Phong tỏa 4 phường ở Đà Nẵng do xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đây là 4 phường có nguy cơ rất cao, nếu không phong tỏa cứng sẽ lây lan ra toàn thành phố.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (áo xanh ngắn tay) kiểm tra một chốt kiếm soát tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (áo xanh ngắn tay) kiểm tra một chốt kiếm soát tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà.

Tối 31/7, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cùng Lãnh đạo UBND thành phố kiểm tra thực tế và quyết định phong tỏa 4 phường thuộc quận Sơn Trà do xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.

Ngày 31/7, thành phố Đà Nẵng ghi nhận 55 ca dương tính với SARS-CoV-2. Trong số những ca mắc mới, Quận Sơn Trà phát hiện nhiều nhất với 35 ca. Cụ thể phường Nại Hiên Đông, nơi có cảng cá Thọ Quang ghi nhận 21 ca, phường An Hải Bắc 4 ca, phường Thọ Quang 6 trường hợp, phường Mân Thái 4 trường hợp. Chuỗi ca bệnh liên quan đến cảng cá Thọ Quang, phường Nại Hiên Đông trong ngày hôm nay phát hiện 47 ca.

Đáng nói, mặc dù đã tạm dừng hoạt động cảng cá hơn 1 tuần nhưng đến nay vẫn còn trường hợp bán cá mới được lấy mẫu lần 1.

Qua đó, cho thấy việc quản lý danh sách gần 3.500 người buôn bán cá còn lỏng lẻo. Riêng quận Sơn Trà có 1800 trường hợp buôn bán cá. Cá biệt, nhiều người dân phường Nại Hiên Đông là ngư dân không tuân thủ nghiêm việc phong tỏa, không chịu đi lấy mẫu xét nghiệm.

Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đề nghị UBND quận Sơn Trà phong tỏa cứng 4 phường giáp ranh nhau là Nại Hiên Đông, Thọ Quang, Mân Thái, An Hải Bắc trong vòng 14 ngày.

Kể cả trong vòng 14 ngày tới, không phát hiện thêm ca dương tính cũng chưa dỡ bỏ phong tỏa mà phải chờ hết chu kỳ 14 ngày. Trong thời gian này, ngành y tế mời tất cả hộ dân xét nghiệm SARS-CoV -2 để tầm soát dịch bệnh.

"Khi phong tỏa chúng ta tập trung nguồn lực lấy mẫu. Chúng ta thực hiện phương án lấy mẫu từng cụm. Ví dụ như 10 hộ gia đình một điểm lấy mẫu là tốt nhất để mời từng hộ gia đình ra lấy luôn. Chứ không thể tập trung 1 điểm đông người được. Vì càng đông chừng nào thì nguy cơ chừng đó. Chúng tôi rất là mừng là nhiều người dân đi ra thấy đông là đi về. Như vậy là rât đúng bởi với ổ dịch này chỉ cần tập trung dưới 2 mét là nguy cơ như thế nào, mọi người đã rõ", Bà Ngô Thị Kim Yến cho biết thêm.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết sẽ giao ngành Công thương cung ứng đủ lương thực, thực phẩm cho 4 phường này. Thành phố sẽ điều động lực lượng, phương tiện kể cả công an, quân đội xuống giúp địa phương thực hiện nghiêm lệnh phong tỏa.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu đối với 8 tàu thuyền đã hết chuyến biển thì Bộ đội Biên phòng tạo điều kiện cho họ vào cảng Biên phòng nhưng phải xét nghiệm SARS- CoV-2.

Theo ông Nguyễn Văn Quảng, 4 phường này nguy cơ rất cao, nếu không phong tỏa cứng thì sẽ lây lan ra toàn thành phố.

Vì vậy, ông Nguyễn Văn Quảng yêu cầu quận Sơn Trà huy động lực lượng xuống hỗ trợ 4 phường này thực hiện phong tỏa. Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự điều động lực lượng xuống hỗ trợ 4 phường thực hiện lệnh phong tỏa. Việc thực hiện lệnh phong tỏa bắt đầu thực hiện ngay trong đêm 31/7.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu: "Đóng cứng 4 phường này lại. Và trong 4 phường thì khoanh cứng những khu vực nguy cơ cao, đặc biệt là phường Nại Hiên Đông. Đóng cứng ở đây được hiểu là không cho bất cứ ai ra vào, kể cả trường hợp cấp thiết. Trường hợp cấp thiết chỉ khi cơ quan chức năng cho ra vào. Ví dụ, trường hợp cấp cứu thì cho xe vào đưa đi cấp cứu, trường hợp cung cấp lương thực thì cho xe lực lượng chức năng đưa vào. Không ai được ra ngoài".


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục