn phòng làm việc của PVI”.
Các cổ đông, đối tác chiến lược được PVI nhắc đến kể trên là OIF (quỹ đầu tư của Chính phủ Oman, quản lý khối tài sản khoảng 6 tỷ USD), Talanx (Tập đoàn bảo hiểm lớn thứ 3 của Đức, có tổng doanh phí bảo hiểm hơn 20 tỷ USD mỗi năm) và Sun Life Financial (Tập đoàn hàng đầu của Canada với 150 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và bảo hiểm quốc tế).
Đối với mảng tái bảo hiểm, tại Việt Nam có 2 nhà tái bảo hiểm (trong đó có Tổng CTCP Tái bảo hiểm PVI (PVI Re) - công ty thành viên của PVI Holdings) đều nhận lại tái bảo hiểm thông qua các nhà tái bảo hiểm và môi giới, do đó, nếu trở thành trung tâm bảo hiểm Đông Nam Á của HDI sẽ giúp PVI Re tăng năng lực nhận tái bảo hiểm vào thị trường Đông Nam Á, trở thành nhà tái bảo hiểm quốc tế một cách chính thức và được ghi tên trên phạm vi toàn cầu.
Với việc kế thừa thương hiệu và khả năng tài chính của PVI Holdings cũng như sự ủng hộ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), PVI Re đã thành công trong thu xếp tái bảo hiểm cho các dự án lớn trong và ngoài ngành với thương hiệu công ty tái bảo hiểm đứng đầu thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Ông Thuận cho hay, PVI đã làm quen với việc ra nước ngoài từ rất sớm (ngay từ khi ra đời), do đó, chỉ có chút ngần ngại khi mở “room” về thị phần ra nước ngoài, đó là thương hiệu và vốn. Thương hiệu ở đây gắn liền với kết quả định hạng quốc tế của doanh nghiệp, trong đó vì một số yếu tố khách quan mà đến nay chưa thể tăng cao so với giá trị thật cũng như tiềm năng. Tuy nhiên, thông qua sự hợp tác của các đối tác chiến lược được xếp hạng tài chính cao, đặc biệt đạt A+, vị lãnh đạo PVI cũng cho rằng, doanh nghiệp có cơ hội để cải thiện thứ hạng. Còn với vốn, PVI sẽ tiếp tục tranh thủ cơ hội tăng vốn từ các đối tác nước ngoài cho công ty mẹ và các công ty con.
… và nâng “chất” hoạt động đầu tư
Nếu như mảng kinh doanh bảo hiểm của PVI đang được hỗ trợ đắc lực bởi các cổ đông/đối tác ngoại tầm cỡ thế giới như Talanx (thông qua HDI), Sun Life, thì mảng đầu tư của PVI đang được thực hiện một cách chuyên nghiệp thông qua Công ty Quản lý quỹ PVI (PVI AM). Đi vào hoạt động từ đầu năm 2015, nhưng với những lợi thế từ công ty mẹ PVI Holding, hiện PVI AM đang được tin cậy ủy thác quản lý và tư vấn danh mục tài sản gần 10.000 tỷ đồng, tạo tiền đề quan trọng để bước đi vững chắc trên còn đường trở thành một trong những công ty quản lý tài sản hàng đầu tại Việt Nam.
Từng thành công với hoạt động đầu tư trong năm 2015 khi lãi từ đầu tư gấp 4 lần lãi từ bảo hiểm, tạo ra khoản lãi trước thuế của công ty mẹ là 569 tỷ đồng, năm qua, PVI đã tăng cổ tức lên 20% bằng tiền mặt (thay vì chi trả cổ tức 9% theo như cam kết tại Đại hội đồng cổ đông 2015). Đây cũng là mức cổ tức cao nhất trong lịch sử 20 năm hoạt động của PVI cũng như cao nhất trong khối doanh nghiệp bảo hiểm đang niêm yết trên sàn chứng khoán.
Thông điệp đưa ra từ lãnh đạo PVI là, trong thời gian tới, sẽ đẩy mạnh hoạt động tài chính - đầu tư, cụ thể là mua cổ phần đầu tư vào các công ty tốt, nhằm nâng cao hiệu quả dòng tiền.
Trước câu hỏi liệu PVI có ý định mở room cho khối ngoại, huy động thêm vốn để nâng cao năng lực hoạt động cũng như bổ sung nguồn vốn cho hoạt động đầu tư, ông Thuận cho biết, việc mở room ngoại phụ thuộc vào chủ trương của nhà nước, nhưng có một điều chắc chắn là rất nhiều nhà đầu tư ngoại đang trực chờ tín hiệu mở “room” của PVI để mua vào.
Để hoàn thiện mô hình định chế tài chính – bảo hiểm số 1 Việt Nam theo chuẩn mực, sau PVI AM, liệu PVI Holdings có ý định lấn sang các lĩnh vực khác như ngân hàng hay chứng khoán? Trong chia sẻ với phóng viên cách đây không lâu, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch PVI cho hay, PVI AM chính là ”mảnh ghép” cuối cùng để hoàn thiện định chế tài chính - bảo hiểm PVI nhằm tăng cường tính minh bạch trong quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư và đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quốc tế.
“Chủ trương tái cấu trúc theo chiều sâu giai đoạn 2016 - 2020 của PVI Holdings là tách bạch rõ nhiệm vụ quản lý với nhiệm vụ kinh doanh theo mô hình công ty mẹ - con. Cùng với đa dạng hóa sở hữu doanh nghiệp với sự tham gia của các cổ đông chiến lược nước ngoài cũng như áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong quản trị và điều hành doanh nghiệp, PVI đang ghi dấu ấn đột phá trong việc nâng cao tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh”, ông Thuận khẳng định.
PVI đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý cũng như được sự ghi nhận, đánh giá của các tổ chức trong và ngoài nước, trong đó nổi bật là:
- Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2010);
- Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2011);
- Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2013);
- Liên tục 3 năm (2013 – 2015) là 1 trong 30 doanh nghiệp minh bạch nhất được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vinh danh;
- Xếp hạng tín nhiệm B++ (tốt) đối với Tổng công ty Bảo hiểm PVI và xếp hạng tín nhiệm B+ (tốt) đối với Tổng CTCP Tái bảo hiểm PVI của A.M.Best (2015)
- Là 1 trong 50 công ty được Brand Finance bình chọn có thương hiệu tốt nhất Việt Nam (2015)
- Là 1 trong 40 công ty có thương hiệu giá trị nhất Việt Nam do Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn (2016)
- Là 1 trong 50 công ty niêm yết tốt nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam do Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn (2014, 2016)