Phố Wall cũng chao đảo vì lệnh bán tháo

(ĐTCK) Đang tăng điểm tốt nhờ dữ liệu kinh tế khả quan và dư âm phát biểu của Chủ tịch FED, Phố Wall đột ngột đảo chiều khi cổ phiếu năng lượng và tiện ích bị bán tháo mạnh.
Áp lực bán tháo liên tiếp xảy ra ở các nhóm cổ phiếu khiến Nasdaq có chuỗi giảm dài nhất trong hơn 1 tháng qua - Ảnh: Reuters Áp lực bán tháo liên tiếp xảy ra ở các nhóm cổ phiếu khiến Nasdaq có chuỗi giảm dài nhất trong hơn 1 tháng qua - Ảnh: Reuters
Theo dữ liệu vừa công bố, đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần qua của Mỹ giảm 26.000 đơn, còn 319.000, đánh dấu tuần thứ 3 liên tiếp thất nghiệp giảm, cho thấy thị trường lao động đang có những chuyển biến tích cực.

Thông tin kinh tế tích cực này, cùng với phát biểu của Chủ tịch FED Janet Yallen trước Thượng viện Mỹ ngày trước đó giúp Phố Wall tiếp tục tăng điểm ấn tượng trong phiên thứ Năm. Tuy nhiên, đợt bán tháo cổ phiếu năng lượng và tiện ích sau đó đã kéo các chỉ số chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm, trong đó, chỉ có Dow Jones còn giữ được mức tăng nhẹ, 2 chỉ số còn lại đều đóng cửa trong sắc đỏ, riêng Nasdaq có phiên giảm thứ 3 liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất của chỉ số này kể từ đầu tháng 4.

Kết thúc phiên 8/5, chỉ số Dow Jones tăng 32,43 điểm (+0,20%), lên 16.550,97 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,58 điểm (-0,14%), xuống 1.875,63 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 16,18 điểm (-0,40%), xuống 4.051,50 điểm.

Khác với chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu lại dè dặt đầu phiên trước khi vụt tăng mạnh cuối phiên và lên mức cao nhất gần 6 năm sau thông điệp của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi. Theo đó, ông Draghi cho biết, ECB sẽ có hành động cụ thể vào tháng tới để ngăn chặn tình trạng lạm phát thấp và thúc đẩy kinh tế khu vực đồng tiền chung. Ý kiến này của Chủ tịch ECB đã khiến đồng euro giảm trở lại so với đồng USD, trong khi các thị trường chứng khoán đầy hứng khởi và tăng nhanh cuối phiên.

Kết thúc phiên 8/5, chỉ số FTSE tại Anh tăng 42,81 (+0,63%), lên 6.839,25 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 86,10 điểm (+0,90%), lên 9.607,40 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 60,80 điểm (+1,37%), lên 4.507,24 điểm.

Chứng khoán châu Á cũng có phiên hồi phục tích cực ngày thứ Năm nhờ ảnh hưởng từ chứng khoán Âu, Mỹ trước đó và phát biểu của Chủ tịch FED về việc cần nhiều thời gian để đưa chính sách tiền tệ về như trước cuộc khủng hoảng và dữ liệu xuất khẩu tích cực của Trung Quốc. Theo dữ liệu vừa được công bố, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 tăng 0,9% so với cùng kỳ, sau khi giảm 1,7% tháng trước. Kim ngạch nhập khẩu cũng tăng mạnh hơn so với dự đoán. Tuy nhiên, đà tăng của các thị trường về cuối càng bị thu hẹp khi giới đầu tư vẫn lo ngại về tình hình Ukraine và chờ đợi dữ liệu lạm phát của Trung Quốc sẽ được công bố vào thứ Sáu.

Kết thúc phiên 8/5, chỉ số Nikke 225 tại Nhật Bản tăng 130,33 điểm (+0,93%), lên 14.163,78 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 90,86 điểm (+0,42%), lên 21.837,12 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 5,19 điểm (+0,26%), lên 2.015,27 điểm.

Giá vàng gần như đi ngang, lình xình quanh mốc 1.290 USD trong suốt phiên giao dịch ngày thứ Năm khi chịu các thông tin trái ngược. Về thông tin hỗ trợ, tình hình Ukraine đang trở nên căng thẳng và đứng trước nguy cơ 1 cuộc chiến tranh khi phe ly khai ở các tỉnh miền Đông phát lờ yêu gọi của Tổng thống Nga về việc tạm hoãn cuộc trưng cầu dân ý. Thậm chí, lãnh đạo phe biểu tình còn muốn thực hiện cuộc trưng cầu dân ý về việc ly khai khỏi Ukraine sớm hơn, vào chủ Nhật này. Dù nhận thông tin tích cực này, nhưng giá vàng cũng không thể hồi phục trở lại do đồng USD tăng giá khá mạnh sau khi Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết, ECB có thể có các chính sách hỗ trợ kinh tế vào tháng tới. Do đó, giá vàng chỉ dao động trong biên độ hẹp và đóng cửa gần như không đổi so với phiên trước đó.

Kết thúc phiên 8/5, giá vàng giao ngay trên thị trường New York giảm 0,1 USD, xuống 1.289,8 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 giảm 1,2 USD (-0,09%), xuống 1.287,7 USD/ounce.

Trong khi đó, sau phiên tăng mạnh do lo ngại tình hình Ukraine và dự trữ dầu của Mỹ bất ngờ giảm mạnh hơn dự đoán, giá dầu thô đã giảm nhẹ trở lại trong phiên thứ Năm khi đồng USD tăng giá.

Kết thúc phiên 8/5, giá dầu thô Mỹ giảm 0,51 USD (-0,51%), xuống 100,26 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,09 USD (-0,08%), xuống 108,04 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục