Đồng rúp đã rớt giá mạnh từ tháng 9, chạm các mức thấp mới so với đồng USD trong tất cả các ngày của tháng 10, và đã mất tổng cộng 22% giá trị trong năm nay, chỉ sau đồng tiền của Argentina.
Đây phần nào là hậu quả của việc giá dầu tính bằng USD giảm. Cũng góp phần khiến đồng rúp yếu đi là các biện pháp trừng phạt tài chính được áp dụng bởi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Các biện pháp đó đã khiến thanh khoản đồng USD ở Nga trở nên cạn kiệt đúng lúc các công ty cần hoán đổi và tích trữ ngoại tệ.
Sự hội tụ của giá dầu rẻ và đồng rúp yếu có thể tàn phá nền kinh tế Nga nếu chúng tiếp diễn. Các công ty Nga là những con nợ nước ngoài lớn, với ước tính của Moody’s là khoảng 315 tỷ USD dư nợ, trong đó có 100 tỷ USD đáo hạn trong năm 2015. Các hộ gia đình Nga cũng bắt đầu chuyển tiền ra nước ngoài nhiều hơn, làm tăng quy mô của dòng vốn chảy khỏi Nga, được dự báo sẽ đạt khoảng 100 tỷ USD trong năm nay.
Một đồng rúp yếu hơn đồng nghĩa với lạm phát nội địa Nga cao hơn. Điều này sẽ được đặc biệt cảm nhận trong lĩnh vực thực phẩm, lĩnh vực chiếm khoảng 40% rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng của Nga và 18% trong số đó thường xuyên được nhập khẩu. Tổng thống Putin đã áp dụng lệnh cấm nhập khẩu nông sản từ các nước tham gia trừng phạt Nga.
Lãi suất Nga hiện đang cao hơn 4 điểm phần trăm so với trước khi nước này sáp nhập Crimea, mặc dù có những dấu hiệu cho thấy, nền kinh tế đang lún vào suy thoái và các công ty đang trong những ngày khó đi vay nhất bởi các biện pháp trừng phạt.
Cán cân tài khóa tương đối dồi dào của Nga và dự trữ ngoại hối khoảng 396 tỷ USD (tính đến cuối tháng 9) mang đến cho ông Putin một hy vọng là ông có thể vượt qua được tình trạng căng thẳng này. Nhưng những diễn biến của đồng tiền có thể “nguy hiểm chết người”. Kế hoạch của BoR về việc thả nổi đồng rúp, bắt đầu trong năm 2015, sẽ giúp giải tỏa phần nào áp lực tiêu hao dự trữ để can thiệp tiền tệ, mà cho đến nay vẫn chưa mang lại kết quả nào. Nhưng các nhà giao dịch tiền vẫn đang thử BoR bằng cách đặt cược vào việc đồng rúp sẽ giảm sâu hơn.