PV Power “kích hoạt” sức nóng cổ phiếu điện

(ĐTCK) Hơn 300 nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đã tham dự roadshow của Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVP) tại Hà Nội chiều 16/1 cho thấy mức độ quan tâm rất lớn của giới đầu tư đối với cổ phiếu năng lượng thời điểm này. Bản thân PVP tạo ra sức hút từ quy mô doanh nghiệp khủng và tiềm năng gia tăng lợi nhuận trong tương lai.
PV Power “kích hoạt” sức nóng cổ phiếu điện

Ngành “ưu tiên”

Là tổng công ty phát điện lớn thứ 2 cả nước chỉ sau EVN, trực tiếp quản lý - vận hành 8 công ty/nhà máy điện với tổng công suất lắp đặt 4.208,2 MW, sản lượng phát điện khoảng 21 tỷ kWh/năm, chiếm 12% thị phần toàn hệ thống, lợi thế ngành của PVP là rất rõ ràng.

Vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm tại buổi roadshow là khả năng duy trì nguồn cung cấp khí đảm bảo cho hoạt động của các nhà máy (Cà Mau 1 và 2, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2) đạt công suất ở mức tối ưu nhất.

Theo ông Trần Xuân Hòa, Tổng giám đốc PVP, nguyên tắc vận hành của các nhà máy ngay từ khâu triển khai đầu tư dự án đã quy định rõ, nguồn khí cung cấp cho các nhà máy điện được ưu tiên, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. 

Năm 2018, PVP đã làm việc với PVN và Tập đoàn cam kết cung cấp lượng khí tương đương với nguồn năm 2017.

Ông Hòa cho biết, PVP đã có kế hoạch quản trị nguồn lực hiệu quả, đơn cử như phân bổ thấp vào mùa tiêu thụ thấp điểm. Bên cạnh đó, nguồn khí từ vùng chồng lấn với Maylaysia, Tổng công ty cũng đã phối hợp với PVN đàm phán với Petronas theo hướng ưu tiên cho bên Việt Nam mua được tối đa lượng khí này, chờ thời điểm khí của Lô B Ô Môn chính thức được cung cấp.

Ngoài nguồn khí ổn định, một ưu điểm lớn khác ở PV Power là có đội ngũ có kinh nghiệm làm thị trường điện tốt, bởi vậy luôn chào được mức giá tốt và vận hành , huy động tốt công suất các nhà máy.

PV Power “kích hoạt” sức nóng cổ phiếu điện ảnh 1

Năm 2017, Tổng công ty  đạt doanh thu 30.987 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.503 tỷ đồng, bằng 183% kế hoạch năm 2017. Đóng góp cho kết quả này, bên cạnh các yếu tố khách quan như  điều kiện thủy văn thuận lợi đã đem lại lợi nhuận cho riêng nhà máy thủy điện Đaklink là 220 tỷ đồng hay tỷ giá đồng USD xuống thấp hơn dự kiến đem lại lợi nhuận thêm 200 tỷ đồng, còn có sự chủ động tích cực của PV Power như thực hiện tiết kiệm và tiết giảm được 290 tỷ đồng trong toàn tổng công ty. Hay mỗi đợt bảo dưỡng sửa chữa rút ngắn được vài ngày cũng giúp công suất điện gia tăng.

Đây sẽ là kinh nghiệm để Tổng công ty tăng cường quản trị nguồn lực, tập trung cho sản xuất đạt hiệu quả kinh doanh tốt trong thời gian tới.

Trên nền tảng hoạt động cơ bản ổn định, , ông Hòa cho biết, dư địa để TCT gia tăng hiệu quả còn rất lớn, đặc biệt khi có thêm các nguồn lực mới, các nhà đầu tư chiến lược với kinh nghiệm nhiều năm trong cùng ngành nghề hoạt động.

Hơn 30 nhà đầu tư “dạm ngõ” chiến lược

Sản xuất điện không nằm trong những ngành nghề hạn chế sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, bởi vậy room của PVP là 100%.

Trong thời gian chờ phê duyệt phương án cổ phần hóa, PVP đã phối hợp với các đơn vị tư vấn thực hiện các đợt roadshow tại Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhận được sự quan tâm, thư đề nghị tìm hiểu cơ hội đầu tư chiến lược của hơn 100 nhà đầu tư.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Tổng công ty, các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu rơi vào 2 nhóm gồm các đơn vị phát điện và các chủ mỏ khí đến từ Indonesia, Úc, Trung Đông.

Cho đến thời điểm này, còn khoảng 30 nhà đầu tư tiếp tục cuộc đua trở thành đối tác chiến lược của PVP.

Ngoài lợi thế là doanh nghiệp đầu ngành, có thời gian vận hành các nhà máy điện lên tới gần chục năm, một lợi thế lớn mà các tổ chức đánh giá cao tại PVP là việc định giá được tiến hành và chốt từ cuối năm 2015 và từ đó đến nay, thị trường tài sản thế giới đã thay đổi theo hướng tích cực hơn rất nhiều. Chênh lệch từ định giá lại tài sản có thể là một khoản đáng kể.

Với các nhà đầu tư, với mức giá khởi điểm 14.400 đồng/cổ phần, tính trên vốn điều lệ của PV Power là 23.100 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế năm 2017 là 2.300 tỷ đồng, PE vào khoảng 14 lần. So với PE của thị trường chứng khoán Việt Nam là 20 lần, đặc biệt PE của các cổ phiếu đầu ngành thường dao động trên 25 lần, định giá cổ phiếu PVP khá hấp dẫn.

Nếu se duyên được với các đối tác chiến lược lớn, có tiềm lực mạnh về tài chính, kinh nghiệm quản trị, vận hành các nhà máy điện, rất có thể PVP sẽ có những bước thay đổi ngoạn mục trong tương lai.

“Ngay sau khi thực hiện xong IPO, chúng tôi sẽ triển khai việc đại hội cổ đông lần đầu, thay đổi đăng ký kinh doanh và tiến hành đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán”, ông  Hòa cho biết.

Ông Lưu Văn Lương, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt:

Trong 5 tổng công ty phát điện, PV Power có cấu trúc tài chính an toàn với tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu khoảng 60/40, nghĩa là có 2 đồng doanh nghiệp đi vay 3 đồng, trong khi các doanh nghiệp khác cùng ngành tỷ lệ này là 70/30, thậm chí 90/10 (có một đồng vay 9 đồng).

Lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tăng trưởng nhờ giảm khấu hao và lãi vay trong 3 năm tới. Mỗi năm PV Power trả khoảng 6.000 tỷ đồng nợ gốc trên tổng số gần 26.000 tỷ đồng dư nợ tại thời điểm cuối tháng 12/2017. Dòng tiền trả nợ gốc hàng năm lớn sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực chi phí tài chính trong các năm tiếp theo.

Cùng với đó 2 nhà máy nhiệt điện khí Cà Mau 1 và 2 sẽ hết khấu hao vào năm 2019, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí 500 tỷ đồng/năm.

"Các hợp đồng cung ứng điện dài hạn cả đời dự án trong khi dòng tiền trả nợ gốc hàng năm cao khiến chi phí lãi vay giảm mạnh qua từng năm, và một số nhà máy hết khấu hao trong 2 năm nữa sẽ giúp doanh nghiệp  có mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan.  Lợi nhuận  của doanh nghiệp tăng trưởng gần 16% khi các dự án điện đi vào vận hành ổn định, tăng gấp đôi lên mức trên 4.300 tỷ đồng vào năm 2019.

Thủy Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