PV GAS (GAS) trả cổ tức năm 2022 bằng tiền, tỷ lệ 36% và sắp phát hành 382,79 triệu cổ phiếu thưởng

(ĐTCK) Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 tổ chức ngày 25/5, Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS, mã GAS - sàn HOSE) đã thông qua kế hoạch lợi nhuận năm 2023 giảm hơn 56% và dự kiến phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Năm 2023, GAS đặt mục tiêu doanh thu đạt 76.441 tỷ đồng, giảm 24% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế giảm hơn 56%, xuống còn 6.539 tỷ đồng.

Về chỉ tiêu sản lượng, GAS đặt kế hoạch đạt 7,9 tỷ m3 khí đầu vào, tiêu thụ 7,67 tỷ m3 khí sản xuất và tiêu thụ. Lượng khí ngưng tụ (condensate) sản xuất và kinh doanh đạt 84.000 tấn.

GAS cho biết, kế hoạch trên được lập dựa vào nhận định tình hình 2023 còn rủi ro về suy thoái kinh tế, xung đột Nga – Ukraine và sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa cơ bản sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam.

Bên cạnh đó, nguồn khí trong nước đang bước vào giai đoạn sụt giảm nhanh, đặc biệt là nguồn khí từ hệ thống Nam Côn Sơn (Lô 06.1, 11.2 và 12W). Các nguồn khí có giá rẻ đang giảm sâu, thay vào đó là nguồn khí giá cao như Thiên Ưng, Đại Hùng, Sao Vàng – Đại Nguyệt, PM3 – Cà Mau đang chiếm tỷ trọng lớn.

Đại hội cũng thông qua việc chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt, tỷ lệ 36%. Năm 2023, GAS dự kiến chia cổ tức cũng bằng tiền mặt, tỷ lệ 20%.

Ngoài ra, đại hội GAS đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2023 với việc dự kiến phát hành 382,79 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 20% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 20 cổ phiếu mới), qua đó nâng vốn điều lệ của GAS lên hơn 22.967 tỷ đồng.

Tổng giá trị dự kiến phát hành là 3.827,9 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu của GAS tại thời điểm ngày 31/12/2022 gồm thặng dư vốn cổ phần 210,43 tỷ đồng và quỹ đầu tư phát triển 3.617,46 tỷ đồng.

Tại phần thảo luận, cổ đông đề cập đến đường ống dẫn khí lô B – Ô Môn, ông Phạm Văn Phong, Tổng giám đốc GAS chia sẻ, GAS đầu tư 51% vào dự án đường ống dẫn khí Lô B. Ngày 15/5 đã đóng thầu, dự kiến 60 - 65 ngày sẽ có kết quả đấu thầu. Sau khi đưa LNG vào sẽ có đóng góp khoảng 30% về doanh thu cho GAS trong thời gian tới.

Về việc gần đây Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kêu gọi ưu tiên khí cho sản xuất điện, GAS cho biết, Công ty đã làm việc với các ban ngành và rất chia sẻ khó khăn với EVN. GAS đã đưa ra giải pháp là tìm nguồn thay thế để cấp bổ sung khí nội địa. Giải pháp thứ 2 là đưa LNG vào vận hành khoảng đầu tháng 07/2023, với dự án kho 1 triệu tấn LNG Thị Vải.

Với LNG Thị Vải, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, GAS là đơn vị duy nhất ngành khí được giao nhập khẩu khí và sản xuất khí. Kho Thị Vải hoàn thành sẽ có đơn hàng đầu tiên vào tháng 7, khách hàng lớn nhất là các nhà máy điện, sau đó là khách hàng công nghiệp đang sử dụng khí nội địa.

"Nhu cầu hiện tại của khí là rất lớn. Với Quy hoạch điện VIII, LNG dành cho điện là rất tiềm năng, khoảng 15 triệu tấn/năm vào năm 2023, xấp xỉ 14% cơ cấu phát điện. Đây là thị trường tốt cho GAS phát triển LNG trong thời gian tới. Lô hàng tháng 7 dự kiến nhập 1 tàu để phục vụ một số khách hàng, trước mắt là các khách hàng khí thấp áp. Nhìn chung, PV GAS đang làm việc với các ban ngành để có những chuyến hàng sớm nhất, phục vụ sản xuất", đại diện GAS chia sẻ.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục