Phương án mới gỡ rối chuyện nới room

(ĐTCK) Dự thảo Nghị định quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh chứng khoán vừa được Ban soạn thảo gửi lấy ý kiến thẩm định Bộ Tư pháp, trong đó có phương án mới tháo gỡ vướng mắc cho áp dụng quy định nới room tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP.
Với hoạt động mua, bán cổ phiếu trên sàn, các doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch luôn được coi là NĐT trong nước
Với hoạt động mua, bán cổ phiếu trên sàn, các doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch luôn được coi là NĐT trong nước

Giao dịch trên TTCK: Thủ tục đầu tư, giao dịch như NĐT trong nước

Theo phương án mà Ban soạn thảo đề xuất, thì khi đầu tư, giao dịch trên TTCK, công ty niêm yết, công ty đại chúng đăng ký giao dịch trên Sở GDCK, quỹ đại chúng có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đầu tư, giao dịch theo quy định của pháp luật chứng khoán đối với NĐT trong nước.

Như vậy, không quan trọng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại một DN niêm yết, hay đăng ký giao dịch trên UPCoM là bao nhiêu, khi tổ chức đó đầu tư, giao dịch cổ phiếu trên TTCK, thì tuân thủ các thủ tục đầu tư, giao dịch như đối với NĐT trong nước, chứ không phải đăng ký mã số giao dịch và thực hiện thủ tục đầu tư như là NĐT nước ngoài.

Với những DN niêm yết, đăng ký giao dịch mà NĐT nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên sẽ phải căn cứ vào đâu, vào thời điểm nào để định danh là NĐT nước ngoài?

Lấy ví dụ một Công ty A đang niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) có NĐT nước ngoài sở hữu 60 - 70% vốn điều lệ tiến hành mua cổ phần của Công ty B cũng đang niêm yết trên HOSE, hoặc trên Sở GDCK Hà Nội (HNX), hoặc đang đăng ký giao dịch trên UPCoM, thì Công ty A không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu áp dụng đối với NĐT nước ngoài.

Đồng thời, Công ty A không phải đăng ký mã số giao dịch khi mua cổ phần của Công ty B, hoặc mua cổ phiếu của các công ty khác cũng đang niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK như các NĐT trong nước khác. Tuy nhiên, cũng vẫn Công ty A đó, nếu mua cổ phần của Công ty B chưa niêm yết, hoặc chưa đăng ký giao dịch trên TTCK, thì phải tuân thủ trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư.

Với hướng tháo gỡ trên, một câu hỏi mà lâu nay các thành viên thị trường đặt ra đã phần nào được giải đáp là NĐT nước ngoài sở hữu tỷ lệ cổ phần bao nhiêu, thì DN được coi là NĐT nước ngoài.

Băn khoăn thời điểm định danh NĐT nước ngoài

Tuy nhiên, vẫn còn một số “khoảng trống” chưa có lời giải đáp. Chẳng hạn, với những DN niêm yết, đăng ký giao dịch mà NĐT nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên (theo quy định của Luật Đầu tư, thì tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với NĐT nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế) sẽ phải căn cứ vào đâu, vào thời điểm nào để định danh là NĐT nước ngoài trong các hoạt động về thành lập DN, đăng ký kinh doanh, triển khai dự án, hoặc mua cổ phần của các công ty không phải là công ty đại chúng…, trong bối cảnh tỷ lệ sở hữu cổ phần có thể thay đổi trên dưới 51% hàng ngày?

Biết rằng, dự thảo Nghị định quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh chứng khoán, chỉ điều chỉnh trình tự, thủ tục đối với hoạt động đầu tư, giao dịch cổ phiếu trên TTCK, còn các hoạt động khác, khi DN có NĐT nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên, thì tuân thủ theo quy định của Luật Đầu tư, nhưng từ nội dung mới của dự thảo Nghị định dẫn đến khoảng trống trên, nên không thể không có lời giải thấu đáo, để các DN mạnh dạn nới room. 

Có thể phân tách thành 2 trường hợp

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán, “khoảng trống” trên có sự giao thoa giữa hệ thống pháp luật về chứng khoán và pháp luật đầu tư. Nói cách khác, hai hệ thống pháp luật này cần có sự phối hợp chặt chẽ, ăn ý, thì mới có thể đưa ra một phương án tối ưu, khả thi.

Theo đó, các hệ thống pháp luật này phải đưa ra được phương án căn cứ vào đâu, thời điểm nào để chốt DN sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên, qua đó định danh là NĐT nước ngoài. Sau khi định danh xong, thì đến phân đoạn điều chỉnh của hệ thống pháp luật đầu tư khi DN tiến hành các thủ tục, trình tự để đầu tư xây dựng dự án, nhà máy, vay vốn…

Vị chuyên gia này cho rằng, có thể phân tách thành hai trường hợp để xử lý.

Thứ nhất, lấy ví dụ thực tế tại CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát (AAA), ĐHCĐ thường niên năm 2016 của AAA đã thông qua phương án nới room.

Phương án mới gỡ rối chuyện nới room ảnh 1

Khi triển khai nội dung này dẫn đến NĐT nước ngoài sở hữu từ 51% vốn trở lên tại AAA, thì theo dự thảo Nghị định, AAA không bị hạn chế về tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại các DN niêm yết trên HOSE, HNX và đăng ký giao dịch trên UPCoM như hạn chế với NĐT ngoại, vì AAA được coi như NĐT trong nước (ngoại trừ phải tuân thủ các mốc sở hữu cổ phần theo quy định của pháp luật chuyên ngành). Điều này có nghĩa là với hoạt động mua, bán cổ phiếu trên sàn, AAA luôn được coi là NĐT trong nước.

Thứ hai, cũng ví dụ trên, với hoạt động mua, bán cổ phiếu, thì AAA được coi là NĐT trong nước, còn với các hoạt động khác liên quan đến thủ tục, trình tự đăng ký kinh doanh, triển khai dự án, tuân thủ nghĩa vụ về thuế, hoặc các hoạt động khác…, thì AAA vẫn phải tuân thủ quy định của Luật Đầu tư (dự thảo Nghị định quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh chứng khoán chỉ điều chỉnh hoạt động mua, bán cổ phiếu trên TTCK, không điều chỉnh các hoạt động khác của DN).

Câu hỏi đặt ra là căn cứ vào đâu, thời điểm nào để xác định tỷ lệ sở hữu cổ phần của NĐT nước ngoài trên hoặc dưới 51% để định danh AAA là NĐT nước ngoài?

Phương án mới gỡ rối chuyện nới room ảnh 2

Có thể xử lý bằng cách, chẳng hạn, tại thời điểm AAA nộp hồ sơ điều chỉnh đăng ký DN, tuân thủ quy định về môi trường, triển khai dự án…, thì các cơ quan có liên quan yêu cầu AAA nộp giấy xác nhận (có thể lấy giấy xác nhận của Trung tâm Lưu ký chứng khoán) về tỷ lệ sở hữu cổ phần của bên nước ngoài là bao nhiêu để trên cơ sở đó xác định quyền và nghĩa vụ của AAA tương ứng. Trong trường hợp các thủ tục, trình tự này không có sự phân biệt và khác nhau giữa NĐT trong và ngoài nước, thì câu chuyện trở nên dễ dàng hơn.

Khi đó, DN không còn phải chứng minh là NĐT trong nước hay nước ngoài (nhiều quy định hiện đã có sự tương đồng giữa NĐT trong và ngoài nước, ví dụ lĩnh vực thuế, bởi khi NĐT nước ngoài vào Việt Nam kinh doanh được coi như DN Việt Nam). Trường hợp có sự khác biệt, DN khi chạm ngưỡng 51% vốn ngoại, sẽ phải thực hiện như NĐT nước ngoài.

Một câu hỏi khác, trong trường hợp AAA (giả sử NĐT nước ngoài đã sở hữu từ trên 51% vốn) mua cổ phần của Công ty B, vấn đề đặt ra là cách nào để xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Công ty B (tính cả phần AAA và các NĐT nước ngoài khác sở hữu), vì không thể phân tách hay đồng nhất tỷ lệ sở hữu cổ phần 51% của NĐT ngoại tại AAA cũng là tỷ lệ tương tự tại Công ty B, để xác định quyền và nghĩa vụ của Công ty B trong các hoạt động không phải là mua, bán cổ phiếu của các DN niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK? Giới đầu tư, cũng như các DN đang chờ lời giải đáp thấu đáo từ nhà quản lý.              

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục