PVC-ME: Cựu giám đốc tháo chạy để lại khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng

(ĐTCK) Sau hàng loạt sai phạm lập “quỹ đen”, cựu Giám đốc CTCP Thi công cơ giới và lắp máy Dầu khí (PVC-ME) Trịnh Văn Thảo đã tháo chạy ra nước ngoài, để lại cho Công ty khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng và nhiều rắc rối khác.
PVC-ME: Cựu giám đốc tháo chạy để lại khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng

PVC–ME được thành lập vào cuối năm 2009, với vốn điều lệ ban đầu là 200 tỷ đồng. Cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam nắm giữ 40% cổ phần. Đến cuối tháng 7/2010, vốn điều lệ của PVC - ME được nâng lên 500 tỷ đồng. Trịnh Văn Thảo được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc và người đại diện cho 14% vốn điều lệ PVC – ME của Tổng công ty Xây lắp Dầu khí.

Trong thời gian ngắn tại vị (từ tháng 11/2009 đến khi bỏ trốn vào cuối tháng 7/2012), Trịnh Xuân Thảo đã gây ra hàng loạt sai phạm tại PVC – ME như lập quỹ đen, để ngoài sổ sách hàng chục tỷ đồng để “chạy dự án”, chi  đối ngoại, biếu xén... Ngày 23/7/2012, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lập đoàn thanh tra tại PVC - ME thì ngày 31/7/2012, Trịnh Văn Thảo xuất cảnh đi Mỹ. Chuyến đi này Trịnh Xuân Thảo không được cấp trên cử đi, Thảo cũng không báo cáo với lãnh đạo.

Sau khi cựu Giám đốc “cao chạy xa bay”, PVC - ME gánh khoản lỗ lên đến 576 tỷ đồng và tranh chấp kiện tụng kéo dài với đối tác. Điển hình nhất là vụ tranh chấp với CTCP Hà Thành liên quan đến công trình thuộc Dự án Cảng kết cấu kim loại và thiết bị dầu khí tại Căn cứ dịch vụ hàng hải Sao Mai - Bến Đình.

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 10/1/2011, hai bên ký kết hợp đồng xây dựng với nội dung Công ty Hà Thành thi công cọc gia cố xi măng phương pháp trộn ướt công trình thuộc dự án trên. Ngày 10/5/2011, PVC-ME và Công ty Hà Thành ký các phụ lục hợp đồng sửa đổi, điều chỉnh giá trị hợp đồng từ 5,4 tỷ đồng lên 6,4 tỷ đồng. Đến ngày 15/12/2011, hai bên nghiệm thu công việc, Công ty Hà Thành đã hoàn thành 100% khối lượng theo hợp đồng.

Theo biên bản đối chiếu công nợ ngày 22/12/2011, hai bên phê duyệt, thống nhất giá trị hợp đồng tạm tính là hơn 4 tỷ đồng, Công ty PVC-ME mới thanh toán 3 lần. Ngày 29/4/2014, ký biên bản thỏa thuận số tiền PVC-ME còn nợ là 3,2 tỷ đồng. Hai bên giao ước ngày 30/6/2014 ký thanh toán với nhau. Sau ngày này, nếu không ký quyết toán, bản thỏa thuận này được coi là bản quyết toán được PVC-ME phê duyệt.

Công ty Hà Thành đã nhiều lần yêu cầu PVC - ME ký quyết toán và thanh toán số tiền còn thiếu, nhưng phía đối tác không thực hiện. PVC- ME lấy lý do là tình hình tài chính khó khăn và bị một số đối tượng chiếm dụng vốn nên chưa có khả năng trả nợ. PVC-ME cũng đề nghị Công ty Hà Thành được miễn giảm nợ lãi. Do đó, Công ty Hà Thành khởi kiện PVC-ME ra Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) yêu cầu bị đơn phải thanh toán số tiền 5,3 tỷ đồng, gồm nợ gốc và lãi. Đơn khởi kiện của Công ty Hà Thành đã được Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm chấp nhận.

Không đồng ý với bản án, PVC-ME đã kháng cáo bản án sơ thẩm. Bị đơn đưa ra 2 lý lẽ. Đó là công việc chưa được tiến hành quyết toán và trong hợp đồng không quy định lãi suất nên đề nghị không tính lãi.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 12/8/2016, PVC-ME đã cử người đến tham dự phiên tòa, nhưng chưa kịp cấp giấy ủy quyền. Sau vài phút, phiên tòa đã phải tạm hoãn để bị đơn hoàn thành thủ tục.                

Năm 2015, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC-ME. Đầu tháng 2/2016, vụ án được Tòa án Nhân dân Tối cao xử phúc thẩm. Trong vụ án này, có 15 có 11 bị cáo là cựu cán bộ, lãnh đạo của PVC-ME bị đưa ra xét xử.

Cơ quan tố tụng xác định, PVC-ME đã lập quỹ trái phép với khoản tiền 85 tỷ đồng để sử dụng cho hoạt động đối ngoại, tiếp khách. Hội đồng xét xử xác định, hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho PVC-ME gần 47 tỷ đồng, gây thiệt hại ngân sách hơn 1,1 tỷ đồng.

Đối với Trịnh Văn Thảo, hiện đã bỏ trốn, cơ quan điều tra đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can và ra lệnh truy nã đặc biệt, Interpol đã ra lệnh truy nã quốc tế để truy bắt.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục