Quan điểm cứng rắn từ CMSC
Những ý kiến đánh giá khá tiêu cực, nhưng rất nhất quán của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) trong vai trò cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước (chiếm 95,4% vốn điều lệ của ACV) về hiệu quả tài chính của Dự án Mở rộng Cảng hàng không Điện Biên có thể khiến tiến trình “nâng đời” sân bay này phải xem xét lại.
Trong Công văn số 1680/UBQLV-CNHT do bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó chủ tịch CMSC ký gửi tới Văn phòng Chính phủ vào cuối tuần trước, CMSC tiếp tục bảo lưu những đánh giá khá tiêu cực đã được thể hiện trong những lần góp ý trước về triển vọng mang lại lợi nhuận từ dự án này.
“Tại thời điểm hiện nay, quyết định đầu tư mới ngay Cảng hàng không Điện Biên hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025 là không phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn của ACV”, Công văn số 1680 nêu rõ.
Có khá nhiều cấn cá từ phía CMSC đối với cả 2 phương án đầu tư Dự án Mở rộng Cảng hàng không Điện Biên mà Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 8189/BGTVT-KHĐT ngày 19/8/2020. Đây cũng chính là các phương án đầu tư mà Bộ GTVT và ACV đã chỉnh sửa trên cơ sở ý kiến góp ý của CMSC, sau đó trình lại Chính phủ.
Cụ thể, thay vì đầu tư một nhà ga hành khách mới, quy mô 2 triệu lượt hành khách/năm như đề xuất trước đó, ACV cho biết sẽ tận dụng nhà ga hành khách hiện hữu (công suất 300.000 lượt hành khách/năm) để cải tạo, mở rộng, đảm bảo khai thác khoảng 500.000 lượt hành khách/năm.
Cách làm tương tự cũng được ACV áp dụng cho Nhà điều hành Cảng với mục tiêu kéo giảm chi phí đầu tư. Sân đỗ máy bay cũng được tiết giảm đáng kể quy mô với 1 vị trí đỗ tàu bay ATR72 và 2 vị trí đỗ tàu bay A320/A321.
Với quy mô đã được co gọn, tổng mức đầu tư mới của Dự án Mở rộng Cảng hàng không Điện Biên còn 1.539 tỷ đồng, trong đó, chi phí đầu tư khu bay là 999,4 tỷ đồng, chi phí khu hàng không dân dụng là 256 tỷ đồng; còn lại là dự phòng phí.
Về phương án đầu tư, Bộ GTVT và ACV thống nhất kiến nghị cấp có thẩm quyền triển khai đầu tư Dự án theo 2 hướng.
Phương án 1, ACV đầu tư toàn bộ hệ thống khu bay và khu hàng không dân dụng bằng vốn của doanh nghiệp trên diện tích đất sạch do UBND tỉnh Điện Biên giải phóng mặt bằng và bàn giao cho Cảng vụ Hàng không để triển khai thủ tục cho ACV thuê đất. Phương án 2, ACV chỉ đầu tư khu hàng không dân dụng, còn các hạng mục khu bay và giải phóng mặt bằng toàn bộ Cảng hàng không Điện Biên do UBND tỉnh Điện Biên đảm nhận.
Tuy nhiên, ngoài việc chưa làm rõ được bản chất, sự khác nhau giữa 2 phương án, mối quan hệ trong việc bỏ vốn đầu tư của ACV và quyền sở hữu, khai thác, thu hồi vốn đầu tư của doanh nghiệp, CMSC tiếp tục bày tỏ quan ngại lớn về hiệu quả tài chính của Dự án.
CMSC cho rằng, với tỷ lệ hoàn vốn nội bộ 3,07%; giá trị hiện tại thuần âm 1.250 tỷ đồng; thời gian hoàn vốn lớn hơn 50 năm, Dự án không phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, đặc biệt về việc đầu tư bảo đảm bảo toàn và phát triển vốn.
Đánh giá toàn diện hiệu quả đầu tư
Trong phương án được hiệu chỉnh và gửi tới Bộ GTVT vào cuối tháng 8/2020, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV cho rằng, việc đưa Cảng hàng không Điện Biên vào đánh giá riêng hiệu quả tài chính, hiệu quả đầu tư là không phù hợp, vì đặc thù ngành hàng không là điểm nối điểm theo vùng, nên hiệu quả kinh doanh phụ thuộc vào các điểm đến/đi và mang lại lợi ích cho nhau.
