IPO PV Power: Cơ hội cho tầm nhìn dài hạn

(ĐTCK) Ngày 31/1/2018, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) sẽ chính thức đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Với vị thế đầu ngành, những thay đổi tích cực trong cơ cấu tài sản, nguồn vốn cùng triển vọng tích cực của ngành điện, cổ phiếu của PV Power là cơ hội đầu tư hấp dẫn.
IPO PV Power: Cơ hội cho tầm nhìn dài hạn

Vị thế đầu ngành

Thành lập tháng 5/2007 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sở hữu 100% vốn điều lệ, PV Power hiện là tổng công ty phát điện lớn thứ 2 cả nước chỉ sau EVN, trực tiếp quản lý - vận hành 8 công ty/nhà máy điện với tổng công suất lắp đặt 4.208,2 MW, sản lượng phát điện khoảng 21 tỷ kWh/năm, chiếm 12% thị phần toàn hệ thống. Sản xuất điện cũng là hoạt động chính của Tổng công ty, đóng góp hơn 90% doanh thu hàng năm.

Mặc dù hoạt động trong tất cả các loại hình phát điện, tuy nhiên, nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện khí đang là thế mạnh của PV Power với 4 nhà máy Cà Mau 1 và 2 (1.500 MW), Nhơn Trạch 1 (450 MW), Nhơn Trạch 2 (750 MW) chiếm 64% công suất thiết kế, 79,64% tổng sản lượng điện sản xuất.

Đây là nhóm được đánh giá cao về hiệu quả hoạt động với suất đầu tư thấp, lợi nhuận cao, có vị trí thuận lợi gần các mỏ khí lớn tại thềm lục địa phía nam. Ngoài ra, Tổng công ty còn có 1 nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng 1 (1.200 MW) và 3 nhà máy thủy điện Hủa Na, Đakđrinh và Nậm Cắt.

Trải qua 10 năm hoạt động, tính đến hết năm 2017, PV Power đã cung cấp vào mạng điện lưới quốc gia hơn 150,8 tỷ kWh; doanh thu khoảng 202.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế (LNTT) hơn 11.650 tỷ đồng.  Hệ số sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2017 lần lượt đạt 4% và 8,2%, tăng đáng kể so với con số 2,1% và  5,6% cùng kỳ năm 2016.

Tính đến 30/9/2017, quy mô tài sản của PV Power đạt 64.314 tỷ đồng, chiếm 70% trong đó là tài sản cố định. Các khoản phải thu dù lên tới 6.000 tỷ đồng, chiếm 9,3% tổng tài sản, nhưng phần lớn đến từ các đối tác lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam… nên rủi ro thất thoát không đáng kể.

Về cơ cấu nguồn vốn, mặc dù số dư nợ phải trả lên đến 36.418 tỷ đồng, chiếm 56,6%, chủ yếu là nợ vay (27.479 tỷ đồng) để đầu tư các nhà máy, tuy nhiên, rủi ro thanh toán của PV Power vẫn được kiểm soát tốt nhờ dòng tiền hoạt động kinh doanh trên dưới 5.000 tỷ đồng/năm.

Tính đến cuối quý III/2017, Tổng công ty cũng đang có 4.992 tỷ đồng các khoản tiền và tiền gửi, chiếm 7,8% tổng tài sản, gần tương đương giá trị nợ vay ngắn hạn. Tiền mặt lớn cùng dòng tiền dồi dào là một yếu tố đảm bảo cho PV Power không những đáp ứng tốt nhu cầu trả nợ đến hạn, mà còn phục vụ nhu cầu vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh, bảo trì, bảo dưỡng, thay thế thiết bị không cần phụ thuộc vốn vay.

Đặc biệt, trong cơ cấu nợ vay của PV Power hiện có gần 80% dư nợ có nguồn gốc ngoại tệ, chủ yếu là các khoản vay bằng đồng USD (90%). Với mức lãi suất USD chỉ từ 2,5 - 3%/năm, thấp hơn so với vay nội tệ cùng xu hướng ổn định của tỷ giá VND/USD, vay nợ USD đã và đang tiết kiệm cho PV Power khoản chi phí lãi vay hàng năm đáng kể.

Những năm qua, PV Power duy trì trả nợ ổn định bình quân khoảng 6.500 tỷ đồng/năm. Trong năm 2016, nợ vay giảm ròng 3.169 tỷ đồng, riêng trong 9 tháng năm 2017 giảm ròng đạt 3.078 tỷ đồng. Không chỉ cải thiện cơ cấu vốn, lợi nhuận cũng cải thiện tương ứng nhờ tiết giảm lãi vay từ dư nợ cũ, trong khi lãi từ các khoản vay cho đầu tư mới đang trong giai đoạn được vốn hóa.

Triển vọng hấp dẫn

Theo phương án cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, PV Power sẽ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng vào ngày 31/1/2018 với mức giá khởi điểm là 14.400 đồng/cổ phiếu. Theo số liệu Tổng công ty ước tính, trong năm 2017, doanh thu đạt khoảng 30.987 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.503 tỷ đồng, bằng 183% kế hoạch. Theo đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của PV Power được dự báo cả năm 2017 sẽ vào khoảng 2.300 tỷ đồng, riêng phần thuộc về Công ty mẹ vào khoảng 2.050 tỷ đồng.

Với kết quả này, bội số giá trên thu nhập (P/E) ở mức giá khởi điểm của PV Power tương đương 14,3 lần, thấp hơn đáng kể so với P/E bình quân của thị trường hiện nay là 20 lần, đồng thời nếu so sánh với giá cổ phiếu của Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã NT2) trên sàn là khoảng 35.000 đồng/cổ phiếu, mức giá khởi điểm14.400 đồng/cổ phiếu của PVPower khá hấp dẫn.

Theo kế hoạch sau cổ phần hóa, cùng với việc duy trì hiệu quả các nhà máy hiện tại, PV Power sẽ tiếp tục đầu tư các nhà máy điện khí mới để nâng tổng công suất phát điện.

Theo phương án cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1977/QĐ-TTg ngày 8/12/2017 có tính đến việc PV Power làm chủ đầu tư dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 (NT3), Nhơn Trạch 4 (NT4), sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) với công suất khoảng 750 – 800 MW/nhà máy, dự kiến đưa vào vận hành trong các năm 2020, 2021. Đây sẽ là động lực tăng trưởng doanh thu quan trọng của PV Power trong những năm tiếp theo.

Nếu tính theo P/E bình quân thị trường là 19 - 20 lần, chiết khấu 15%, với mức lợi nhuận sau thuế mà PV Power đã công bố, định giá hợp lý của cổ phiếu dao động trong khoảng 16.000 - 17.000 đồng/cổ phần.

Trong báo cáo phân tích tháng 12/2017, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền vốn chủ sở hữu (FCFF) và dòng tiền tự do vốn cổ phần (FCFE) đã định giá PV Power ở mức 18.820 đồng/cổ phần.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực và chính thức vượt mốc 1.000 điểm, vị thế đầu ngành, kết quả kinh doanh tăng trưởng, cơ cấu tài sản - nguồn vốn tiếp tục cải thiện cùng triển vọng lạc quan là những điều kiện thuận lợi để PV Power thành công trong đợt chào bán tới đây.

Đặc biệt, với định hướng thoái vốn nhà nước xuống dưới 51% sau năm 2019, nhà đầu tư chiến lược hoàn toàn có cơ hội tiến tới sở hữu chi phối doanh nghiệp đầu ngành trong một lĩnh vực nhiều tiềm năng tăng trưởng, tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong tổ chức và chất lượng quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp trong thời gian tới.

PV Power dự kiến đăng ký giao dịch ngay trong tháng 3/2018 sau khi hoàn tất IPO và việc hoàn thành niêm yết trong năm 2018 cũng giúp giải bài toàn thanh khoản, tăng tính hấp dẫn trong đợt đấu giá sắp tới.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Trí Long,Chuyên gia tài chính

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục