Kết thúc phiên 7/1, Dow Jones tăng 105,84 điểm (+0,64%), lên 16.530,94 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 11,11 điểm (+0,61%), lên 1.837,88 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 39,50 điểm (+0,96%), lên 4.153,18 điểm.
Không chỉ chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng hứng khởi với dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ và Đức và được công bố.
Ngoài dữ liệu kinh tế của đầu tàu Đức, đà phục hồi của kinh tế châu Âu còn được củng cố khi các nền kinh tế phía Nam đang có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ, đặc biệt là Tây Ban Nha. Theo dữ liệu vừa công bố, lĩnh vực dịch vụ của quốc gia này tăng với tốc độ cao nhất 6,5 năm trong tháng 12 vừa qua. Dữ liệu này giúp chứng khoán Tây Ban Nha tăng mạnh mẽ 2,9% với thanh khoản gấp hai lần trung bình phiên.
Tín hiệu tích cực từ miền Nam đã lan nhanh sang các thị trường chứng khoán khác của châu Âu, đem mầm xanh rải đều trên khắp chứng khoán của lục địa già.
Kết thúc phiên 7/1, FTSE 100 của Anh tăng 24,72 điểm (+0,37%), lên 6.755,45 điểm. Chỉ số DAX của Đức tăng 78,20 điểm (+0,83%), lên 9.506,20 điểm. Chỉ số CAC40 của Pháp tăng 35,14 điểm (+0,83%), lên 4.262,68 điểm.
Chứng khoán tăng điểm đã hút dòng tiền từ kênh đầu tư vàng, khiến kim loại quý này giảm trong phiên 7/1. Kết thúc phiên 7/1, giá vàng giao ngay trên sàn New York giảm 6,00 USD/ounce (-0,49%), xuống 1.231,80 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2/2014 giảm 8,4 USD (-0,68%), xuống 1.229,6 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu đã có phiên hồi phục trở lại, trong đó giá dầu thô chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp, còn dầu Brent chấm dứt chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp. Kết thúc phiên 7/1, giá dầu thô tại thị trường New York tăng 0,24 USD (+0,26%), lên 93,67 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 0,72 USD (+0,67%), xuống 107,45 USD/thùng.
Trước đó, chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản vẫn giảm nhẹ dù có khởi đầu khá tốt. Nikkei giảm điểm khi nhà đầu tư lo lắng về sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ, bởi trước đó, dữ liệu hôm 6/1 cho thấy tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chậm lại trong tháng 12.
Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông phục hồi trở lại sau 2 phiên lao dốc và xuống mức thấp nhất 5 tháng. Chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc hồi phục nhờ các cổ phiếu xuất khẩu và bán lẻ.
Kết thúc phiên 7/1, chỉ số Nikkei 225 trên TTCK Nhật Bản giảm 94,51 điểm (-0,59%), xuống 15.814,37 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 28,63 điểm (+0,13%), lên 22.718,78 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 1,61 điểm (+0,08%), lên 2.047,32 điểm.