Trong trường hợp thực hiện đầu tư sân bay Điện Biên, ACV vẫn có thể cân đối trên toàn mạng lưới cảng hàng không, đảm bảo hiệu quả tài chính.
Trên thực tế, trong số 21 cảng hàng không do ACV quản lý, khai thác, chỉ có 7 cảng có lãi. Đơn vị chủ cảng phải bù đắp, san sẻ lợi nhuận cho 14 cảng khác trong cùng hệ thống, tuy chưa đạt điểm hoàn vốn, nhưng lại có ý nghĩa về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.
Quan điểm này sau đó cũng được Bộ GTVT thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ: “Nếu giữ quan điểm chỉ đầu tư các cảng hàng không đem lại hiệu quả tài chính, thì một số cảng hàng không vùng sâu, vùng xa, vùng có vai trò quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng sẽ không được đầu tư phát triển, thậm chí đóng cửa vì hoạt động không hiệu quả”.
Trong Công văn số 1680, CMCS cho rằng, việc đánh giá, xem xét cần trên quan điểm tổng thể, toàn diện.
Cụ thể, 14 cảng hàng không do ACV kinh doanh chưa có lãi, nhưng nhiều cảng có tiềm năng lợi nhuận trong thời gian tới.
Trong khi đó, Cảng hàng không Điện Biên, theo báo cáo của ACV và Bộ GTVT, là không có khả năng hoàn vốn trong 50 năm tới và cũng không phải là cảng hàng không trung chuyển hay cảng hàng không có tiềm năng du lịch.
Sân bay này đến nay chưa khai thác hết công suất, nhưng cũng không phải đóng cửa như ý kiến của Bộ GTVT.
“Việc đầu tư Dự án vì mục tiêu an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế địa phương có thể xem xét, nhưng phải đặt trong tổng thể khả năng cân đối nguồn lực của ACV và thứ tự ưu tiên đầu tư giữa các cảng hàng không để đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước và doanh nghiệp”, lãnh đạo CMSC nêu quan điểm và nhấn mạnh, không nên yêu cầu doanh nghiệp đầu tư các dự án không thu được lợi nhuận vào thời điểm cần tập trung nguồn lực cho các dự án trọng điểm.
Không giống quan điểm của CMSC, Bộ Tài chính lại có góc nhìn nhận tích cực hơn. Trong Công văn số 11571/BTC- ĐT ngày 21/9/2020 gửi Văn phòng Chính phủ cho ý kiến về đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, Bộ Tài chính cho rằng, hiệu quả tài chính của ACV là hiệu quả hoạt động toàn mạng cảng, mỗi cảng có vai trò khác nhau phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, nên Nhà nước đã giao ACV quản lý, khai thác, đầu tư phát triển hệ thống 21 cảng hàng không để ACV cân đối lợi nhuận và phải đảm bảo hoạt động cả hệ thống 21 cảng có hiệu quả.
Theo Bộ Tài chính, việc đánh giá hiệu quả của Dự án Mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, ngoài đánh giá hiệu quả tài chính, cần được nghiên cứu đánh giá tổng thể bao gồm cả hiệu quả kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.
Tổng mức đầu tư của Dự án (1.539 tỷ đồng) không lớn so với năng lực tài chính của ACV, nên khả năng cân đối vốn để thực hiện là khả thi.
Tuy nhiên, do ACV đang được giao thực hiện nhiều dự án đầu tư xây dựng các cảng hàng không, nên Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT, CMSC chỉ đạo ACV rà soát kế hoạch sản xuất - kinh doanh, kế hoạch đầu tư 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, có kế hoạch phân kỳ cụ thể đảm bảo nguồn vốn thực hiện và chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư của Dự án, trong tổng thể quản lý khai thác 21 cảng hàng không.
Dự án Mở rộng Cảng hàng không Điện Biên có phải là gánh nặng của ACV?
CMSC cho biết, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án của ACV trong giai đoạn 2021 - 2025 là 136.503 tỷ đồng, trong đó, riêng nguồn lực dành cho Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 là 93.088 tỷ đồng.
Mặc dù khoản tiền mặt tích lũy của ACV đến ngày 31/12/2019 đạt tới 31.184 tỷ đồng, nhưng theo CMSC, do tác động tiêu cực của Covid-19, nên nguồn tiền tích lũy trong 5 năm tới sẽ sụt giảm mạnh so với dự báo.“Tại thời điểm hiện nay, quyết định đầu tư mới ngay Cảng hàng không Điện Biên hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025 là không phù hợp với khả năng cân đối vốn của ACV”, lãnh đạo CMSC khẳng định.