Nguy cơ đổ vỡ tín dụng
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), tín dụng bằng đồng USD tới lĩnh vực phi ngân hàng bên ngoài nước Mỹ đã cán mốc 9.800 tỷ USD tính tới cuối quý II/2015, trong đó khoảng 3.300 tỷ USD được dành cho vay tại các nền kinh tế đang phát triển. Tại một số thị trường đang nổi chủ chốt, số nợ USD của các nhà đi vay trong lĩnh vực phi ngân hàng đã tăng gấp đôi trong giai đoạn từ quý I/2009 đến quý II/2015.
Trong báo cáo mới công bố, BIS đánh giá số nợ bằng đồng USD cao có thể khiến các nhà đi vay dễ tổn thương hơn khi lãi suất và đồng USD tăng giá. Đồng USD hiện tăng giá so với đồng nội tệ của nhiều nền kinh tế đang nổi, trong khi Fed đã quyết định nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm lên biên độ 0,25-0,5%/năm, lần tăng đầu tiên kể từ ngày 29/6/2006.
"Thắt chặt tín dụng được coi như gót chân Achilles của châu Á. Châu Á dễ bị tổn thương gấp 4 lần trước sự mất cân bằng tài chính hơn các nền kinh tế đang phát triển khác ngoài châu Á" - Rob Subbaraman.
Andrew Tilton, nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lưu ý rằng nhiều nền kinh tế châu Á đang chứng kiến số nợ tăng nhanh, một phần do chính sách tiền tệ nới lỏng tại nhiều thị trường phát triển khác.
“Rất nhiều nền kinh tế châu Á có tỷ lệ nợ/thu nhập quốc dân cao, đáng chú ý là Malaysia và Thái Lan. Nếu thị trường tín dụng USD trở nên chặt chẽ hơn, một số DN sẽ buộc phải tìm kiếm nguồn vốn từ các thị trường tài chính địa phương và một khi các thị trường này không đáp ứng được nhu cầu của họ thì chi phí đi vay có thể bị đẩy lên cao hơn đáng kể. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng, theo sau giai đoạn nợ tăng nhanh thường là xu thế nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Đây rõ ràng là rủi ro đáng chú ý”, ông Tilton cho biết.
Tuy nhiên, chuyên gia Tilton không cho rằng châu Á sẽ lặp lại cuộc khủng hoảng tài chính như giai đoạn cuối năm 1990, bởi lẽ các nhà đi vay hiện nay chủ yếu là các công ty phi tài chính, họ có khả năng hấp thụ các cú sốc bằng cách cắt giảm chi tiêu vốn và đầu tư trước khi xảy ra tình trạng vỡ nợ nghiêm trọng.
Một số nhà phân tích khác lại lo ngại về nguy cơ tín dụng bị thắt chặt trên toàn khu vực. “Thắt chặt tín dụng được coi như gót chân Achilles của châu Á. Châu Á dễ bị tổn thương gấp 4 lần trước sự mất cân bằng tài chính hơn các nền kinh tế đang phát triển khác ngoài châu Á”, Rob Subbaraman, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Nomura đánh giá.
Bên cạnh đó, các hoạt động kinh tế đã chậm lại tại nhiều nền kinh tế đang phát triển, đồng thời lượng vốn ròng chảy khỏi các thị trường này được dự báo ở mức kỷ lục 541 tỷ USD trong năm 2015.
Các nền kinh tế đang phát triển đối phó như thế nào?
Đối phó với tác động lãi suất, các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á có những cách tiếp cận khác nhau. Indonesia và Malaysia sẽ chịu tác động đang kể do giá hàng hóa sụt giảm, ảnh hưởng tới doanh thu xuất khẩu của họ.
Đồng rupiah của Indonesia và ringgit của Malaysia đã giảm giá mạnh trong mùa hè vừa qua, dù đã phục hồi lại một chút. Tuy nhiên, những rủi ro tiền tệ trước sức mạnh tăng giá của đồng USD sẽ hạn chế khả năng kích thích bổ sung của thị trường tài chính tại 2 nền kinh tế này.
Philippines và Ấn Độ phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu thụ nội địa, vì thế sẽ ở trong vị thế “dễ thở” hơn. Giá dầu mỏ thấp giúp thu hẹp thâm hụt tài khoản vãng lai tại Ấn Độ, trong khi ngân hàng trung ương nước này vẫn còn dư địa để cắt giảm lãi suất.
Tại Trung Quốc, nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và dòng vốn chảy ra bên ngoài đã kéo đồng nhân dân tệ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 4 năm qua so với USD. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã can thiệp vào thị trường tiền tệ để đảo ngược xu hướng sụt giảm quá mạnh này.
Còn tại Đặc khu hành chính Hong Kong, Cơ quan tiền tệ Hong Kong (HKMA) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản từ 0,5% lên 0,75%/năm, lần đầu tiên trong một thập niên qua, nhằm bắt kịp với quyết định của Fed. Bằng việc sắp xếp để tỷ giá đồng HKD bám sát đồng USD, Hong Kong sẽ thay đổi tỷ giá hối đoái chính thức theo bất kỳ chuyển động lãi suất nào ở Mỹ.