Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, điều này không đáng ngại vì chỉ 4% lượng hàng hóa xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng vệ.
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra phòng vệ thương mại 209 vụ việc, với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD. So với các quốc gia, con số này là cao hay thấp, thưa ông?
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh. |
Bộ Công thương chưa bao giờ tiến hành nghiên cứu về tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu của nước ta bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là lớn hay nhỏ so với các nước khác, bởi thông tin về các vụ việc phòng vệ thương mại trên thế giới không phải là quá có sẵn. Nhưng có thể thấy, so với kim ngạch xuất khẩu gần 300 tỷ USD của nền kinh tế, thì chỉ có 4% chịu tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại và đó chưa phải là tỷ lệ lớn.
Vấn đề ở đây không phải là tỷ lệ, mà là các biện pháp phòng vệ được áp dụng cho hàng hóa của Việt Nam có dựa trên các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay không. Chúng tôi luôn theo dõi tiến trình đó, bảo đảm mọi việc diễn ra theo đúng quy định của WTO, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia, từ đó bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp xuất khẩu ở mức tối đa.
Các vụ kiện phòng vệ thương mại ngày càng tăng với hàng hóa Việt Nam do nền kinh tế có độ mở lớn, tham gia nhiều FTA. Ông nhìn nhận ra sao về thực tế này và làm sao để tránh được các vụ việc đó?
Để tránh hoàn toàn các vụ kiện phòng vệ thương mại là chuyện không thể, bởi phòng vệ thương mại luôn đi kèm với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Khi người ta chấp nhận giảm thuế để mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất nhập khẩu, thì có thể dẫn đến xuất khẩu của ta vào thị trường họ tăng nhanh.
Trong hoàn cảnh đó, kể cả WTO cũng như các FTA đều cho phép có thể áp dụng phòng vệ thương mại nhất định. Chính vì vậy, khi xuất khẩu của ta tăng nhanh trên một thị trường nào đó, người ta cũng có các biện pháp được WTO cho phép để tạm thời lập lại công bằng trên thị trường, tránh áp lực quá lớn của hàng hóa nhập khẩu.
Việt Nam cũng vậy, nhưng điều quan trọng là về phía cơ quan nhà nước, phải theo dõi sát tiến trình đó để bảo đảm được điều tra đã áp dụng biện pháp theo đúng quy định của WTO cũng như các FTA hay chưa.
Do phòng vệ thương mại là biện pháp gần như không thể tránh được khi hội nhập, nên chúng ta không chọn tự nguyện giảm xuất khẩu để tránh phòng vệ thương mại. Các doanh nghiệp cần đi theo hướng chủ động lưu trữ hồ sơ, dữ liệu; hợp tác với cơ quan điều tra để chứng minh mình không bán phá giá, không nhận trợ cấp, hoặc nhờ công ty luật có uy tín giúp soạn thảo bộ hồ sơ để giải trình với cơ quan điều tra của nước khởi kiện…, thì hiệu quả đạt được tốt hơn.
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ đi vào thực thi từ đầu năm tới, Việt Nam nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu từ khối này để phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. Và xuất khẩu tăng cũng hàm chứa những rủi ro gia tăng liên quan đến phòng vệ thương mại?
Khi một FTA được ký kết, sẽ xóa bỏ hàng rào thuế quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu hoặc giảm các hàng rào đó cho hàng hóa của nhau. Khi đó, sẽ xuất hiện nhu cầu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại khi nhập khẩu tăng quá mạnh. Trong trường hợp này, các FTA cho phép áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Tuy nhiên, điều kiện để áp dụng phòng vệ thương mại không phải quá dễ dàng, nên chúng ta không quá lo lắng, mà cần nhìn chuyện đó từ 2 hướng: để áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì phải tuân thủ các quy định của chính cam kết trong RCEP; RCEP trên thực tế đối với Việt Nam chỉ là sự khâu nối của các FTA đã có.
Việt Nam đã có FTA với cả 14 nước tham gia RCEP, thậm chí, mức thuế nhập khẩu tại các thị trường đó đã được giảm xuống ở mức còn thấp hơn mức cam kết trong RCEP, nên trong thời gian đầu, tôi không nghĩ FTA này sẽ mang lại một cú hích lớn cho xuất khẩu.
Nói như vậy là doanh nghiệp Việt hãy yên tâm tận dụng các cam kết trong RCEP để đạt được những lợi ích tốt nhất cho mình?
Trong ngắn hạn, RCEP sẽ không tạo ra cú hích lớn cho xuất khẩu, nhưng trong trung và dài hạn, sẽ tạo ra một chuỗi cung ứng mới trong khu vực. Về lâu dài, lợi ích của chúng ta sẽ thấy rõ, khi chuỗi cung ứng dịch chuyển về khu vực này, Việt Nam trở thành một thành phần của chuỗi cung ứng đó và xuất khẩu của ta lại có điều kiện tăng lên nữa.
Khi xuất khẩu theo chuỗi cung ứng tăng, thì nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại sẽ thấp hơn. Do đó, mình càng tạo ra nhiều chuỗi cung ứng trong khu vực, thì nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại càng thấp, bởi khi tất cả là thành viên của chuỗi cung ứng, nếu đánh vào bất kỳ khâu nào của chuỗi, cũng là đánh vào chính mình.
Ông có đề cập rằng, doanh nghiệp chủ động lưu trữ hồ sơ tốt, sẽ có lợi trong các vụ phòng vệ thương mại. Doanh nghiệp Việt đã thấm nhuần điều này ở mức độ nào?
Trong các vụ việc phòng vệ thương mại, mức thuế áp lên hàng hóa xuất khẩu phụ thuộc rất lớn vào dữ liệu mà doanh nghiệp cung cấp cho bên điều tra. Các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm xuất khẩu hàng hóa, thì lưu trữ số liệu rất tốt và đã có sự hợp tác rất tốt với cơ quan điều tra, cũng như chủ động tìm đến những công ty tư vấn luật giúp doanh nghiệp có bản giải trình phù hợp.
Thực tiễn đã chứng minh, trong các vụ việc chống lại hàng xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp tuân thủ đúng điều tôi vừa nói, thì kết quả thường tốt hơn những doanh nghiệp không chủ động hợp tác (thuế thường thấp hơn, thậm chí không bị đánh thuế).