Phố Wall hồi phục, giá vàng tiếp tục tăng

(ĐTCK) Sau phiên lao dốc hôm thứ Ba do lo ngại chính sách kinh tế của Tổng thống Trump sẽ gặp khó khăn, chứng khoán Mỹ đã hồi nhẹ trở lại trong phiên thứ Tư, trong khi chứng khoán Âu, Á vẫn chìm trong sắc đỏ. Giá vàng tiếp tục duy trì đà tăng khi đồng USD xuống mức thấp nhất 7 tuần.
Phố Wall hồi phục, giá vàng tiếp tục tăng

Chứng khoán Mỹ hồi phục nhẹ trở lại trong phiên thứ Tư sau phiên lao dốc trước đó. Trong đó, chỉ số S&P 500 tăng trở lại sau 5 phiên giảm và xuống mức thấp nhất từ ngày 15/2, chỉ số Nasdaq cũng hồi trở lại trong phiên thứ Tư, ngoại trừ chỉ số Dow Jones thiếu chút may mắn.

Trong phiên thứ Ba, chứng khoán Mỹ lao dốc khi Tổng thống Donald Trump phải cố gắng tập hợp các nhà lập pháp đảng Cộng hòa để bãi bỏ chính sách Obamacare, chính sách đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức cuối tháng Giêng. Điều này khiến giới đầu tư lo lắng các chính sách về giảm thuế, tăng đầu tư của ông Trump sẽ tốn thời gian hơn nhiều để được thông qua tại quốc hội, nên họ đã bán mạnh trên thị trường chứng khoán.

Kết thúc phiên 22/3, chỉ số Dow Jones giảm 6,71 điểm (-0,03%), xuống 20.661,30 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,43 điểm (+0,19%), lên 2.348,45 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 27,82 điểm (+0,48%), lên 5.821,64 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, vụ khủng bố bên ngoài tòa nhà quốc hội Anh khiến giới đầu tư “lục địa già” lo lắng, đẩy các thị trường chính trong khu vực tiếp tục giảm điểm. Ngoài ra, việc cổ phiếu ngân hàng tiếp tục sụt giảm cùng ảnh hưởng từ thông tin kết quả kinh doanh kém khả quan của công ty Gemalto cũng ảnh hưởng không tích cực tới chứng khoán châu Âu.

Kết thúc phiên 22/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 53,62 điểm (-0,73%), xuống 7.324,72 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 58,01 điểm (-0,48%), xuống 11.904,12 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 7,73 điểm (-0,15%), xuống 4.994,70 điểm.

Tương tự, trên thị trường chứng khoán châu Á, phiên lao dốc trước đó của chứng khoán Âu, Mỹ đã ảnh hưởng tiêu cực tới chứng khoán châu Á trong phiên thứ Tư, đẩy các chỉ số chính trong khu vực giảm mạnh. Trong đó, ngoài ảnh hưởng từ yếu tố bên ngoài, việc một vụ bê bối chính trị trong nước cũng đã đẩy là chứng khoán Nhật Bản lao dốc hơn 2%, xuống mức thấp nhất 2 tháng rưỡi. Chứng khoán Hồng Kông cũng đảo chiều giảm hơn 1% sau 4 phiên tăng liên tiếp.

Kết thúc phiên 22/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 414,5 điểm (-2,13%), xuống  19.041,38 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 272,71 điểm (-1,11%), xuống 24.320,41 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 5,59 điểm (-0,17%), xuống 3.245,22 điểm.

Trong khi đó, giá vàng tiếp tục chuỗi ngày tăng giá của mình khi đồng USD giảm xuống mức thấp nhất 6 tuần và những lo lắng xuất hiện trên thị trường chứng khoán. Giá vàng có lúc leo qua ngưỡng 1.250 USD, mức cao nhất 3 tuần, trước khi hãm đà tăng vào cuối phiên trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 22/3, giá vàng giao ngay tăng 4 USD (+0,32%), lên 1.248,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2017 tăng 3,2 USD (+0,26%), lên 1.249,7 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục giảm, có lúc xuống mức thấp nhất gần 4 tháng do dữ liệu kho dự trữ của Mỹ tăng mạnh, trước khi bật trở lại, hãm bớt đà giảm.

Theo dữ liệu vừa công bố của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng thêm 5 triệu thùng, gần gấp đôi so với con số dự đoán 2,8 triệu thùng của giới phân tích, lên mức kỷ lục 533,1 triệu thùng do nhập khẩu tăng 1,1 triệu thùng/ngày trong tuần trước. Kho trung chuyển Cushing, Okahoma cũng tăng thêm 1,4 triệu thùng.

Trong khi đó, kho dự trữ xăng lại giảm 2,8 triệu thùng, cao hơn mức dự báo 2 triệu thùng của giới phân tích. Kho dự trữ các sản phẩm chưng cất cũng giảm 1,9 triệu thùng, cao hơn kỳ vọng 1,4 triệu thùng của giới phân tích.

Kết thúc phiên 22/3, giá dầu thô Mỹ giảm 0,20 USD/thùng (-0,42%), xuống 48,04 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,32 USD (-0,63%), xuống 50,64 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục