Ngày 31/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, biến đổi khí hậu, suy thoái hệ sinh thái tự nhiên, đại dịch Covid-19 đã trở thành “khủng hoảng kép”, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, sản xuất kinh doanh trên phạm vi toàn cầu.
Nguyên nhân của “khủng hoảng kép” nêu trên xuất phát từ mô hình phát triển thiếu bền vững kéo dài hàng thế kỷ của nhân loại, làm suy thoái các hệ sinh thái tự nhiên, làm cho khí hậu biến đổi nhanh với cường độ cao.
Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, giải quyết, chuyển hóa các thách thức an ninh phi truyền thống về môi trường, khí hậu đã trở thành những chủ đề được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội tham gia thảo luận tích cực cùng với nguyên thủ quốc gia tại các diễn đàn, Hội nghị toàn cầu.
“Chưa bao giờ môi trường, khí hậu được đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự của các cấp từ Liên Hợp Quốc cho đến nguyên thủ quốc gia các nước như trong năm 2021. Khẩu hiệu “Cùng hành động vì Trái Đất”, “Đoàn kết ứng phó với biến đổi khí hậu”, đã trở thành lời hiệu triệu mạnh mẽ trên khắp toàn cầu”, người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường nêu.
Đặc biệt, Việt Nam đã đưa ra những cam kết hành động mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải khí mê-tan, tham gia nhiều sáng kiến rất quan trọng về môi trường và khí hậu tại COP26.
Về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị toàn ngành quán triệt sâu sắc phương châm “Kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới, hội nhập, hiệu quả”;
Quyết tâm triển khai các trọng tâm như, đi đầu trong chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ để tham gia giải quyết những vấn đề cấp bách toàn cầu như phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, suy thoái đất đai lưu trữ các-bon, góp phần vào thực hiện mục tiêu trung hòa các-bon.
Bên cạnh đó, ngành cần cải cách, đổi mới mạnh mẽ về thể chế, nhất là sửa đổi Luật Đất đai theo tiêu chí cao nhất về tính minh bạch trong tiếp cận thông tin, chia sẻ lợi ích từ nguồn lợi tài nguyên.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, thực thi công vụ, xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, đi đôi với tạo lập môi trường đổi mới sáng tạo.
Chủ động, tích cực trong ngoại giao môi trường, tài nguyên, khí hậu; thúc đẩy hợp tác, chia sẻ, tiếp thu tri thức, kinh nghiệm, khoa học, công nghệ tiên tiến trong quản trị tài nguyên và môi trường.
|
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hoàng Minh |
Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong thập kỷ phát triển bền vững; triển khai các giải pháp đột phá nhằm tận dụng các cơ hội hỗ trợ về tài chính, công nghệ, đón đầu dòng vốn đầu tư vào hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi mô hình phát triển và chuyển đổi năng lượng.
Về phía Chính phủ, phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao kết quả mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đạt được trong năm 2021.
Cụ thể, năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021).
Đây là quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng, làm cơ sở để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 trên tất cả các lĩnh vực.
Công tác thu hồi đất, giao đất được thực hiện kịp thời đã góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ dự án của các doanh nghiệp, các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Tổng thu ngân sách từ đất đai năm 2021 đạt trên 172.000 tỷ đồng, chiếm trên 15% tổng thu ngân sách.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra các dự án, thanh tra kiểm tra việc quản lý sử dụng đất đã tiến hành thu hồi 7.700 ha đất, giúp các địa phương khắc phục tình trạng dự án treo, một số dự án sử dụng sai mục đích.
Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Tài nguyên Môi trường đã quan tâm tới việc quản lý và khai thác không gian biển, vùng bờ để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Bộ đã trình, được Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên Môi trường biển và hải đảo năm 2015, Chiến lược phát triển kinh tế biển năm 2018, trình Chính phủ ban hành nhiều nghị định quy định về quản lý biển, vùng bờ, quản lý môi trường biển.
Trên cơ sở đó đã tạo điều kiện thuận lợi các ngành, các địa phương phát triển kinh tế biển. 28 tỉnh, thành phố ven biển trong giai đoạn vừa qua đều khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của biển, một số địa phương đã trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai năm 2021 bảo đảm kịp thời, chính xác, sát với diễn biến tình hình thiên tai đã giúp cho công tác phòng chống thiên tai được thực hiện có hiệu quả.
Nhờ đó, năm 2021, số người chết giảm hơn 200 người và thiệt hại kinh tế giảm gần 40.000 tỷ đồng so với năm 2020.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành tài nguyên và môi trường cũng còn một số tồn tại, hạn chế do vậy Phó Thủ tướng đề nghị ngành tài nguyên và môi trường cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để khắc phục có hiệu quả trong thời gian tới, nhất là một số tồn tại hạn chế liên quan tới quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, thủ tục hành chính.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị xây dựng Đề án sửa đổi Luật Đất đai dự kiến trình Quốc hội trong năm 2022.
|
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao kết quả mà ngành Tài nguyên và Môi trường đạt được trong năm 2021. Ảnh: V.Chung |
Theo Phó Thủ tướng, đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Nội dung Luật Đất đai được sửa đổi liên quan đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, giá đất và vấn đề giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất hiện đang gặp nhiều vướng mắc.
Các quy định pháp luật mới về đất đai sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt này, tạo ra nguồn lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, Bộ cần tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025.
Trên cơ sở phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 2021-2025 của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần hướng dẫn, giải thích cho các bộ, ngành, địa phương về tiêu chí, tiêu chuẩn, các quy định sử dụng đất bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng quy định pháp luật và tạo điều kiện tối đa cho các địa phương.
Đề cập các tới dự án sử dụng đất hiện nay, Phó Thủ tướng cho rằng, hiện nay số lượng dự án tồn đọng cần xử lý ở các địa phương rất lớn. Các dự án treo, dự án sử dụng đất sai mục đích còn nhiều, trong đó nhiều dự án chiếm vị trí đất lợi thế, đắc địa nhưng hiện nay chưa tháo gỡ được.
Phó Thủ tướng đề nghị năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát kỹ, phân nhóm dự án, dự án vi phạm pháp luật thì xử lý nghiêm minh đúng quy định, tránh tình trạng vụ việc kéo dài, khắc phục không được, khiến hàng ngàn ha đất ở các khu đô thị để chờ hàng chục năm, lãng phí rất lớn.
"Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đẩy mạnh công tác điều tra đánh giá trữ lượng khoáng sản, nhất là khoáng sản chiến lược, quan trọng trên biển và đất liền; trước mắt trong năm 2022 phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải khảo sát, đánh giá trữ lượng khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng phục vụ cho xây dựng các tuyến cao tốc", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Quyết định số 2652/QĐ-BTNMT ngày 31-12-2021 công bố 9 sự kiện nổi bật ngành tài nguyên và môi trường năm 2021:
1. Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; là chủ đề quan trọng tại các Chương trình Nghị sự cấp cao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
2. Việt Nam cam kết hành động mạnh mẽ tại COP26.
3. Quốc hội thông qua Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).
4. Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ thị về công tác khí tượng thuỷ văn.
5. Tài nguyên nước được quản lý theo quy hoạch tổng hợp.
6. Đổi mới, tăng cường và hội nhập quốc tế để phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
7. Thu nhận tín hiệu vệ tinh SPOT 6/7 độ phân giải cao, đáp ứng nhu cầu quản lý tài nguyên môi trường và các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội.
8. UNESCO công nhận 2 khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa và Kon Hà Nừng được gia nhập mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới.
9. Cần Thơ đoạt giải thưởng “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”; nhiều cá nhân đoạt giải thưởng quốc tế lĩnh vực tài nguyên và môi trường.