Lý do là trước khi phiên tòa được mở, một bị cáo mời luật sư bào chữa nhưng do sát ngày nên luật sư cần thời gian tiếp cận hồ sơ vụ án.
Hội đồng xét xử cũng ấn định thời gian mở lại tòa vào ngày 1/2/2016 tới.
Trước đó, vào hồi giữa tháng 8/2015, TAND TP. Hà Nội tuyên phạt đối với bị cáo Bùi Trọng Chinh (cựu Kế toán trưởng, Phó giám đốc) mức án 15 năm tù; Phạm Thị Hải Hà (thủ quỹ) 12 năm tù giam; 13 bị cáo còn lại chịu mức án từ 36 tháng treo đến 7 năm tù.
Sau phiên tòa trên, tất cả bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 8/2015.
Theo bản án sơ thẩm, Công ty cổ phần Thi công cơ giới và lắp máy dầu khí (PVC-ME) được Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC - mã PVX) phê duyệt đề án thành lập vào năm 2009 và góp 102 tỷ đồng, chiếm 51% vốn điều lệ.
Thời điểm đó, bị can Trịnh Văn Thảo (hiện bỏ trốn) được bổ nhiệm làm Giám đốc.
Năm 2010, Công ty nâng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng và PVC góp 200 tỷ đồng, chiếm 40% điều lệ. Tháng 7/2012, Thanh tra Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiểm tra tại PVC-ME, thì ngày 31/7, bị can Trịnh Văn Thảo xuất cảnh đi Mỹ không có báo cáo.
Cuối năm 2012, Tập đoàn có công văn gửi cơ quan điều tra thông báo kết quả kiểm tra tại PVC và các công ty trực thuộc có nội dung, nếu Công ty PVC-ME lỗ 576 tỷ đồng tính đến hết 30/6/2012. Cơ quan điều tra vào cuộc, khởi tố vụ án.
Kết quả điều tra xác định, từ khi thành lập đến tháng 9/2012, Công ty PVC-ME do bị can Trịnh Văn Thảo làm Giám đốc đã xảy ra hàng loạt hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý tài sản, tiền vốn, rút tiền quỹ của PVC-ME để chi tiêu trái quy định, để ngoài sổ sách kế toán hơn 85 tỷ đồng.
Cụ thể, bị can Thảo chỉ đạo cấp dưới là Bùi Trọng Trinh và một số nhân viên khác lập quỹ trái quy định rút hơn 47 tỷ đồng không có chứng từ chi theo quy định để “chạy dự án”, chi phí đối ngoại và lập quỹ để ngoài sổ sách.
Việc rút tiền quỹ và giao nhận tiền giữa Trịnh Văn Thảo, Bùi Trọng Chinh và các nhân viên cấp dưới không có giấy tờ biên nhận, nhưng được Phạm Thị Hải Hà (thủ quỹ), theo dõi ghi chép trên 5 quyển sổ quỹ và 1 file excel. Hàng tháng, Hà đều báo cáo cấp trên số tiền rút ra từ quỹ để Trịnh Văn Thảo “xử lý”.
Ngoài ra, bị can này còn chỉ đạo một số cán bộ lãnh đạo ở các ban chỉ huy công trường và lãnh đạo các phòng ban thuộc công ty ký và viết giấy đề nghị tạm ứng kèm phiếu chi, nhưng không được nhận tiền để che giấu số tiền đã rút trước đó.
Với cương vị kế Koán trưởng, Phó giám đốc Công ty, bị cáo Bùi Trọng Chinh biết rõ những chỉ đạo của cấp trên là trái nguyên tắc và vi phạm pháp luật, song vẫn yêu cầu nhân viên dưới quyền lập “quỹ đen” chi tiêu.
Trong đó, bị cáo Chinh yêu cầu thủ quỹ rút 42,5 tỷ đồng tiền quỹ của Công ty để chi tiêu trái nguyên tắc, để ngoài sổ sách kế toán; thu 29,8 tỷ đồng của 16 cán bộ, nhân viên Công ty PVC-ME cùng 4 đối tác để lập “quỹ đen”. Trong số tiền này, Chinh rút ra hơn 51 tỷ đồng đưa cho Thảo và chi hơn 3 tỷ đồng cho một số người, nhưng không có giấy tờ chứng minh.
Ngoài ra, bị cáo Bùi Trọng Chinh còn ký tên trên 9 phiếu chi và 2 ủy nhiệm chi trái quy định, dẫn đến doanh nghiệp này chưa thể thu hồi được gần 7,8 tỷ đồng; ký vào mục kế toán trưởng 3 ủy nhiệm chi tổng cộng hơn 7,8 tỷ đồng trong việc thanh toán 3 hợp đồng kinh tế khống.
Hành vi của các bị cáo, bị can đã gây thiệt hại cho Công ty PVC-ME gần 47 tỷ đồng, gây thiệt hại ngân sách hơn 1,1 tỷ đồng và gây thiệt hại tới một doanh nghiệp khác 4 tỷ đồng.
Do nghi can Trịnh Văn Thảo đã bỏ trốn, nên cơ quan điều tra đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can và ra lệnh truy nã đặc biệt, Interpol đã ra lệnh truy nã quốc tế để truy bắt.