Phố Wall hãm đà tăng, giá vàng quay đầu giảm mạnh sau phát biểu của ông Trump

(ĐTCK) Đang trên đà tăng tốt nhờ đồng USD giảm sau phát biểu ủng hộ đồng USD yếu trước đó của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin, phố Wall hãm đà tăng vào cuối phiên, trong khi vàng quay đầu giảm mạnh khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có quan điểm trái ngược lại với cấp dưới.
Ảnh: AFP Ảnh: AFP

Phố Wall mở cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm trong sắc xanh khi đồng USD giảm sau phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin về việc ủng hộ đồng USD yếu và kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp vừa công bố. Tuy nhiên, đà tăng sau đó đã bị hãm lại, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khi trả lại kênh CNBC tại Davos (Thụy Sĩ) cho biết, ông muốn thấy một đồng USD mạnh.

Đóng cửa, các chỉ số chính của phố Wall tiếp tục có sự trái chiều. Trong khi Dow Jones tiếp tục thiết lập đỉnh cao lịch sử mới và S&P 500 lấy lại hết những gì đã mất trong phiên trước đó, thì Nasdaq vẫn đóng cửa trong sắc đỏ, nhưng mức giảm rát khiêm tốn.

Kết thúc phiên 25/1, chỉ số Dow Jones tăng 140,67 điểm (+0,54%), lên 26.392,79 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,71 điểm (+0,06%), lên 2.839,25 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 3,89 điểm (-0,05%), xuống 7.411,16 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu tiếp tục có phiên giảm đồng loạt khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cho biết, sẽ không có thay đổi về chính sách tiền tệ khi đồng euro đang ở mức cao nhất 3 năm so với đồng USD sau phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin về việc ủng hộ đồng USD yếu.

Đồng euro mạnh sẽ tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp của khu vực đồng tiền chung. Không chỉ đồng euro tăng, mà phát biểu của ông Mnuchin cũng khiến các loại tiền tệ mạnh khác tăng so với đồng USD, trong đó có bảng Anh, khiến thị trường chứng khoán nước này cũng chìm trong sắc đỏ.

Tuy nhiên, giới đầu tư châu Âu tạm yên tâm khi sau đó, trả lời phỏng vấn CNBC tại Davos (Thụy Sĩ), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông muốn thấy một đồng USD mạnh.

Kết thúc phiên 25/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 27,59 điểm (-0,36%), xuống 7.615,84 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 116,38 điểm (-0,87%), xuống 13.298,36 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 13,95 điểm (-0,25%), xuống 5.481,21 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng yên tăng, cùng áp lực chốt lời khiến các thị trường chứng khoán lớn trong khu vực đồng loạt giảm điểm. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm mạnh xuống mất thấp nhất 2 tuần, còn chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông cũng chấm dứt chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp.

Kết thúc phiên 25/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 271,29 điểm (-1,13%), xuống 23.669,49 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 304,24 điểm (-0,92%), xuống 32.654,45 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 11,16 điểm (-0,31%), xuống 3.548,31 điểm.

Trên thị trường vàng, giá vàng có sự trái chiều nhau. Trong phiên châu Á và châu Âu, giá kim loại quý đồng loạt tăng mạnh nhờ sự hỗ trợ từ đồng USD yếu, vượt qua ngưỡng 1.360 USD/ounce. Trong đó, giá vàng tương lai đóng cửa sớm nên duy trì được đà tăng, trong khi giá vàng giao ngay đã quay đầu giảm mạnh trong cuối phiên Mỹ sau khi Tổng thống Trump cho biết, ông muốn thấy một đồng USD mạnh.

Kết thúc phiên 25/1, giá vàng giao ngay giảm 10,4 USD/ounce (-0,77%), xuống 1.347,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2018 tăng 6,6 USD/ounce (+0,47%), lên 1.362,9 USD/ounce.

Sau phiên tăng mạnh trước đó nhờ đồng USD và kho dự trữ dầu thô tuần trước của Mỹ giảm mạnh, giá dầu thô đã điều chỉnh nhẹ trong phiên thứ Năm trước khả năng Mỹ sẽ tăng sản lượng khai thác.

Kết thúc phiên 25/1, giá dầu thô Mỹ giảm 0,10 USD (-0,15%), xuống 65,51 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,11 USD (-0,16%), xuống 70,42 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục