Phó thủ tướng yêu cầu rà soát lại dự thảo quản lý Grab, FastGo

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, dự thảo Nghị định 86 mới nhất chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra, một số chưa phù hợp pháp luật hiện hành.
Ảnh Internet. Ảnh Internet.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa chủ trì buổi họp rà soát dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh vận tải bằng ôtô (Nghị định 86) cùng các lãnh đạo Bộ Giao thông, Tài chính, Công thương, Thông tin Truyền thông và các đơn vị liên quan.

Sau khi nghe Bộ Giao thông báo cáo tình hình xây dựng, trình dự thảo Nghị định 86 lần thứ 7, Phó thủ tướng kết luận, nội dung dự thảo vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, một số nội dung chưa phù hợp với pháp luật hiện hành, điển hình Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao dịch điện tử...

"Để đảm bảo tính khả thi khi nghị định được ban hành, yêu cầu Bộ Giao thông tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, rà soát kỹ nội dung dự thảo trên tinh thần phù hợp với các luật có liên quan", ông Trịnh Đình Dũng chỉ đạo.

Theo Phó thủ tướng, nội dung dự thảo cũng phải đảm bảo các nguyên tắc như: đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông, khuyến khích các thành phần kinh tế, loại hình kinh doanh vận tải ứng dụng khoa học công nghệ; loại bỏ các nội dung gây cản trở tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh vận tải, cũng như làm triệt tiêu các mô hình đổi mới sáng tạo.

Với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô dưới 9 chỗ, Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu kỹ 2 phương án (xe taxi, xe hợp đồng) đã được các thành viên Chính phủ biểu quyết.

Đồng thời, Bộ Giao thông nghiên cứu ý kiến các Bộ trưởng Thông tin Truyền thông, Khoa học Công nghệ... đề xuất thêm phương án phù hợp để báo cáo Chính phủ trước 15/4.

Trong báo cáo trình Chính phủ về xây dựng dự thảo Nghị định 86 gần nhất, Bộ Giao thông đề xuất chọn phương án quản lý xe kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ như Grab, FastGo mà ứng dụng hợp đồng điện tử là xe taxi.

Cơ quan này cho rằng, quy định là xe taxi hiện còn có những hạn chế (bao gồm cả việc chưa phù hợp với một số luật) nhưng đáp ứng được việc không triệt tiêu ứng dụng khoa học công nghệ theo chủ trương của Chính phủ, tạo thuận lợi cho công tác quản lý.

Tuy nhiên, chỉ có 8 trên 26 thành viên Chính phủ đồng ý với phương án này, trong khi 15 thành viên chọn phương án quản lý là xe hợp đồng.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục