Lắm đầu mối, không ai chịu trách nhiệm
Đây là cuộc họp cuối của ông Thăng và một số thành viên Chính phủ khác trên cương vị thành viên Chính phủ, bởi Quốc hội sắp bầu Chính phủ nhiệm kỳ mới.
“Tôi đề nghị Chính phủ cho phép TP.HCM thành lập một cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố, biên chế không tăng thêm, để tạo chuyển biến rõ nét về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố. Tập trung một đầu mối thôi, chứ nhiều đầu mối như hiện nay, hỏi ai cũng nói đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, nhưng chẳng ai chịu trách nhiệm…”, ông Thăng đề xuất.
Cùng với cơ cấu lại bộ máy, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM đề xuất cần tăng cường chế tài xử lý, để tạo chuyển biến trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Không nên sử dụng tiền thu được từ xử phạt các trường hợp vi phạm để đưa vào cân đối ngân sách, mà nên sử dụng để đầu tư cho các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm.
“Cần xử rất nặng các trường hợp vi phạm, không thể nói kiểm soát tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng người dân cứ phải ăn bẩn…”, ông Thăng thẳng thắn.
Chia sẻ bức xúc với ông Thăng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhìn nhận, an toàn vệ sinh thực phẩm liên quan đến tính mạng, sức khỏe của toàn dân. Gần đây dân có nhiều bức xúc không chỉ liên quan đến thực thi pháp luật, mà còn là tình trạng xuống cấp của đạo đức xã hội.
“Như tôi đã phát biểu trước Quốc hội, hệ thống luật pháp hiện cơ bản là đầy đủ và tiến bộ, có vướng thì chỉ ở tầm thông tư. Hiện trách nhiệm của các bộ, ngành đã rõ ràng. Tôi không thích nói về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan, chỉ cần các bộ, ngành làm đúng chức năng của mình, thì khi đó sẽ xuất hiện sự phối hợp một cách tự nhiên. Phải khắc phục tình trạng đổ lỗi cho nhau…”, ông Đam thẳng thắn.
Giải đáp đề xuất của Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Đam khẳng định, các bộ chỉ ban hành chính sách, tiến hành thanh, kiểm tra, còn việc tổ chức thực hiện các quy định về kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm là do các tỉnh, thành phố đảm đương. Do đó, đề xuất của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nằm trong thẩm quyền của Thành phố. Việc sử dụng cơ quan chuyên môn nào thực thi nhiệm vụ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là toàn quyền của Chủ tịch UBND Thành phố, không có vướng mắc gì.
“Phải làm thật, nói nhiều rồi…”
“Vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề phải làm liên tục, không nên làm theo từng đợt kiểu chiến dịch, mà phải làm thật, phải cương quyết. Vừa rồi tôi chỉ đạo phải kiên quyết xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định...”, ông Đam nói và cho biết thêm, chưa nói đến xử lý hình sự, cần quyết liệt áp dụng các hình thức khác để xử lý nghiêm vi phạm. Đề nghị các bộ phải kiểm điểm sâu sắc trách nhiệm của cá nhân, tổ chức ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa chuẩn, kiểm tra chưa chặt chẽ để làm gương.
Báo cáo của Bộ trưởng Cao Đức Phát và Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói với dân rằng chỉ còn một tỷ lệ thực phẩm bẩn, nhưng bằng mắt thường thì làm sao dân phân biệt được loại nào bẩn, loại nào sạch?
Ông Đam đặt câu hỏi và nói: “Tôi rất bức xúc chuyện này. Vừa rồi tôi xuống họp với Hà Nội, ra chợ kiểm tra, dân không biết thực phẩm nào bẩn, loại nào sạch. Dân muốn là người tiêu dùng thông thái cũng khó…”.
Để khắc phục tình trạng trên, Phó Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng phải vào cuộc để có các công cụ kiểm nghiệm, đo lường để gián nhãn cho các loại thực phẩm an toàn, thì dân mới tin. Cùng với đó phải có giải pháp vận động toàn xã hội nhận thức được tình trạng rất nghiêm trọng của tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Đừng ích kỷ, hại người.
“Để thực sự tạo chuyển biến về cải thiện chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đã đến lực phải làm thật, nói nhiều rồi. Tôi mong muốn Chính phủ có chuyên đề về vấn đề này theo hướng như Bí thư Thành ủy TP.HCM đề xuất là tăng tính chủ động cho các địa phương…”, ông Đam chốt lại.