Phố Wall có tuần tăng ấn tượng, giá vàng và dầu thô ngậm ngùi

(ĐTCK) Dù có những phiên giảm mạnh do ảnh hưởng của một số cổ phiếu bluechip và cổ phiêu năng lượng, nhưng phố Wall vẫn có tuần tăng điểm ấn tượng nhờ các nhóm cổ phiếu khác, cũng như sự hồi phục của Apple. Trong khi đó, giá vàng tiếp tục có tuần giảm giá, còn giá dầu thô điều chỉnh giảm mạnh sau tuần tăng nhẹ trước đó.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Trong phiên cuối tuần, sự thận trọng tiếp tục được duy trì khi nhà đầu tư vẫn hướng vào cuộc họp của Fed trong ngày thứ Tư và thứ Năm tuần tới. Phố Wall mở cửa trong sắc đỏ và dao động dưới tham chiếu trong suốt phiên sáng, cũng như phút đầu phiên chiều do chịu tác động tiêu cực của nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu đảo chiều giảm trở lại. Đặc biệt là báo cáo của Goldman Sachs dự báo giá dầu thô có thể xuống 20 USD/thùng đã khiến nhóm cổ phiếu năng lượng chao đảo.

Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ của các nhóm cổ phiếu khác, đặc biệt là nhóm cổ phiếu tiện ích, phố Wall đã đảo chiều tăng trở lại trong nửa cuối phiên và đóng cửa tuần giao dịch trong sắc xanh. Với 2 phiên tăng điểm cuối tuần, phố Wall đã lấy lại hết những gì đã để mất trong phiên thứ Tư do ảnh hưởng của cổ phiếu Apple và cổ phiếu năng lượng, qua đó cũng giúp các chỉ số chứng khoán Mỹ có tuần tăng ấn tượng. Cụ thể, chỉ số S&P 500 có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 7, trong khi Dow Jones có tuần tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 3.

Kết thúc phiên 11/9, chỉ số Dow Jones tăng 102,69 điểm (+0,63%), lên 16.433,09 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,76 điểm (+0,45%), lên 1.961,05 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 26,09 điểm (+0,54%), lên 4.822,34 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 2,05%, chỉ số S&P 500 tăng 2,07% và chỉ số Nasdaq cũng tăng 2,96%.

Trái ngược với phố Wall, chứng khoán châu Âu lại giảm trong 2 phiên cuối tuần do ảnh hưởng của cổ phiếu dược và ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài, như lo lắng về sự tăng trưởng chậm của kinh tế Trung Quốc, hay Brazil bị Standard & Proo’s hạ mức tín nhiệm, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp của châu Âu. Bên cạnh đó, cũng giống giới đầu tư toàn cầu, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu cũng đang hướng tới cuộc họp sắp tới của Fed. Hai phiên giảm điểm cuối tuần đã lấy đi phần nào những nỗ lực của những phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên 11/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 38,05 (-0,62%), xuống 6.117,76 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 86,88 điểm (-0,85%), xuống 10.123,56 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 47,81 điểm (-1,04%), xuống 4.548,72 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 1,24%, chỉ số DAX tăng 0,85% và chỉ số CAC 40 tăng 0,57%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, đà giảm do áp lực chốt lời của phiên thứ Năm tiếp tục duy trì trong phiên cuối tuần trên thị trường chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông. Ngoài ra, giới đầu tư đang chờ đợi cuộc họp của Fed, nên cũng rất thận trọng khiến các thị trường trong khu vực đóng cửa chủ yếu với sắc đỏ. Tuy nhiên, nhờ phiên tăng điểm ấn tượng hôm thứ Tư, các chỉ số chính của khu vực vẫn có tuần tăng điểm tốt.

Kết thúc phiên 11/9, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 35,4 điểm (-0,19%), xuống 18.264,22 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 58,13 điểm (-0,27%), xuống 21.504,37 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 2,34 điểm (+0,07%), lên 3.200,23 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,65%, chỉ số Hang Seng tăng 3,18%, trong khi chỉ số Shanghai Composite tăng khiêm tốn hơn với 1,27%.

Trên thị trường vàng, dữ liệu về số đơn nộp xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 10/9 giảm 6.000 đơn so với tuần trước làm gia tăng khả năng Fed tăng lãi suất đã khiến giá kim loại quý này giảm khá mạnh trong phiên Mỹ, xuống mức thấp nhất 4 tuần. Tuy nhiên, về cuối phiên, lực cầu bắt đáy dù còn dè dặt cũng đã giúp giá vàng hãm bớt đà giảm trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, điều này cũng không thể giúp giá vàng tránh khỏi tuần giảm giá thứ 3 liên tiếp.

Kết thúc phiên 11/9, giá vàng giao ngay giảm 2,2 USD (-0,2%), xuống 1.108,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 1,1 USD (+0,1%), lên 1.110,4 USD/ounce.

Trong tuần, giá giao ngay giảm 1,26%, trong khi giá vàng giao tháng 12 cũng giảm 1,06%.

Theo cuộc khảo sát tuần này của Kitco, trong số 195 người tham gia khảo sát trực tuyến, có 74 người, chiếm 38% có cái nhìn lạc quan về giá vàng trong tuần mới; 81 người, chiếm 45% cho rằng, giá vàng sẽ tiếp tục giảm và 34 người, chiếm 17% cho rằng giá vàng sẽ đi ngang. Tuần trước, 44% số người tham gia khảo sát lạc quan về giá vàng, nhưng cuối cùng giá kim loại quý này không tránh khỏi được tuần giảm thứ 3 liên tiếp.

Còn trong cuộc khảo sát các nhà phân tích, trong số 35 người được hỏi, có 20 người trả lời. Trong đó, có 9 người, chiếm 45% cho rằng giá vàng sẽ hồi phục trở lại trong tuần tới; 7 người, chiếm 35% dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục giảm và 4 người, chiếm 20% giữ quan điểm trung lập.

Trên thị trường dầu thô, báo cáo của Goldman Sachs như gáo nước lạnh dội vào các nhà đầu tư sau khi vừa có sự hứng khởi phiên trước với báo cáo nhu cầu xăng của Mỹ gia tăng. Phiên giảm mạnh cuối tuần đã lấy hết những nỗ lực trong tuần của giá dầu thô, khiến giá loại nhiện liệu này có tuần giảm trở lại sau khi tăng nhẹ tuần trước.

Kết thúc phiên 11/9, giá dầu thô Mỹ giảm 1,29 USD/thùng (-2,89%), xuống 44,63 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,75 USD (-1,56%), xuống 48,14 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 3,08%, trong khi dầu thô Brent cũng giảm 2,96%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục