Theo số liệu vừa được Chính phủ Mỹ công bố, đã có 6 triệu người đăng ký mua bảo hiểm y tế bao cấp, thường được gọi là Obamacare, trong đó có 2,4 triệu người mua mới.
Thông tin này giúp nhóm cổ phiếu bệnh viện tăng vọt, giúp phố Wall tăng điểm trong phiên đầu tuần.
Ngoài nhóm cổ phiếu bệnh viện, phố Wall còn được hỗ trợ bởi nhóm công nghệ, trong đó đáng chú ý là 2 đầu tàu Apple và Microsoft. Tuy nhiên, đà tăng của phố Wall phần nào bị hãm do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu năng lượng dưới sức ép của việc giá dâu thô Brent giảm xuống mức thấp nhất 11 năm.
Kết thúc phiên 21/12, chỉ số Dow Jones tăng 123,07 điểm (+0,72%), lên 17.251,62 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 15,6 điểm (+0,78%), lên 2.021,15 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 45,84 điểm (+0,93%), lên 4.968,92 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu dù có mức tăng trong gần như suốt phiên giao dịch đầu tuần, nhưng đồng loạt đảo chiều giảm điểm vào cuối phiên khi kết quả bầu cử tại Tây Ban Nha bất phân thắng bại, gây lo ngại về bất ổn chính trị của khu vực.
Ngoài ra, việc đồng euro tăng mạnh cũng ảnh hưởng tiêu cực tới nhóm cổ phiếu xuất khẩu và qua đó cũng ảnh hưởng tới thị trường chung.
Kết thúc phiên 21/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 17,58 điểm (-0,29%), xuống 6.034,84 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 110,42 điểm (-1,04%), xuống 10.497,77 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 60,09 điểm (-1,30%), xuống 4.665,17 điểm.
Việc đồng yên tăng giá so với đồng USD đã khiến chứng khoán Nhật Bản tiếp tục có phiên giảm điểm trong ngày đầu tuần mới. Tuy nhiên, mức giảm khiêm tốn hơn rất nhiều so với phiên cuối tuần trước.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông tăng nhẹ và chứng khoán Trung Quốc đại lục lại có p hiên khởi sắc đầu tuần.
Kết thúc phiên 21/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 70,78 điểm (-0,3%), xuống 18.916,02 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 36,12 điểm (+0,17%), lên 21.791,68 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 63,51 điểm (+1,77%), lên 3.642,47 điểm.
Lực mua kỹ thuật của phiên cuối tuần trước được duy trì giúp giá vàng có phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp. Ngoài ra, trong phiên đầu tuần, đồng USD tiếp tục giảm phiên thứ 2 liên tiếp, cũng hỗ trợ tích cực cho giá vàng.
Kết thúc phiên 21/12, giá vàng giao ngay tăng 12,1 USD (+1,15%), lên 1.078,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 tăng 15 USD (+1,41%), lên 1.080,6 USD/ounce.
Trong khi vàng tăng mạnh do hưởng lợi từ đồng USD giảm, thì giá dầu thô không thể đảo chiều đi lên do mối lo dư cung vẫn luôn thường trực. Trong khi nhu cầu được dự báo sẽ vẫn sụt giảm, thì các nước sản xuất lớn như OPEC, Nga liên tục tăng sản lượng khiến giá dầu thô Brent giảm xuống mức thấp nhất 11 năm.
Kết thúc phiên 21/12, giá dầu thô Mỹ tăng 0,01 USD/thùng (+0,03%), lên 34,74 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,53 USD (-1,46%), xuống 36,35 USD/thùng.