Sau phiên khởi sắc hôm thứ Tư để thiết lập đỉnh cao lịch sử mới, trong đó Dow Jones lần đầu vượt qua ngưỡng 26.000 điểm, còn S&P lần đầu chạm ngưỡng 2.800 điểm, phố Wall đã đảo chiều giảm nhẹ trong phiên thứ Năm do ảnh hưởng từ sự sụt giảm của cổ phiếu Boeing và cổ phiếu bất động sản.
Ngoài ra, việc lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ lên mức cao nhất 10 tháng, cùng với việc Chính phủ Mỹ có nguy cơ đóng cửa cũng khiến nhà đầu tư lo lắng.
Kết thúc phiên 18/1, chỉ số Dow Jones giảm 97,84 điểm (-0,37%), xuống 26.017,81 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,53 điểm (-0,16%), xuống 2.798,03 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 2,23 điểm (-0,03%), xuống 7.296,05 điểm.
Trong khi đó, trên chứng khoán châu Âu lại hồi nhẹ trở lại trong phiên thứ Năm sau 2 phiên giảm liên tiếp trước đó nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu có tính mùa vụ. Tuy nhiên, đà tăng của chứng khoán Đức và Pháp không quá mạnh, trong khi chứng khoán Anh tiếp tục có phiên giảm về sát ngưỡng 7.700 điểm.
Kết thúc phiên 18/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 27,47 điểm (-0,32%), xuống 7.700,96 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 97,47 điểm (+0,74%), lên 13.281,43 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 0,84 điểm (+0,02%), lên 5.494,83 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm thứ 2 liên tiếp khi đồng yên tăng mạnh so với USD, cùng đà sụt giảm của nhóm cổ phiếu bất động sản. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông hồi phục trở lại nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu tài chính và thông tin kinh tế tích cực từ Trung Quốc. Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng tiếp tục tăng lên mức cao nhất 2 năm nhờ nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng sau thông tin GDP năm 2017 tăng 6,9%, vượt chỉ tiêu 6,5%.
Kết thúc phiên 18/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 104,97 điểm (-0,44%), xuống 23.763,37 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 138,53 điểm (+0,43%), lên 32.121,94 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 30,08 điểm (+0,87%), lên 3.474,75 điểm.
Bất chấp lo ngại về việc chính phủ Mỹ đóng cửa, đồng USD giảm mạnh, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên mức cao nhất 10 năm, nhưng giá vàng cũng không thể hồi phục trở lại trong phiên thứ Năm, mà chỉ đủ sức lình xình, đóng cửa ở mức gần như không đổi so với phiên trước đó.
Kết thúc phiên 18/1, giá vàng giao ngay giảm 0,2 USD/ounce (-0,02%), xuống 1.326,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2018 giảm 0,1 USD/ounce (-0,01%), xuống 1.327,2 USD/ounce.
Giá dầu thô đảo chiều giảm mạnh trở lại lúc đầu phiên giao dịch thứ Năm. Tuy nhiên, về nửa cuối phiên Mỹ, giá loại nhiên liệu này đã dần hồi phục và đóng cửa gần như không đổi sau thông tin kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước sụt giảm tới 6,9 triệu thùng, cao hơn nhiều so với mức dự báo giảm 3,5 triệu thùng. Ngoài ra, kho dự trữ tại trung tâm trung chuyển Cushing, Oklahoma cũng giảm 4,2 triệu thùng, mức lớn nhất kể từ năm 2004.
Kết thúc phiên 18/1, giá dầu thô Mỹ giảm 0,02 USD (-0,03%), xuống 63,95 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,06 USD (-0,09%), xuống 69,31 USD/thùng.