Chiều ngày 30/11, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ kiện tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ giữa khách hàng và chủ đầu tư Keangnam Vina.
Được biết, phiên tòa sơ thẩm đã diễn ra từ tháng 6/2015. Theo đó, khách hàng T. V. T. khởi kiện Công ty TNHH MTV Keangnam Vina đề nghị Tòa án tuyên bố hủy bỏ hợp đồng mua bán giữa hai bên và buộc Keangnam Vina trả lại số tiền đã nộp là 781 triệu đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã dành thời gian để hai bên thương lượng, thỏa thuận. Keangnam Vina đã đề nghị trả cho nguyên đơn 400 triệu đồng và hai bên cùng rút đơn nhưng phía nguyên đơn không chấp nhận...
Tranh chấp giữa hai bên phát sinh từ vấn đề thanh toán bằng ngoại tệ và bàn giao căn hộ thiếu diện tích. Hợp đồng mua bán giữa hai bên tính giá căn hộ bằng USD. Khách hàng cho rằng, việc này là vi phạm quy định về quản lý và sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam nên yêu cầu Keangnam điều chỉnh giá bán căn hộ nhưng phía Keangnam không chấp nhận.
Khách hàng còn cho rằng, Keangnam bàn giao căn hộ thiếu 15m2 so với hợp đồng. Theo hợp đồng, diện tích căn hộ được tính từ tim tường đến tim tường và không bao gồm cột, hộp kỹ thuật, tức là không bao gồm phần diện tích thuộc sở hữu chung trong căn hộ (nếu có).
Nhưng thực tế Keangnam đã phân chia toàn bộ diện tích thuộc sở hữu chung (tường, cột, khung chịu lực, hộp kỹ thuật) của tòa nhà vào diện tích căn hộ và bán cho khách hàng.
Bản án sơ thẩm đã bác đơn khởi kiện của khách hàng, xác định lại giá bán căn hộ tại thời điểm ký kết, theo tiền Việt Nam là 5,902 tỷ đồng, xác nhận nguyên đơn đã thanh toán hơn 781 triệu đồng, xác định diện tích căn hộ trên thực tế là 117,129m2, thiếu 0,791m2 so với hợp đồng. Bản án cũng bác đơn phản tố của Keangnam vì cho rằng, khách hàng không vi phạm nghĩa vụ thanh toán mà chỉ dừng thanh toán do phát hiện Keangnam vi phạm điều cấm của pháp luật về ngoại hối.
Sau phiên tòa sơ thẩm, cả nguyên đơn và bị đơn đều đồng loạt kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã dành thời gian để hai bên thương lượng, thỏa thuận. Keangnam Vina đã đề nghị trả cho nguyên đơn 400 triệu đồng và hai bên cùng rút đơn nhưng phía nguyên đơn không chấp nhận...
Về các căn cứ kháng cáo, đại diện nguyên đơn, bà Lê Thanh Hoa cho rằng, việc Keangnam Vina định giá bằng ngoại tệ trong các hợp đồng mua bán căn hộ trước tháng 8/2010 vi phạm quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam quy định tại điều Điều 29 Nghị định 160/2006/NĐ-CP.
Về diện tích căn hộ, đại diện nguyên đơn khẳng định, không tranh chấp với Keangnam về phương pháp đo, hai bên đã thỏa thuận lựa chọn phương pháp đo từ tim tường tới tim tường. Nguyên đơn tranh chấp với Keangnam ở nội dung diện tích chung diện tích riêng. Diện tích căn hộ đo từ tim tường tới tim tường nhưng phải trừ đi phần diện tích chung (cột, hộp kỹ thuật…) theo đúng các quy định pháp luật.
Phía bị đơn Keangnam cơ bản chấp nhận các phán quyết của tòa cấp sơ thẩm và chỉ kháng cáo ở nội dung ngoại hối và diện tích. Theo đại diện Keangnam, pháp lệnh ngoại hối quy định 4 hành vi bị cấm trong lĩnh vực ngoại hối gồm thanh toán, niêm yết, giao dịch, quảng cáo nhưng Keangnam không hề vi phạm quy định này. Keangnam chỉ định giá căn hộ bằng USD và sau đó quy đổi ra VND.
Về diện tích căn hộ, theo bản án sơ thẩm thì diện tích căn hộ Keangnam bàn giao cho khách hàng chỉ thiếu 0,7m2, ít hơn rất nhiều so với yêu cầu khởi kiện của khách hàng (15m2). Căn hộ có một phần tường kính, khi thẩm định diện tích căn hộ, Trung tâm Kiểm định chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ đã đo tim tường kính (bao gồm cả bệ đỡ) thay vì đo tim kính. Keangnam cho rằng việc này không phù hợp và kháng cáo.