PNJ vừa công bố dự thảo Nghị quyết ÐHCÐ năm 2020 với kế hoạch doanh thu tăng 12%, lợi nhuận tăng 13% và chia cổ tức tỷ lệ 18%. Mặc dù đặt kế kinh doanh tăng trưởng, nhưng gần đây giá cổ phiếu PNJ giảm hơn 37% trong vòng 11 phiên giao dịch.
Trước diễn biến giảm giá bất ngờ, con gái Chủ tịch HÐQT là bà Trần Phương Ngọc Thảo đã đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu, nếu giao dịch thành công sẽ nâng tỷ lệ sở hữu từ 2,1% lên 2,99%, dự kiến giao dịch sẽ thực hiện từ 25/3 - 23/4/2020.
Ðược biết, trong năm 2019, doanh nghiệp ghi nhận 17.000,7 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 1.192,9 tỷ đồng, lần lượt tăng 16,67% và 24,38% so với năm 2018.
Cơ cấu doanh thu của PNJ.
Trong cơ cấu doanh thu 9 tháng đầu năm 2019 có 76% đến từ mảng kinh doanh trang sức vàng, 21,9% là mảng vàng miếng. Trong định hướng phát triển của PNJ, doanh nghiệp tập trung vào mảng trang sức vàng với biên lợi nhuận cao hơn so với mảng vàng miếng.
Một câu hỏi đặt ra là tại sao PNJ sở hữu 7.030,4 tỷ đồng tồn kho, chủ yếu là nguyên liệu vàng và vàng trang sức tại các cửa hàng, chiếm tới 81,7% tổng tài sản, trong khi giá vàng đầu năm 2019 ở mức 1.280 - 1.300 ounce/USD, nay có giá khoảng 1.492 ounce/USD, tức tăng 16,6%, như vậy PNJ được hưởng lợi từ chênh lệch tồn kho giá thấp?
Tuy nhiên, một vấn đề cần nhận thấy là PNJ chủ yếu kinh doanh vàng trang sức, thuộc nhóm hàng xa xỉ trong rổ hàng.
Khi nền kinh tế bất ổn, thu nhập là một ẩn số, hành vi tiêu dùng có sự thay đổi, cắt giảm chi tiêu hàng xa xỉ và tập trung vào hàng thiết yếu.
Ðiều này được dự báo sẽ diễn ra trong năm 2020 và nền kinh tế chỉ có thể hồi phục dần vào cuối năm.
Chính vì vậy, mảng kinh doanh vàng trang sức nhiều khả năng sẽ bị tác động tiêu cực từ xu hướng tiêu dùng thay đổi, trong khi đây lại là mảng chiếm trọng số và là định hướng phát triển trong dài hạn của PNJ.
Mảng vàng miếng có thể bù đắp doanh số cho mảng trang sức, nhưng sẽ không quá lớn.
Biên lợi nhuận của PNJ qua các năm.
Thực tế, PNJ tiếp tục hưởng lợi từ việc giá vàng tăng, giúp cải thiện biên lợi nhuận. Cụ thể, nếu như năm 2016, biên lợi nhuận gộp là 16,48% thì năm 2019 là 20,36%.
Trong báo cáo tháng vừa công bố, PNJ cho biết, biên lợi nhuận gộp tháng 1/2020 là 23,4% và tháng 2/2020 là 21,2%.
Mức biên lợi nhuận gộp tháng 2 thấp hơn tháng 1 do tỷ trọng của mảng vàng miếng tăng từ 14,6% lên 28,5%.
Tính tới hết tháng 2/2020, PNJ có 348 cửa hàng, trong đó 290 cửa hàng PNJ, 54 cửa hàng PNJ SILVER, 27 cửa hàng PNJ WATCH và 4 cửa hàng CAO FINE JEWELLERY.
Doanh nghiệp có chi phí đặt cọc thuê cửa hàng 70,7 tỷ đồng, tổng chi phí trả trước ngắn hạn và dài hạn 229,9 tỷ đồng, chủ yếu công cụ, dụng cụ, cải tạo văn phòng, thuê cửa hàng, bảo dưỡng…
PNJ có 2.614,6 tỷ đồng nợ vay, chiếm 30,4% tổng nguồn vốn. Có thể thấy, chi phí cố định của PNJ với 348 cửa hàng đang vận hành là tương đối lớn.
Như vậy, giới đầu tư đang phản ánh vào giá cổ phiếu PNJ với nỗi lo lắng về xu hướng người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Ðiều này sẽ ảnh hưởng tới mảng kinh doanh vàng trang sức của doanh nghiệp.
Trong khi đó, mảng vàng miếng gia tăng tỷ trọng doanh thu, nhưng biên lợi nhuận thấp cũng ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh.
Các chi phí cố định hiện tại của PNJ như tiền thuê mặt bằng, lãi vay thuộc loại chi phí khó cắt giảm ngay lập tức.
Chính vì vậy, động thái mua cổ phiếu của người liên quan đến lãnh đạo cao cấp của doanh nghiệp trong ngắn hạn mang lại hiệu ứng tâm lý về sự gắn kết lâu dài, cam kết với doanh nghiệp.
Trong khi đó, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với thách thức từ hoạt động kinh doanh cốt lõi đã tạo ra thương hiệu PNJ là mảng trang sức.
Giá cổ phiếu PNJ ngày 23/3 là 51.200 đồng/cổ phiếu, tương đương P/E 14,3 lần, trong khi giá trị sổ sách là 20.326 đồng/cổ phiếu.
Với tiềm lực và thương hiệu đã được định vị, cũng như PNJ là một cổ phiếu ưa thích của các quỹ đầu tư nước ngoài khi đang kín room, kỳ vọng cổ phiếu này sẽ có lực cầu hỗ trợ giá trong thời gian tới từ ban lãnh đạo, hoặc doanh nghiệp mua vào cổ phiếu quỹ.