Nới room, nỗi lo khi cổ phiếu giá thấp

(ĐTCK) Gần đây, nhiều công ty niêm yết nhận được yêu cầu nới room từ các cổ đông ngoại để họ có thể mua thêm cổ phần.
Nới room, nỗi lo khi cổ phiếu giá thấp

Chiều qua (14/4), ĐHCĐ của CTCP Phát triển nhà Thủ Đức qua đã thông qua nội dung nới room lên 60%. Động thái này là để đáp ứng nhu cầu của các cổ đông nước ngoài đang sở hữu cổ phiếu TDH. Cổ đông ngoại hiện sở hữu gần hết room TDH và họ đã yêu cầu HĐQT công ty này xem xét việc mở room.

Được biết, trong đợt phát hành tăng vốn cho cổ đông hiện hữu vừa qua, toàn bộ số cổ phần TDH mà cổ đông hiện hữu không mua hết, chiếm hơn 50% tổng số lượng cổ phần phát hành, đã có NĐT đặt mua trong vòng 5 ngày, với giá 12.500 đồng/cổ phiếu, tương đương thị giá trên sàn thời điểm đó.

CTCP Tư vấn Dịch vụ Thương mại Địa ốc Hoàng Quân (HQC) cũng vừa quyết định nới room cho khối ngoại lên 60%. Tuy tỷ lệ sở hữu của khối ngoại ở HQC còn thấp, nhưng ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT HQC chia sẻ, Công ty nới room nhằm đáp ứng điều kiện của NĐT chiến lược trong quá trình đàm phán.

Sợ mất quyền là lý do khiến việc nới room chậm lan tỏa trong các doanh nghiệp niêm yết.

“Khi tiếp xúc với NĐT nước ngoài, họ thẳng thắn hỏi tôi, cần mua bao nhiêu để cổ phiếu trở về mệnh giá, nhưng họ muốn sở hữu một tỷ lệ lớn hơn”, ông Tuấn nói và không giấu kỳ vọng sẽ kết nối với NĐT chiến lược nước ngoài trong năm nay.

Tại ĐHCĐ của CTCP Dệt may Thành Công (TCM), việc nới room cho NĐT ngoại cũng được đem ra thảo luận, dù cổ đông lớn chi phối TCM là một doanh nghiệp Hàn Quốc. Nhưng TCM đang phải cân nhắc lợi ích giữa nới room và mục tiêu chiến lược là phát triển mảng bán lẻ thời trang. Cùng có doanh nghiệp Hàn Quốc này là cổ đông chi phối, một công ty niêm yết khác là CTCP Hợp tác kinh tế và xuất nhập khẩu Savimex (SAV) lại sẵn sàng nới room.

Mùa ĐHCĐ 2016 mới bắt đầu, nên số lượng doanh nghiệp niêm yết thực hiện nới room còn ít. Đáng chú ý, dù rất muốn đáp ứng nhu cầu nới room của NĐT ngoại, nhưng thị giá cổ phiếu trên sàn ở mức thấp so với định giá của doanh nghiệp, nên bản thân bản lãnh đạo doanh nghiệp cũng thận trọng trong việc nới room. Đó là lý do vì sao nhiều công ty trình đại hội thông qua phương án nới room lên 60%, chứ không phải tỷ lệ cao hơn, hay 100%. Chẳng hạn, cổ phiếu TDH có giá trị sổ sách là 30.000 đồng/CP, gấp hơn 2 lần thị giá. Cổ phiếu HQC có giá trị sổ sách là 10.300 đồng/cổ phần, trong khi thị giá là 5.600 đồng/CP.

Chủ tịch HĐQT một tập đoàn thép có cổ phiếu đang được giao dịch ở mức P/E là 6 lần cho hay, giá cổ phiếu của tập đoàn đang bị định giá thấp, nhưng việc nới room chưa được tính đến, dù ngành này không bị hạn chế về room.

Trước mùa ĐHCĐ 2016, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyến nghị, các doanh nghiệp nên đưa vấn đề nới room ra thảo luận tại đại hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cổ phiếu ở mức thấp, nếu doanh nghiệp nới room lên quá cao, một NĐT ngoại có tiềm lực tài chính có thể tiến hành thâu tóm, hoặc sở hữu công ty ở một tỷ lệ có thể san sẻ quyền lực với các cổ đông lớn hiện tại.

Liệu NĐT ngoại đó có thiện chí hợp tác với các cổ đông khác và ban lãnh đạo hiện hữu trong việc phát triển doanh nghiệp hay không? Nếu không thận trọng, các cổ đông chi phối và ban lãnh đạo hiện tại có thể sẽ phải đối mặt với những vấn đề nội bộ phức tạp khi NĐT ngoại có ý đồ thay đổi bộ máy quản lý và thâu tóm toàn bộ.

Có thể nói, sợ mất quyền là lý do khiến việc nới room chậm lan tỏa trong các doanh nghiệp niêm yết. Kỳ vọng, khi TTCK tăng điểm, cổ phiếu được định giá ở mức hợp lý hơn, lợi ích và nỗi lo từ nới room sẽ cân bằng hơn.  

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục