“Thúc đẩy cả khu vực FDI và khu vực kinh tế tư nhân trong nước, đồng thời có chính sách kết nối thành công hai khu vực này”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã cam kết với các doanh nghiệp tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2017.
Trước đó, có khá nhiều ý kiến lo ngại về sự lệch pha trong tộc độ phát triển của khu vực doanh nghiệp FDI và khu vực doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là lý do khiến doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ngày càng khó khăn trong tiếp cận chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Phó thủ tướng Vương Đinh Huệ khẳng định, mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là thúc đẩy cả doanh nghiệp FDI và khu vực tư nhân trong nước cùng lớn mạnh.
“Chính phủ sẽ đẩy mạnh thu hút FDI, nhưng có chọn lọc”, Phó thủ tướng khẳng định.
Cụ thể, Việt Nam sẽ ưu tiên các doanh nghiệp FDI phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam, ưu tiên các doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, có quản trị tốt, có thị trường...
Đặc biệt, Chính phủ sẽ nghiên cứu cơ chế ưu tiên hơn cho các doanh nghiệp FDI sẵn sàng kết nối với doanh nghiệp trong nước.
“Chính sách của Chính phủ sẽ làm cho hai khu vực kinh tế cùng mạnh lên, phát triển đồng đều, để nền kinh tế mạnh lên”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông cho rằng, các kiến nghị giải pháp để thúc đẩy mối liên kết này còn quá ít, cho dù mục tiêu của VBF giữa kỳ năm nay là tăng cường liên kết khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực trong nước.
“Chúng tôi mong có nhiều kế hoạch cụ thể, như kế hoạch VCCI sẽ làm với Hiệp hội thương gia Đài Loan để thúc đẩy kết nối trong các ngành nghề, lĩnh vực cụ thể”, Phó thủ tướng yêu cầu.
Phó thủ tướng cho rằng, khi Chính phủ Việt Nam đã coi thành công của FDI là thành công của mình, thì cũng mong các doanh nghiệp FDI coi thành công của doanh nghiệp Việt Nam là thành công của các doanh nghiệp FDI.
Về phía Chính phủ, Phó thủ tướng cam kết tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ, tăng cường năng lực nội tại, từng bước giảm khoảng cách và tăng khả năng hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp trong nước từ các tập đoàn đa quốc gia như hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ….
“Sau Diễn đàn này, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan có kế hoạch triển khai những nội dung trong các nhóm vấn đề đã thảo luận, trước hết là hoàn thiện thể chế, chấn chỉnh một số việc bất cập, tồn tại kéo dài với tinh thần là luật pháp phù hợp với thông lệ quốc tế và cơ chế thị trường”, Phó thủ tướng giao việc ngay tại VBF giữa kỳ năm 2017.