Phớt lờ EU, Hungary “kết thân” với Nga, “quay lưng” với Ukraine

(ĐTCK) Chính phủ Hungary đã phớt lờ cảnh báo từ Brussels về việc xây dựng một đường ống khí với sự hỗ trợ từ Kremlin khi thông qua một đạo luật mở đường cho dự án trên, đồng thời cắt nguồn khí phân phối lại cho Ukraine.
Phớt lờ EU, Hungary “kết thân” với Nga, “quay lưng” với Ukraine

Budapest hôm thứ Hai đã thông qua một đạo luật, trong đó thay đổi các quy định về đấu thầu quốc gia đối với các đường ống khí. Nhưng các quan chức cũng thừa nhận rằng, sự thay đổi này là nhằm chặn trước sự phản đối của Brussels về việc xây dựng dự án “Dòng chảy phía Nam” – được mô tả bởi các nghị sỹ đảng đối lập như là một phần của “đế chế năng lượng” Nga.

Đáp lại cảnh báo của Ủy ban châu Âu hôm thứ Ba, rằng các tiêu chuẩn của hợp đồng xây dựng đường ống khí phải được công khai, Chính phủ Hungary cho biết, các điều khoản sẽ được công bố “vào một thời điểm thích hợp” và rằng, sự phản đối dự án là đáng thất vọng.

Brussels cũng vừa cáo buộc Chính phủ Bulgary đã vi phạm luật đấu thầu trong việc xây dựng dự án trên. Brussels nói rằng, dự án trên không thể hoạt động hợp pháp dưới những quy định về năng lượng của EU do Gazprom chiếm đến 50% giá trị đầu tư kết cấu hạ tầng và sự độc quyền về nguồn cung của công ty này.

Hungary là một trong 4 quốc gia thành viên của EU nằm trên “Dòng chảy phía Nam”, đi vòng qua Ukraine đến Biển Đen và ngăn Kiev “câu khí” từ đường ống cấp cho châu Âu.

Những người chỉ trích dự án, bao gồm các quan chức Mỹ, nói rằng, chính sách năng lượng của Hungary đang tiến gần hơn đến quỹ đạo của Nga. Budapest đã ký một thỏa thuận cung cấp dự trữ khí từ Gazprom hồi tháng 9 và cắt dòng khí phân phối lại cho Ukraine vài ngày sau đó. Đầu năm nay, Chính phủ Hungary cũng đã đồng ý một thỏa thuận vay 10 tỷ euro từ Kremlin để cải tạo một nhà máy điện hạt nhân ở Paks. Trong khi đó, chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban tiếp tục đặt dấu hỏi về các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga.

Các nhà phân tích cho rằng, một số thay đổi trong chính sách năng lượng gần đây là quan trọng đối với Hungary, nhưng chắc chắn có vấn đề.

“Các nước nhỏ được lợi từ việc tham gia vào các đường ống quá cảnh và với nhiều trong số các nước này, việc này là miễn phí”, Andrej Nosko, một nhà phân tích năng lượng ở Budpest nói và nhấn mạnh rằng, các chính phủ trước đây cũng đã ủng hộ dự án này.

“Nhưng nếu bạn nhìn vào cách mà thỏa thuận dự trữ khí với Gazprom đang vận hành và quyết định liên quan đến nhà máy điện hạt nhân Paks – tất cả có vẻ là các chính sách thân Nga hơn dự đoán, đó là điều gây lo lắng”, ông này nói.

Các nghị sỹ đối lập đã công kích các thỏa thuận gần đây với Gazprom và Nga như là một “ưu đãi đặc biệt” đối với Moscow.

“Dòng chảy phía Nam sẽ là tốt cho Hungary nếu nó giúp đa dạng hóa nguồn cung khí của chúng tôi, nhưng tất cả chúng vẫn đến từ Nga, nên chẳng có lợi gì”, Bernadett Szel, một nghị sỹ đối lập nói.

“Đây không chỉ là về vấn đề khí và năng lượng – đó là một sự thay đổi trong chính sách ngoại giao. Chính sách năng lượng của ông Orban đang hướng đến một sự phụ thuộc nhiều hơn vào Nga và đây là điều cực kỳ nguy hiểm cho Hungary”.

Các quan chức Hungary nói rằng, sự phản đối của Ủy ban châu Âu đối với hoạt động đường ống khí nói trên là không mang tính xây dựng. Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Hungary cho biết, dự án “Dòng chảy phía Nam” sẽ cải thiện an ninh năng lượng cho khu vực Trung Âu và nên được coi là gói năng lượng thứ ba của EU.

“Chúng tôi hy vọng rằng, Ủy ban châu Âu sẽ tiếp tục thảo luận với các đối tác Nga và đi đến một giải pháp có lợi cho tất cả”.

Quang Huy (Theo FT)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục