Câu chuyện của Liên Xô vào năm 1991 có rất nhiều điều để nói, nhưng có một điều quan trọng ít được nhắc tới là sự suy giảm của giá dầu, sản phẩm xuất khẩu chính của liên bang này, với mức giảm lên tới 2/3 trong giai đoạn giữa 1980 và 1986. Vì lý do đó, quy tắc 14 năm của Tổng thống Vladimir Putin đã được hỗ trợ khi giá dầu tăng lên tận 3 lần.
Giờ đây, giá dầu lại giảm một lần nữa. Kể từ tháng 6, giá đã rớt từ khoảng 115 USD/thùng dầu Brent xuống còn khoảng 85 USD - tức là giảm khoảng 1/4. Điều đó đồng nghĩa với việc tổng chi phí tiêu dùng cho dầu mỏ giảm xuống rất lớn và đó sẽ là một cú giáng thêm vào tình trạng đình trệ hiện tại của nền kinh tế thế giới. Nó cũng kéo theo các hệ quả chính trị lớn: đối với một vài chính quyền, việc suy giảm này không hẳn là một cơ hội tốt, thậm chí còn là một mối đe dọa.
Giá dầu có thể tăng trở lại. Những cú sốc địa chính trị có thể khiến cả bên “đánh lên” lẫn bên “đánh xuống” đều bất ngờ. Ả-rập Xê-út có thể sẽ quyết định cắt bớt sản lượng để đẩy giá dầu lên cao một lần nữa. Với việc chiến tranh tiếp diễn ở Iraq, Libya vẫn trong tình thế mong manh và Nigeria đang đối mặt với các cuộc bạo loạn, nguồn cung rất dễ biến động.
Nhưng nhiều yếu tố giữ cho giá dầu thấp vẫn đang có hiệu lực. Những bất ổn kinh tế đè nặng lên nhu cầu tiêu thụ dầu không có vẻ gì sẽ mất đi, bất chấp “liều thuốc bổ” giá dầu rẻ. Các quy định bảo vệ môi trường cũng là một yếu tố lớn. Trung bình một chiếc ô tô mới tiêu thụ lượng dầu trên mỗi dặm thấp hơn 25% so với cách đây 10 năm. Một số nhà quan sát cho rằng, giới thượng lưu đã đạt đỉnh về số lượng ô tô được tiêu thụ và số lượng này trong dài hạn sẽ giảm.
Lượng cung trong tương lai vẫn còn rất lớn. Phần lớn các hoạt động đầu tư dầu tốn nhiều năm để lên kế hoạch và bắt đầu từ một điểm nào đó, những hoạt động này khó có thể bị hoãn lại. Cuộc cách mạng chiết xuất dầu và khí từ đá phiến sét có vẻ sẽ bùng nổ. Từ đầu năm 2010, Mỹ, đang dẫn đầu cuộc cách mạng này, đã tăng sản lượng từ hơn 3 triệu thùng/ngày lên 8,5 triệu thùng/ngày.
Đối với các chính phủ tại các quốc gia tiêu thụ, giá dầu giảm đem lại những dư địa mới cho ngân sách. Các khoản trợ giá năng lượng đã ngốn những phần tiền khổng lồ ở rất nhiều quốc gia đang phát triển - 20% chi tiêu công ở Indonesia và 14% ở Ấn Độ. Giá dầu hạ đem đến cơ hội cho các chính phủ để chi tiêu hiệu quả hơn hoặc hoàn lại tiền cho người đóng thuế. Tuần này, Ấn Độ đã mở đường bằng việc thông báo kết thúc các khoản trợ giá năng lượng. Một số quốc gia khác có thể sẽ đi theo chủ trương của Narendra Modi.
Ngược lại, với những quốc gia đã dùng khoản doanh thu trên trời rơi xuống từ việc giá dầu cao để vận hành nền kinh tế, vị thế đối ngoại, mọi thứ có thể trở nên khó chịu. Những nước dễ bị ảnh hưởng nhất trong trường hợp này là Venezuela, Iran và Nga.
Ngân sách của Venezuela được xây trên mức giá dầu ngất ngưởng 120 USD/thùng. Ngay cả trước khi giá dầu giảm, quốc gia này cũng đã phải chật vật trả các khoản nợ của mình. Dự trữ ngoại hối đang teo lại, lạm phát tăng vọt và người dân Venezuela đang phải chịu đựng cảnh thiếu hụt cả những hàng hóa cơ bản nhất như bột mì và giấy vệ sinh.
Iran cũng đang ở vào một vị thế hiểm hóc. Quốc gia này cần dầu giữ ở mức giá 140 USD/thùng để giữ cho túi tiền cân bằng với cách chi tiêu hoang phí của nguyên Tổng thống Mahmoud Ahmedinejad. Các biện pháp trừng phạt nhằm vào chương trình hạt nhân của quốc gia này cũng khiến cho Iran rơi vào tình trạng dễ tổn thương. Một vài ý kiến cho rằng, Ả-rập Xê-út đang âm mưu cùng với Mỹ dùng giá dầu để đặt áp lực lên đối thủ Shia của mình. Cho dù động cơ là gì, hệ quả tất yếu vẫn là giá dầu đã giảm xuống.
So với hai quốc gia trên, nước Nga có thể chờ đợi. Việc đồng nội tệ giảm xuống có nghĩa là doanh thu bán dầu tính bằng đồng rúp đã rớt xuống so với giá tính bằng USD, làm giảm thuế và hạn chế thâm hụt ngân sách. Điện Kremlin có thể rút tiền dự trữ, mặc dù kho tiền này đã thu nhỏ so với một vài năm trước đây và quốc gia này đã thông qua chính sách thu hẹp kho dự trữ này lại. Nước Nga có thể sẽ đương đầu được với tình trạng giá xuống trong 18 tháng đến 2 năm, nhưng tiền rốt cuộc sẽ cạn.
Vị Tổng thống có tính cách hướng ngoại Hassan Rouhani của Iran được bầu ra để cải thiện chất lượng sống. Nếu nền kinh tế đi xuống, phe đối lập của ông sẽ có cơ hội nổi dậy. Tương tự, một cuộc đổ vỡ kinh tế ở Venezuela có thể dẫn theo những hệ quả khốc liệt, không chỉ cho người Venezuela, mà cho cả các quốc gia vùng Caribe đang phụ thuộc vào các khoản hỗ trợ của người Bolivarian. Và ông Putin, tất nhiên không thể không suy nghĩ.
Giá dầu giảm, tất nhiên được hoan nghênh, nhưng không phải là không có rủi ro.