“Phơi sáng” những khối tài sản “tối” liên quan Trương Mỹ Lan - Bài 4: “Hiện hình” thương vụ siêu dự án Tứ giác Bến Thành

Còn nhiều mâu thuẫn xung quanh siêu dự án Tứ giác Bến Thành mà Trương Mỹ Lan mua lại của Bitexco, vì thế, Hội đồng Xét xử phán quyết giao cơ quan công an tiếp tục điều tra, xử lý để xem xét trách nhiệm hình sự, dân sự của các bên.
Siêu dự án khu Tứ giác Bến Thành sở hữu vị trí đắc địa bậc nhất tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Bài 4: “Hiện hình” thương vụ siêu dự án Tứ giác Bến Thành

Trong số tiền 15.712 tỷ đồng mà Bitexco nhận từ Trương Mỹ Lan để bán The Spirit of Saigon (còn gọi là siêu dự án khu Tứ giác Bến Thành), có hơn 4.000 tỷ đồng rút ra từ Ngân hàng SCB. Sau khi “bà “trùm” cử người sang điều hành công ty có Dự án, doanh nghiệp tiếng là của Bitexco này phát hành trái phiếu 23.000 tỷ đồng để làm dự án, nhưng chính Trương Mỹ Lan lại nhận số tiền này.

Phán quyết của Tòa khiến nhiều bên “chết lặng”

Siêu dự án khu Tứ giác Bến Thành rộng 8.600 m2, đối diện chợ Bến Thành (quận 1), là một trong những vị trí đắc địa nhất TP.HCM với 4 mặt tiền đường Phạm Ngũ Lão - Calmette - Lê Thị Hồng Gấm - Phó Đức Chính.

Quy mô Dự án gồm 2 tòa tháp: tháp Đông cao 48 tầng và tháp Tây cao 55 tầng. Mỗi tòa tháp được thiết kế 6 tầng hầm, trong đó 3 tầng hầm để xe và khu trung tâm thương mại (2 tầng hầm, 7 tầng nổi).

Tại phiên xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II, cả Trương Mỹ Lan và đại diện Tập đoàn Bitexco (được UBND TP.HCM giao làm chủ đầu tư Dự án) đều xác nhận, Bitexco có thỏa thuận bán Dự án cho Trương Mỹ Lan với giá 22.000 tỷ đồng và đã nhận 15.712 tỷ đồng từ bà Lan.

Luật sư đại diện Bitexco cho rằng, đây là quan hệ kinh tế “ngay tình” và hợp pháp. Về việc nhận tiền, phía Bitexco không thể biết và không có nghĩa vụ phải biết nguồn gốc dòng tiền. Số tiền 15.712 tỷ đồng đã hòa chung vào tiền của Tập đoàn, không thể tách rời và doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế. Bitexco cũng đã tìm hiểu và xác định nguồn gốc số tiền trên không liên quan tới SCB cũng như phát hành trái phiếu.

Từ đó, đại diện Bitexco đề nghị tòa ghi nhận khoản tiền 15.712 tỷ đồng mà Bitexco nhận từ việc chuyển nhượng Dự án khu Tứ giác Bến Thành là hợp pháp, “ngay tình”, không có cơ sở thu hồi.

Tuy nhiên, Hội đồng Xét xử cho hay, cơ quan điều tra xác định được trong 15.712 tỷ đồng mà Bitexco đã nhận từ bà Lan, có hơn 4.000 tỷ đồng rút ra từ các khoản vay của SCB. Còn lại, có khoảng 7.000 tỷ đồng là tiền của bà Lan và bạn bè; tiền đi vay của ngân hàng khác và tiền phát hành trái phiếu của Công ty Saigon Glory.

Chứng cứ thu thập được còn thể hiện, Trương Mỹ Lan đã đưa người sang để quản lý điều hành Công ty Saigon Glory (doanh nghiệp được Bitexco chuyển nhượng Dự án).

Hội đồng Xét xử cho rằng, liên quan đến Dự án còn nhiều mâu thuẫn, nên phán quyết giao Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) tiếp tục điều tra, xử lý để xem xét trách nhiệm hình sự, dân sự của các bên.

Công ty Saigon Glory có còn là của Bitexco?

Phán quyết trên của Tòa bật ra nhiều manh mối xung quanh thương vụ mua bán siêu dự án khu Tứ giác Bến Thành liên quan đến Công ty Saigon Glory, doanh nghiệp đến giờ này vẫn “mang tiếng” là của Bitexco.

Theo tư liệu mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được, siêu dự án này được UBND TP.HCM thu hồi đất và giao Bitexco làm chủ đầu tư từ tháng 10/2009, tổng vốn đầu tư Dự án khoảng 500 triệu USD.

Xác minh của cơ quan điều tra cho thấy, năm 2015, Trương Mỹ Lan có thỏa thuận mua lại Dự án của Bitexco với giá 22.000 tỷ đồng. Trên cơ sở thỏa thuận này, ngày 23/6/2018, Công ty Saigon Glory được thành lập với vốn điều lệ 7.000 tỷ đồng để triển khai.

Tới ngày 10/12/2019, UBND TP.HCM có Quyết định số 5210/QĐ-UBND về việc chuyển nhượng toàn bộ Dự án của Bitexco cho Công ty Saigon Glory.

Theo cơ quan điều tra, Bitexco đã nhận 15.712 tỷ đồng/22.000 tỷ đồng từ bà Lan, nhưng hai bên chưa thực hiện thủ tục chuyển giao Công ty.

Tuy nhiên, theo phán quyết của Hội đồng Xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II, thì Trương Mỹ Lan đã cử người của mình sang Công ty Saigon Glory.

Hồ sơ mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được cũng thể hiện, việc này được thực hiện vào khoảng năm 2021. Tại công bố thay đổi doanh nghiệp ngày 5/1/2021, người được ủy quyền đại diện góp vốn tại Công ty Saigon Glory gồm ông Nguyễn Anh Đức (góp 2.100 tỷ đồng), ông Trịnh Quang Công (góp 2.800 tỷ đồng) và ông Vũ Quang Bảo (góp 2.100 tỷ đồng), tương đương tỷ lệ sở hữu lần lượt là 30%, 40% và 30%. Người đại diện pháp luật của Công ty được bổ sung gồm ông Trịnh Quang Công và ông Vũ Quang Bảo.

Trong đó, ông Trịnh Quang Công chính là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn quản lý Acumen (công ty được Trương Mỹ Lan thành lập năm 2019, do em họ là Trương Vincent Kinh làm Chủ tịch HĐQT), được xác định đã giúp sức cho bà Lan và đồng phạm chiếm đoạt 2.000 tỷ đồng của 2.431 bị hại, nên bị phạt tổng cộng 15 năm tù giam.

Căn cứ các tình tiết đã được xác minh (bán giá Dự án khu Tứ giác Bến Thành là 22.000 tỷ đồng, đã nhận 15.712 tỷ đồng, chỉ chưa bàn giao Công ty; người của Trương Mỹ Lan đã được cử sang điều hành…), lời trình bày của luật sư đại diện Bitexco có cơ sở khi cho rằng, mặc dù Công ty Saigon Glory thuộc Bitexco, nhưng thực chất, bà Lan đã điều hành Saigon Glory, phát hành trái phiếu… Tài sản thế chấp đảm bảo cho phát hành trái phiếu chính là Dự án khu Tứ giác Bến Thành. Ngân hàng quản lý tài sản thế chấp và số tiền này bị bà Lan sử dụng cá nhân, gây hậu quả, với nghĩa vụ thanh toán hơn 33.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tại phiên tuyên án ngày 17/10/2024, Hội đồng Xét xử cũng nhận định, các chứng lý thu thập thể hiện, sau khi thỏa thuận bán Dự án khu Tứ giác Bến Thành, để tiếp tục triển khai, Công ty Saigon Glory đã phát hành trái phiếu 23.000 tỷ đồng và chính bà Lan nhận số tiền này. Đến nay, tiền nợ gốc, lãi phát sinh từ gói trái phiếu này đã là 33.000 tỷ đồng.

Như vậy, thực chất, Công ty Saigon Glory và những phát sinh của doanh nghiệp này sau mua bán (trái phiếu) không còn là của Bitexco.

“Đứng hình” thương vụ với Công ty Bất động sản Phương Đông Hà Nội

Tại tòa, luật sư đại diện Bitexco còn nêu, để đảm bảo quyền lợi của các trái chủ, quyền lợi của ngân hàng, doanh nghiệp đề nghị chuyển giao toàn bộ Công ty Saigon Glory, Dự án khu Tứ giác Bến Thành cho Công ty TNHH Bất động sản Phương Đông Hà Nội để thanh toán trái phiếu và khoản vay.

Trước đó, ngày 23/9/2024, theo thông tin công bố trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), đại diện người sở hữu trái phiếu Công ty Saigon Glory đã đồng ý việc Bitexco được phép chuyển nhượng tài sản bảo đảm phần vốn góp cho bên nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Bất động sản Phương Đông Hà Nội (thành lập từ giữa năm 2019, có trụ sở tại TP. Hà Nội).

Việc chuyển nhượng nói trên không làm thay đổi nghĩa vụ của Công ty Saigon Glory với người sở hữu trái phiếu và các nghị quyết đã được trái chủ thông qua trước đó.

Bởi 2 bên đã thỏa thuận, sau khi hoàn tất giao dịch chuyển nhượng, chủ mới là Công ty TNHH Bất động sản Phương Đông Hà Nội phải thực hiện thế chấp lại tài sản bảo đảm phần vốn góp tại ngân hàng để đảm bảo nghĩa vụ các trái phiếu và sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền gốc cộng lãi của các trái phiếu liên quan.

Trước đó, Bitexco đã thế chấp cổ phần tại Công ty Saigon Glory cho ngân hàng này để đảm bảo các nghĩa vụ của 10 gói trái phiếu trị giá 10.000 tỷ đồng do Saigon Glory phát hành.

Sau khi nhận chuyển nhượng, Công ty TNHH Bất động sản Phương Đông Hà Nội sẽ thế chấp lại phần vốn góp phù hợp với quy định của nghị quyết trái chủ ngày 4/12/2020; tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thanh toán số tiền gốc của kỳ thanh toán ngày 18/6/2025 và nghĩa vụ thanh toán gốc cộng lãi của 10 gói trái phiếu từ sau ngày 18/6/2025 đúng theo lịch biểu của nghị quyết ngày 5/2/2024.

Tuy nhiên, Hội đồng Xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II chỉ phán quyết tiếp tục giao C03 làm rõ để xem xét trách nhiệm hình sự, dân sự của các bên, bởi liên quan đến Dự án khu Tứ giác Bến Thành còn nhiều mâu thuẫn.

Việc này cũng khiến thương vụ mua bán dự án trên… đứng hình.

Liên quan 2 khối tài sản mà Báo Đầu tư vừa “phơi sáng”, Hội đồng Xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II phán quyết, đối với Dự án Khu đô thị - Khu tái định cư Sing Việt, chưa xác minh được nguồn gốc tài sản và chưa được làm rõ, nên giao C03 tiếp tục điều tra.

Liên quan đến giao dịch chuyển nhượng Dự án Khu công nghiệp và đô thị Việt Phát, Hội đồng Xét xử xác định, Dự án tuy do Công ty Tân Thành Long An làm chủ đầu tư, nhưng thực chất là tài sản của Trương Mỹ Lan. Bà Lan đã thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ Dự án với giá 30.000 tỷ đồng cho bà Võ Thị Kim Khoa.

Sau khi vụ án xảy ra, các bên điều chỉnh giá từ 30.000 tỷ đồng xuống còn 20.000 tỷ đồng là không đúng với thoả thuận chung, gây ảnh hưởng tới quyền đảm bảo phát hành trái phiếu gói 19.800 tỷ đồng (gói trái phiếu Tân Thành Long An, Vạn Trường Phát và Bông Sen) và làm thay đổi giá trị chuyển nhượng Dự án.

Hội đồng Xét xử xét thấy, liên quan đến việc chuyển nhượng 100% cổ phần của Tân Thành Long An, bị cáo Trương Mỹ Lan và bà Võ Thị Kim Khoa chưa xác định được nghĩa vụ khác tồn đọng để thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo thoả thuận chung, nên tuyên chuyển cho C03 tiếp tục làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật.

(Còn tiếp)

Ngô Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục