Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Vấn đề lớn nhất hiện nay là giảm các ca F0 nặng

0:00 / 0:00
0:00
Đây là một trong những ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với TP.HCM về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

930.000 liều vắc-xin sẽ được tiêm trong đợt 5

Chiều 20/7, đoàn công tác trung ương do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Báo cáo tại buổi họp về kế hoạch tiêm vắc-xin đợt 5 của TP.HCM, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, tổng số lượng vắc-xin được phân bổ đợt này là hơn 930.000 liều gồm 03 loại vắc xin: Astrazeneca, Moderna (235.000 liều) và Pfizer (gần 55.000 liều).

Ngoài các điểm tiêm tại các quận - huyện và TP.Thủ Đức, Thành phố cũng triển khai tiêm vắc-xin tại Bệnh viện Tri Phương, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin tại buổi họp

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin tại buổi họp

Theo ông Đức, mỗi phường/xã sẽ tổ chức ít nhất 2 điểm tiêm; tại các điểm tiêm đều bố trí các tổ cấp cứu túc trực để đảm bảo xử lý kịp thời mọi tình huống xảy ra. Tại nơi phong tỏa sẽ không tổ chức tiêm nhưng ngay khi gỡ phong tỏa sẽ lập tức tổ chức tiêm cho người dân.

Toàn Thành phố sẽ vận hành 615 điểm tiêm, với 120 người/ngày/điểm tiêm. Tùy theo tình hình ổn định sẽ tăng số lượng lên 200 người/điểm tiêm/ngày. Nếu tiến độ đảm bảo thì khoảng trong 2 tuần, TP.HCM sẽ tiêm xong 930.000 liều.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng thông tin, chiều nay (20/7) vắc-xin đã được chuyển đến Trung tâm y tế các quận, huyện, TP.Thủ Đức. Trong 1-2 ngày tới, TP.HCM sẽ bắt đầu tổ chức tiêm vắc xin đợt 5. Ngoài số lượng vắc-xin được Bộ Y tế phân bổ cho TP.HCM, Thành phố cũng đang nỗ lực tìm các nguồn vắc-xin để đàm phán mua.

Đối tượng được tiêm vắc-xin trong đợt này ưu tiên cho những người người mắc các bệnh nền (bệnh thận mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường); người trên 65 tuổi; người thuộc diện chính sách và có công và đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế; người làm việc trong cơ sở y tế, ngành y tế; người tham gia trực tiếp phòng chống dịch (thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, người làm việc ở khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, tổ Covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...).

“Hiện nay, số lượng đối tượng ưu tiên tiêm của Thành phố nhiều hơn so với số lượng vắc xin được phân bổ trong đợt này. Vì vậy, đề xuất Chính phủ và Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ cho TP.HCM trong tháng 8 thêm khoảng 5 triệu liều, để đến hết tháng 9/2021 có khoảng 50% người dân TP.HCM được tiêm mũi 1”, ông Đức nói.

Chia sẻ thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, chiến dịch tiêm chủng đợt 4 của TP.HCM đã hoàn thành, đợt 5 có nhiều loại vắc xin. Vì vậy, Thành phố cần cân nhắc khi tiêm trộn hay thống nhất 1 loại vắc xin. Bộ y tế cho rằng, giai đoạn này nên tập trung vào đối tượng, không nên tập trung vào vùng tiêm chủng. “Vùng đỏ” chưa nên tiêm mà nên bảo vệ các “vùng xanh” trước nhằm đảm bảo miễn dịch cho nhân dân.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, người dân không nên so sánh các loại vắc-xin. Vì chất lượng tất cả như nhau, được Tổ chức y tế thế giới và Bộ Y tế đánh giá đều có hiệu quả. Việc phân bổ vắc-xin gì cho đối tượng nào phải căn cứ theo khuyến cáo của loại vắc-xin đó. Có loại dùng cho người già, nhưng có loại dùng cho người trẻ…

Đồng quan điểm, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng lưu ý, các Sở - ngành, quận – huyện, các lực lượng liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và không nên nặng nề về việc được tiêm loại vắc-xin gì.

“Chính phủ đã cố gắng mua vắc-xin và ưu tiên hỗ trợ TP.HCM, chúng ta không nên so sánh, lựa chọn. Trên tổng số lượng vắc-xin được phân bổ, ngành y tế sẽ tổ chức tiêm cho từng đối tượng với loại vắc xin phù hợp”, ông Nên nói.

Tiếp tục bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, thực tiễn ở TP.HCM là chuyện "chưa từng gặp". Dù Việt Nam đã qua nhiều đợt dập dịch, có lúc dịch vào khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh, nhưng không thể so được với TP.HCM, bởi điều kiện kinh tế xã hội, quy mô dân số rất khác nhau.

Đến giờ, tình hình dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp, trong những ngày tới đây số ca nhiễm vẫn sẽ còn lớn. Do đó, Thành phố phải tiếp tục bóc F0 ra khỏi cộng đồng để không bị lây nhiễm tiếp. Bởi biến chủng lần này khi đã diễn biến nặng thì diễn biến rất nhanh, nếu không bóc ra khỏi cộng đồng, đưa vào các trung tâm theo dõi thì nguy cơ tử vong rất lớn. Thành phố phải chuẩn bị một lượng các trung tâm thu dung F0 rất lớn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng vấn đề lớn nhất hiện nay là giảm các ca F0 nặng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng vấn đề lớn nhất hiện nay là giảm các ca F0 nặng

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, TP.HCM phải lưu ý việc "đã giãn cách thì phải nghiêm ngặt". Mặc dù địa bàn rộng, rất khó kiểm soát nhưng Thành phố phải tính toán các biện pháp siết chặt hơn, tính toán phương án ở một số địa bàn đặc thù thì có thể tiến tới áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn. Cách ly nghiêm ngặt là biện pháp làm chậm sự lây lan. Do vậy, vấn đề lớn nhất của TP.HCM trong thời gian tới là phải làm sao để giảm tỉ lệ F0 có diễn biến thành nặng đến rất nặng.

"TP.HCM vừa rồi đã làm rất nỗ lực các trung tâm thu dung và điều trị ban đầu. Chúng ta có sáng kiến này rất tốt, giải quyết các thủ tục rất nhanh, để mở rộng rất nhanh các khu này, và trang bị hệ thống oxy tập trung rất tốt. Những người bắt đầu có triệu chứng cho thở oxy ngay thì tỉ lệ chuyển biến rất nặng, tử vong giảm rất đáng kể", Phó Thủ tướng nói

Phó Thủ tướng cho biết thêm, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương có chính sách mua sắm đặc biệt các vật tư y tế. Tạo điều kiện tối đa trang thiết bị cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là trung tâm điều trị, cấp cứu IPU, các khu điều trị nặng trên địa bàn. Đối với các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch đang làm việc với tất cả nhiệt huyết, phải được tạo điều kiện tối đa; dứt khoát không để thiếu các đồ bảo hộ đảm bảo an toàn cho lực lượng y tế.

Về cách ly, tiếp tục mở rộng biện pháp cách ly tại gia đình. Mục đích cách ly để dịch không lây lan. Nhưng nếu giãn cách theo Chỉ thị 16 triệt để cũng là 1 dạng cách ly. Từ thực tiễn sẽ tiếp tục điều chỉnh. Trên toàn địa bàn Thành phố, phải tính đơn vị bằng tháng mới có thể quay lại cuộc sống như trước kia.

Liên quan đến vắc-xin, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đây là giải pháp căn cơ để kiểm soát, phòng dịch Covid-19 hiệu quả và cũng là mối quan tâm nhất hiện nay. Tuy nhiên, quá trình đàm phán để mua vắc-xin rất dài, đã được thực hiện từ tháng 8/2020 với rất nhiều hãng sản xuất. Theo hợp đồng đã ký, cuối năm 2021 Việt Nam có đủ lượng vắc xin tiêm cho 70% người dân, tạo miễn dịch cộng đồng.

“Từ nay đến tháng 8/2021 chưa có lượng vắc xin về nhiều nhưng Chính phủ và Bộ Y tế sẽ tiếp tục ưu tiên lớn nhất cho TP.HCM với mong muốn TP.HCM sớm vượt qua khó khăn, dịch bệnh”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Việt Dũng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục