Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng vừa chuẩn bị nội dung làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Theo đó, về kết quả hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn giữa 2 tỉnh, năm 2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết Biên bản hợp tác hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Phú yên, trong đó tập trung hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Sau khi kết thúc thời gian hợp tác, các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện các hoạt động trao đổi, thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tuy nhiên, chưa ký kết các chương trình hợp tác mới.
Ngày 18/6/2016, UBND tỉnh Phú Yên và UBND tỉnh Lâm Đồng ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao giữa 2 tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 10/1/2018 triển khai liên kết, hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao của 2 tỉnh. Đến nay, tỉnh Phú Yên đã thực hiện du nhập 220 cây và nghiên cứu nuôi cấy mô, trồng khảo nghiệm đối với 3 giống sung (Magic, Camy và Pháp); phối hợp trồng thử nghiệm các giống rau củ quả, hoàn thiện quy trình kỹ thuật, công nghệ sản xuất rau thủy canh trong nhà màng, nhà lưới đối với 4 giống rau các loại; thường xuyên cử cán bộ tham gia đào tạo, tập huấn tại Lâm Đồng.
Tháng 5/2022, UBND huyện Tuy An tỉnh Phú Yên tổ chức đoàn công tác học tập kinh nghiệm trong xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, công tác xây dựng nông thôn mới, tham quan các mô hình dịch vụ du lịch, các sản phẩm OCOP… tại huyện Lâm Hà. Kết thúc chuyến đi, địa phương đã chuyển giao một số cây giống mắc ca để trồng thử nghiệm tại huyện Tuy An.
Tháng 9/2023, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức đoàn công tác thực hiện khảo sát thực tế, học tập kinh nghiệm về mô hình liên kết sản xuất xây dựng nông thôn mới tại Lâm Đồng. Tại chuyến công tác bên cạnh việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, UBND huyện Tây Hòa, tỉnh Phú yên và UBND huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đã ký kết ghi nhớ liên kết sản xuất một số mô hình trồng cây ăn quả (cam Úc), mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Sau chương trình, tỉnh Phú yên đã xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cam Úc tại địa phương.
Về đặc điểm nông nghiệp, Lâm Đồng là tỉnh Nam Tây Nguyên có tiềm năng và lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn nước, nguồn nhân lực và điều kiện sinh thái phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa với các loại nông đặc sản ưu thế so với các vùng khác như: cây công nghiệp dài ngày (chè, cà phê, dâu tằm…), bò sữa, cá nước lạnh, rau, hoa, trái cây (sầu riêng, bơ, chuối, chanh dây, măng cụt…) cao cấp có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới. là tỉnh đi đầu trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Nông nghiệp của tỉnh được định hướng phát triển nền nông nghiệp đa giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao; thích ứng với biến đổi khí hậu trong đó tập trung các giải pháp chính như: cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo lợi thế để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng thị trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, thông minh trong nông nghiệp theo hướng bền vững về môi trường, từng bước nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp; phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn nhằm giảm thiểu tác động môi trường, chủ động phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng; xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm trên cơ sở phát triển các chuỗi liên kết bền vững; đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Trong khi đó, Phú Yên là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, có vị trí địa lý, tài nguyên đa dạng, có biển, đồng bằng, trung du và miền núi tạo cho tỉnh nhiều lợi thế để phát triển kinh tế xã hội và thu hút đầu tư. Nông nghiệp, du lịch, vận tải biển và logistics được xem là những mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh. Nông sản thế mạnh tỉnh là lúa, bắp sinh khối, mía, rau, nấm, hoa, cây cảnh, hồ tiêu, cây ăn quả, cây dược liệu; các vùng chăn nuôi bò sữa, nuôi bò thịt, nuôi lợn, nuôi tôm thẻ, tôm hùm, nuôi thủy sản trên cạn. Tỉnh Phú Yên đang thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, phát triển các vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến, thu hút đầu tư các dự án có chất lượng để khai thác tối đa tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp.
Từ những tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển nông nghiệp của 2 tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đề xuất hợp tác trong chuyển giao công nghệ, các quy trình kỹ thuật trong sản xuất rau, hoa công nghệ cao; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh có điều kiện thích hợp tại Phú Yên; hợp tác trong trao đổi các giống cây trồng chất lượng cao để phát triển sản xuất nông nghiệp của cả 2 địa phương (đặc biệt là giống rau, cây ăn quả và cây dược liệu); hợp tác, chia sẻ thông tin, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên cơ sở thế mạnh của từng địa phương, trong đó trọng tâm là các dự án xây dựng nhà máy chế biến nông lâm sản; chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái; phát triển kinh tế rừng, xây dựng các mô hình nông lâm kết hợp; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại cho nông sản, sản phẩm OCOP của 2 tỉnh thông qua các Hội nghị xúc tiến tiêu thụ nông sản; phối hợp trưng bày sản phẩm của 2 tỉnh tại các điểm bày và bán nông sản, sản phẩm OCOP tại 2 địa phương; phối hợp cùng ngành du lịch, xây dựng các chương trình du lịch nông thôn gắn với phát huy giá trị các làng nghề truyền thống, sản phẩm đặc trưng của hai tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cũng đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 tỉnh xây dựng, ký kết và triển khai chương trình hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai địa phương trên cơ sở các nội dung trên.