Đưa 'nông nghiệp thuận thiên' trở thành thương hiệu quốc gia của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Nông nghiệp “thuận thiên” không chỉ là câu chuyện kinh tế mà còn mang đậm yếu tố lịch sử, xã hội và văn hóa quốc gia, địa phương, không chỉ cho hôm nay mà còn lưu truyền cho thế hệ tương lai.
Phát triển bền vững Mô hình tôm - lúa tại ĐBSCL Phát triển bền vững Mô hình tôm - lúa tại ĐBSCL

"Hội nghị Quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại ĐBSCL” và chuỗi sự kiện tổ chức tại Cà Mau từ 20 - 22/3/2024, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Lê Minh Hoan đã thành công tốt đẹp, lan tỏa rộng rãi trong và ngoài nước về hành động cụ thể của Việt Nam, nhằm triển khai cam kết Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26 và COP28), với thông điệp khẳng định trách nhiệm của Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng với ứng phó biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên, trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân.

Nông nghiệp “thuận thiên” phải là xu thế tất yếu cho phát triển bền vững

Phát biểu tại Hội nghị Quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại ĐBSCL, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: Thuận thiên không phải là không làm gì cả, mà là quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát thuận theo các quy luật của tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan

Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của các giải pháp thuận thiên trong việc (i) cải thiện sinh kế của nông dân và khả năng phục hồi của nông nghiệp; (ii) giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua quá trình hấp thụ carbon của đất, đất ngập nước và rừng; đồng thời (iii) bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, duy trì tương lai của các hệ thống lương thực, các nhà sản xuất nông nghiệp cần sẵn sàng chuyển đổi sang các phương thức sản xuất nhằm tái tạo và phục hồi thiên nhiên đồng thời nâng cao hệ thống lương thực hiệu quả và bền vững.

Ông Hoàng Xuân Huy, Giám đốc đối ngoại, WWF - Việt Nam chia sẻ, tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản thuận thiên là rất lớn. Vấn đề bảo vệ rừng, phát triển rừng, nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng đã mang lại giá trị lớn về môi trường nhưng giá trị sản xuất theo thuận thiên chưa cao, người nông dân chưa được hưởng lợi nhiều.

"WWF-Việt Nam đã triển khai nhiều mô hình bảo tồn theo cách thuận thiên tại khu vực ĐBSCL, nhiều mô hình đã mang lại giá trị kinh tế và bảo tồn. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn một số mô hình áp dụng thuận thiện tại ĐBSCL chưa mang lại giá trị cao. Do vậy phải xây dựng các mô hình nhỏ, từ đó nhân rộng ra, tạo liên kết vùng, phát triển một thị trường đặc biệt, sản phẩm thuận thiên, thị trường thuận thiên và người tiêu dùng thuận thiên. Với cách làm như vậy, sẽ tạo ra mô hình quy mô lớn hơn, mang lại lợi ích lớn hơn cho người nông dân. Việc tạo ra văn hóa nông nghiệp thuận thiên sẽ tạo ra sự khác biệt”, ông Huy nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NNPTNT cho rằng, đã có 5 kết quả nổi bật và 6 giải pháp chính đạt được và tạo sự đồng thuận cao từ các nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước, các doanh nghiệp và người nông dân tại Hội nghị Quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại ĐBSCL.

Chủ trương nhất quán của Bộ NNPTNT là quyết liệt chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái cho thế hệ tương lai và đang cố gắng giảm chi phí, từ đó sẽ có lợi nhuận tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế tại ĐBSCL, mô hình nông nghiệp thuận thiên hiện đang làm nhỏ lẻ, khi chúng ta làm tốt hơn thì sẽ có thị trường tốt hơn.

“Xu hướng chung thị trường sẽ áp những tiêu chuẩn mới, chẳng hạn như không phá rừng, carbon thấp,... là những yêu cầu về sản phẩm nông nghiệp thuận thiện. Thị trường sẽ ép chúng ta đi theo xu hướng đó, nếu không đi theo sẽ bị loại khỏi cuộc chơi, mong rằng các cơ quan báo chí cùng đồng thuận và hợp tác tạo tiếng nói lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn giảm phát thải, nhằm tăng cường truyền thông hình ảnh nông nghiệp thuận thiên ĐBSCL ra thế giới", ông Tuấn chia sẻ.

Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Thạch - Tổng Biên tập báo Nông nghiệp Việt Nam, ngay tại thời điểm này, người dân ĐBSCL đang phải đối mặt với tình hình xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống dân sinh. Do vậy, việc ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua giải pháp thuận thiên là một yêu cầu cấp bách, không chỉ vì sinh kế của 20 triệu người dân ĐBSCL mà rộng hơn là trách nhiệm toàn cầu.

Huy động mọi nguồn lực cho phát triển bền vững nông nghiệp thuận thiên

Bộ NNPTNT đang khẩn trương triển khai đề án 1 triệu héc-ta lúa carbon thấp chất lượng cao ở ĐBSCL đã được phê duyệt từ cuối năm 2023 và đang triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất.

Theo Bộ NNPTNT, tổng vốn đầu tư 375 triệu USD (trong tổng vốn đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng), thực hiện trong giai đoạn 2026-2031. Trong đó, 350 triệu USD sẽ tài trợ cho cơ sở hạ tầng công cộng cần thiết, một nội dung quan trọng trong triển khai đề án 1 triệu héc-ta lúa carbon thấp chất lượng cao tại ĐBSCL, sẽ hỗ trợ chuỗi giá trị gạo carbon thấp từ giai đoạn sản xuất ban đầu đến chế biến, tiếp thị nhằm mục tiêu đạt diện tích 500.000 ha lúa.

Đồng thời, đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, cải thiện hệ thống giao thông (xây dựng các tuyến đường nhánh và cầu hoặc nâng cấp những tuyến đường hiện có tại các khu vực sản xuất được dự án hỗ trợ); hỗ trợ các nền tảng trực tuyến và thương mại điện tử; hỗ trợ hạ tầng năng lượng xanh, phát triển, chuyển giao kỹ thuật và chi phí quản lý dự án.

Kinh phí hỗ trợ từ các quỹ đầu tư khoảng 600 triệu USD để thúc đẩy nông nghiệp thuận thiên, bên cạnh còn có những nguồn hỗ trợ về hạ tầng từ nhiều đối tác, như Dự án chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL (MERIT) có hợp phần đầu tư hạ tầng chống chịu khí hậu cấp vùng khoảng 200 triệu USD; hay WorldBank (WB) đang chuẩn bị hỗ trợ cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL với nguồn vốn từ 400-500 triệu USD. Ngân hàng phát triển châu Á hỗ trợ 16 triệu USD và khoản vay để khôi phục rừng ngập mặn ĐBSCL...

Mô hình phát triển nông nghiệp phát thải thấp tại Bạc Liêu

Mô hình phát triển nông nghiệp phát thải thấp tại Bạc Liêu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho rằng, các mô hình thuận thiên muốn phát triển nhân rộng phải có các hệ thống thủy lợi phù hợp thì mới phát triển đồng bộ được. Phải có các giải pháp đồng bộ để phát triển thuận theo tự nhiên. Nếu không có giải pháp công trình thì xây dựng mô hình rất khó.

"Cần ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho vùng ĐBSCL ưu tiên đầu tư cho hệ thống thủy lợi, hạ tầng giao thông, nước ngọt cho các vùng ven biển, vùng bán đảo Cà Mau", ông Sử đề nghị.

Ông Christopher Howe - Giám đốc Cảnh quan ĐBSCL, WWF-Viet Nam nói: Chúng ta phải khơi thông dòng chảy tài chính, WWF mong muốn là sẽ trở thành một phần trong chặng đường đó. Từ đó khai thác được sức mạnh của thiên nhiên, con người, mang lại những lợi ích tốt nhất cho người dân Việt Nam. WWF và đối tác đã và đang triển khai thí điểm một số giải pháp thuận thiên tại khu vực ĐBSCL như mô hình lúa - cá, lúa - tôm, lúa - sen, tôm - rừng ngập mặn, tôm - lúa luân canh… cho kết quả cụ thể về mặt kinh tế, mà vẫn bảo tồn được đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, Hội nghị Quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên bên cạnh huy động về nguồn lực thì mong rằng các đại biểu trong nước và quốc tế đến với ĐBSCL để hiểu rõ hơn và cùng trăn trở câu chuyện nông nghiệp thuận thiên. Phát triển nông nghiệp thuận thiên để huy động nguồn lực không phải là câu chuyện hữu hình, không phải câu chuyện kinh tế, mà còn là câu chuyện lịch sử, văn hóa, xã hội. Không phải chỉ là câu chuyện hôm nay mà là câu chuyện của thế hệ mai sau.

Huy Tự
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục