Phát huy tối đa nguồn lực từ đất đai sẽ là “trợ lực” lớn cho phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đất đai hội tụ nhiều cái nhất: phức tạp nhất, nhiều khiếu nại, tố cáo nhất và tham nhũng lớn nhất, do đó, phát hiện vướng mắc và sửa đổi quy định về đầu tư, quản lý đất đai là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian sắp tới.

Tài nguyên đất đai là “vàng” là “bạc”, nhưng lãng phí phổ biến

Là một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất ngay từ những phiên thảo luận đầu tiên, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được các đại biểu quốc hội quan tâm hàng đầu, đặc biệt là vấn đề về đất đai.

Đất đai là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, thế nhưng, tình trạng lãng phí đất vẫn đang diễn ra phổ biến trong cả nước. Ở những nơi "tấc đất tấc vàng" như Hà Nội và TP.HCM, vẫn có những khu đất bỏ hoang hàng chục năm. Hàng trăm dự án nhà ở, phát triển đô thị tại Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hòa Bình, Vĩnh Phúc..., đang bị bỏ hoang. Tình trạng đất đai, trụ sở làm việc của các doanh nghiệp, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp bị sử dụng lãng phí, sai mục đích, thậm chí bỏ trống, địa phương nào cũng có.

Có thể nói, nguyên nhân chính của tình trạng đất đai bị bỏ hoang tại các thành phố, khu đô thị lớn là do quy hoạch treo và sử dụng lãng phí quỹ đất. Mặc dù có giảm nhưng từ năm 2013 đến nay, đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai vẫn chiếm trên 60% trong tổng số các đơn thư...

Cũng trong khoảng thời gian này, số lượng thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến đất đai chiếm 75% tổng số các vụ án Toà án Nhân dân Tối cao thụ lý, giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Tài nguyên đất đai là “vàng” là “bạc”

Tài nguyên đất đai là “vàng” là “bạc”

Các vụ án hình sự liên quan đến đất đai diễn ra rất đa dạng, động cơ, mục đích phạm tội rất phức tạp. Có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều tổ chức, nhiều người, trong đó có cả cán bộ có chức vụ cao, gây thiệt hại lớn đối với tài sản của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức và niềm tin của xã hội đối với Đảng và Nhà nước.

Báo cáo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày trước các đại biểu Quốc hội vừa qua cho thấy, chỉ tính riêng năm 2020, Chính phủ đã phải xử lý thu hồi, yêu cầu đưa vào sử dụng gần 100.000 ha đất của các dự án chậm triển khai. Trong đó, đã thu hồi, hủy bỏ hơn 1.500 dự án, với diện tích gần 30.000 ha đất.

Tính riêng ở Hà Nội, theo ghi nhận của Báo Đầu tư chứng khoán, tới nay vẫn có cả nghìn dự án treo, có những dự án trễ tiến độ tới 10 - 20 năm, thậm chí 30 năm, nhưng vì vô vàn lý do mà vẫn chưa thể thu hồi… Trong đó, tại nhiều quận, huyện như Mê Linh, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… nhiều dự án được cấp phép từ những năm 2003, 2004, nhưng tới nay vẫn chưa triển khai.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn đại biểu Hà Nội, lãng phí tài nguyên, đặc biệt các tài nguyên về đất đai gây nguy hại hơn nhiều so với tham nhũng. Mặc dù Nghị quyết của Đảng khẳng định, chống cả tham nhũng và lãng phí, nhưng trong nhận thức của nhiều người vẫn xem nhẹ tính chất nguy hại của hành vi lãng phí, chỉ coi nó như tồn tại, hạn chế, khuyết điểm.

Hoàn thiện hành lang pháp lý là biện pháp để giải quyết lãng phí nguồn lực từ đất đai

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, hiện diện tích đất chưa sử dụng trên cả nước là 2.060.393 ha, trong đó diện tích đất bằng chưa sử dụng là 212.150 ha; diện tích đất đồi núi chưa sử dụng là 1.679.784 ha và diện tích núi đá không có rừng cây là 168.459 ha. Một diện tích đất chưa được thống kê đầy đủ là đất hoang hóa - phần diện tích đất đã được sử dụng theo một mục đích nhất định nhưng hiện tại bị bỏ hoang không sử dụng theo mục đích đã được giao đất, cho thuê đất.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đây là một nguồn lực rất lớn, cần có những giải pháp để khắc phục, từ đó phát huy hiệu quả tối đa, góp phần gia tăng nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Để đảm bảo tính khả thi của Luật Quy hoạch 2017, Quốc hội đã ban hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan về quy hoạch năm 2018, bao gồm cả Luật Đất đai 2013, trong đó đã điều chỉnh một phần, nhưng vẫn chưa thực sự đảm bảo được tính đồng bộ, liên kết giữa các văn bản luật.

Cho tới nay, ông Châu cho rằng, quy hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013 chưa thể hiện đầy đủ các không gian quy hoạch, mới tập trung chủ yếu vào việc quy hoạch sử dụng đất đối với không gian bề mặt của đất đai, chưa quy định quy hoạch sử dụng đất đối với không gian bên trên mặt đất.

Ngoài ra, chưa quy định quy hoạch sử dụng đất đối với không gian ngầm (Điều 178, Luật Đất đai 2013 chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế được thuê đất để xây dựng công trình ngầm); chưa quy định quy hoạch sử dụng đất theo tuyến, ví như quy hoạch sử dụng đất các tuyến đường giao thông qua nhiều đơn vị hành chính, nhất là đường giao thông liên tỉnh.

Bên cạnh đó, khoản 5, Điều 40, Luật Đất đai 2013 quy định, đối với quận đã có quy hoạch đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì không lập quy hoạch sử dụng đất nhưng phải lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm, đã giới hạn phạm vi quy hoạch sử dụng đất cấp huyện làm cho hệ thống quy hoạch sử dụng đất không còn là một chỉnh thể.

“Quy định này chưa thật chuẩn xác, mà lẽ ra với quan điểm tích hợp, liên kết các loại quy hoạch, tất cả các thông tin quy hoạch trên được tích hợp trong một bản đồ quy hoạch thống nhất. Như vậy, sẽ tiết kiệm được nguồn lực và không trùng lắp trong hoạt động lập quy hoạch của ngành đất đai và ngành xây dựng”, ông Châu nhận định.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, “đất công” là cụm từ rất nhạy cảm khiến nhiều cá nhân, tổ chức rơi vào vòng lao lý khi vướng vào. Chính vì cái “gông” đất công mà nhiều nguồn lực đất đai đã bị lãng phí. Bên sở hữu quyền sử dụng đất công thì không có năng lực, nguồn lực phát triển, để hoang phí tài sản trong một thời gian dài, trong khi người có khả năng làm thì không tiếp cận được do nhiều rào cản pháp lý.

Không khó để tìm thấy nhiều khu đất vàng trong thành phố, các khuôn viên đất rộng, các nhà xưởng lớn... do các đơn vị nhà nước quản lý nhiều năm bị bỏ hoang, xập xệ và khai thác không hiệu quả nhìn vào rất xót xa. Do vậy, việc nghiên cứu quy định giao cho tư nhân quản lý, sử dụng đất công không khai thác hiệu quả là một giải pháp tốt, mang về nguồn thu lớn cho ngân sách và thúc đẩy nguồn lực đất đai phát triển nhanh chóng.

Tại phiên họp ngày 21/7/2020 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến đưa dự án Luật Đất đai sửa đổi vào Chương trình trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) để thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) theo quy trình tại ba kỳ họp.

"Trong quá trình chuẩn bị, nếu chất lượng dự án tốt và tiến độ chuẩn bị nhanh hơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét đẩy nhanh tiến độ thông qua theo quy trình tại hai kỳ họp", Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo Quốc hội.

Trang Ninh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục