Phố Wall, giá vàng, dầu thô hồi phục trong sự dè chừng

(ĐTCK) Trong phiên thứ Năm, trong khi chứng khoán toàn cầu giảm, thì phố Wall lại tăng điểm, giá vàng cũng hồi phục từ mức đáy 4 tuần. Tuy nhiên, cả phố Wall và giá vàng tăng trở lại trong sự dè chừng của nhà đầu tư khi khả năng Fed tăng lãi suất đang ngày một lớn hơn.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Phố Wall lấy lại đà tăng trong phiên giao dịch đầy biến động hôm thứ Năm. Sự thận trọng của nhà đầu tư trước cuộc họp sắp tới của Fed cũng như sự đảo chiều giảm mạnh của chứng khoán châu Á và châu Âu khiến chứng khoán Mỹ lúc đầu giằng co mạnh quanh tham chiếu.

Theo đó, theo dữ liệu vừa công bố, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ giảm, trong khi báo cáo khác cho thấy, giá nhập khẩu của Mỹ giảm trong tháng trước. Những dữ liệu củng cố thêm khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới.

Tuy nhiên, sau đó, với sự trở lại của cổ phiếu Apple và nhóm cổ phiếu công nghệ sinh học đã giúp phố Wall bật tăng trở lại và duy trì sắc xanh cho đến hết phiên. Dù không lấy lại được những gì đã mất, nhưng các chỉ số chính của phố Wall cũng bù đắp được phân nửa thiệt hại trong phiên trước đó.

Trong đó, cổ phiếu Apple tăng 2,2% sau khi giảm 1,5% trong ngày thứ Tư khi đại gia công nghệ này ra mắt sản phẩm mới.

Kết thúc phiên 10/9, chỉ số Dow Jones tăng 76,83 điểm (+0,47%), lên 16.330,40 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 10,25 điểm (+0,53%), lên 1.952,29 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 39,72 điểm (+0,84%), lên 4.796,25 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu đã quay đầu giảm điểm hôm thứ Năm sau 3 phiên tăng liên tiếp trước đó do sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu các công ty có làm ăn với Brazil khi quốc gia Nam Mỹ này bị Standard & Poor’s hạ xếp hạng tín dụng xuống mức “rác”.

Bên cạnh đó, sau khi tăng 2 phiên nhờ thông tin giảm nguồn cung, nhóm cổ phiếu khai thác mỏ đã giảm mạnh trở lại khi chịu mối lo tăng trưởng chậm lại kinh tế của Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới.

Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc đã giảm mức nhanh nhất trong 6 năm trong tháng 8 do giá cả hàng hóa giảm và nhu cầu yếu. Chỉ số giá sản xuất giảm 5,9% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm trước, tháng sụt giảm thứ 42 liên tiếp.

Kết thúc phiên 10/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 73,2 (-1,18%), xuống 6.155,81 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 92,68 điểm (-0,9%), xuống 10.210,44 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 68,06 điểm (-1,46%), xuống 4.596,53 điểm.

Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán châu Á cũng đồng loạt đảo chiều sau những phiên tăng mạnh trước đó, đặc biệt là phiên khởi sắc hôm thứ Tư. Hoạt động chốt lời khiến chứng khoán Nhật Bản, Hồng Kông giảm hơn 2,5%, chứng khoán Trung Quốc cũng mất 1,4% trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 10/9, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 470,89 điểm (-2,51%), xuống 18.299,62 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 568,81 điểm (-2,57%), xuống 21.562,50 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 45,2 điểm (-1,39%), xuống 3.197,89 điểm.

Trên thị trường vàng, việc giá kim loại quý này giảm xuống mức thấp nhất 4 tuần đã kích thích lực cầu bắt đáy, dù còn thận trọng, qua đó giúp giá vàng hồi phục trở lại. Các yếu tố bên ngoài cũng giúp giá vàng hồi phục như đồng USD giảm và giá dầu tăng mạnh trở lại. Tuy nhiên, khả năng Fed tăng lãi suất lại gia tăng sau khi dữ liệu thất nghiệp vừa được công bố thêm sự chắc chắn trong thị trường lao động khiến vàng không thể tăng mạnh.

Kết thúc phiên 10/9, giá vàng giao ngay tăng 5,1 USD (+0,46), lên 1.110,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 7,3 USD (+0,66%), lên 1.109,3 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu thô đã hồi phục, lấy lại được gần hết những gì đã mất trong phiên trước đo khi nhu cầu xăng của Mỹ gia tăng, làm lu mờ thông tin kho dự trữ dầu gia tăng.

Kết thúc phiên 10/9, giá dầu thô Mỹ tăng 1,77 USD/thùng (+3,85%), lên 45,92 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,31 USD (+2,68%), lên 48,89 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục