Kết quả kinh doanh nâng bước chứng khoán

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh tích cực của một số doanh nghiệp vừa công bố giúp nhiều chỉ số chứng khoán chính tiếp tục tăng mạnh, lập kỷ lục mới trong phiên thứ Ba.
Kết quả kinh doanh nâng bước chứng khoán

Sau 2 phiên đồng loạt tăng liên tiếp, phố Wall đã có sự trái chiều trong phiên thứ Ba. Trong khi kết quả kinh doanh khả quan của Netflix giúp S&P và Nasdaq lên đỉnh mới, thì Dow Jones lại đảo chiều do kết quả kinh doanh kém tích cực của Johnson và Johnson và Procter & Gamble.

Kết thúc phiên 23/1, chỉ số Dow Jones giảm 3,79 điểm (-0,01%), xuống 26.210,81 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,16 điểm (+0,22%), lên 2.839,13 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 52,26 điểm (+0,71%), lên 7.460,29 điểm.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục có sự trái chiều trong phiên thứ Ba, nhưng sắc đỏ chuyển từ chứng khoán Anh sang chứng khoán Pháp. Trong khi chứng khoán Đức có có mức tăng khá tốt, cùng chứng khoán Anh hồi phục trở lại sau khi 2 phe Cộng hòa và Dân chú đạt được thỏa thuận để Chính phủ Mỹ mở cửa trở lại sau 3 ngày đóng cửa vì không có ngân sách. Ngoài ra, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vừa công bố cũng hỗ trợ cho đà tăng của chứng khoán Anh và Đức, trong đó chứng khoán Đức chỉ còn cách mức kỷ lục một vài bước chân.

Kết thúc phiên 23/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 16,39 điểm (+0,21%), lên 7.731,83 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 95,91 điểm (+0,71%), lên 13.559,60 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 6,73 điểm (-0,12%), xuống 5.535,26 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Á tiếp tục tăng đồng loạt, trong đó đà tăng của chứng khoán Nhật Bản chỉ ở mức khiêm tốn khi đồng yên tăng mạnh so với đồng USD. Trong khi chứng khoán Hồng Kông với dòng tiền chảy mạnh từ Trung Quốc đại lục tiếp tục bay cao, chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng tăng tốt, vượt qua ngưỡng 3.500 điểm nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản.

Kết thúc phiên 23/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 8,27 điểm (+0,03%), lên 23.816,33 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 138,52 điểm (+0,43%), lên 32.393,41 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 13,50 điểm (+0,39%), lên 3.501,36 điểm.

Vàng có phiên giao dịch đầy biến động, khi đang lình xình trong phiên Á và Âu, bất ngờ lao mạnh khi bước vào phiên giao dịch Mỹ. Tuy nhiên, ngay sau đó, cùng với việc đồng USD yếu và lực cầu kỹ thuật chảy mạnh, giúp giá kim loại quý tăng vọt trở lại

Kết thúc phiên 23/1, giá vàng giao ngay tăng 7,8 USD/ounce (+0,59%), lên 1.340,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2018 tăng 4,8 USD/ounce (+0,36%), lên 1.336,7 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục phục hồi trong phiên thứ Ba và đang ở mức cao nhất 3 năm trước dự báo kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước tiếp tục giảm, cùng với việc đồng USD xuống thấp, hỗ trợ cho các loại hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh, trong đó có dầu thô.

Kết thúc phiên 23/1, giá dầu thô Mỹ tăng 0,90 USD (+1,40%), lên 64,47 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,93 USD (+1,33%), lên 69,96 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục