Phó thủ tướng: Không để EU 'rút thẻ đỏ' xuất khẩu thủy sản

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc đánh bắt cá trái phép của ngư dân tại các vùng biển quốc tế.
Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương diễn ra trong hai ngày 28 và 29/12. Ảnh: Xuân Tuyến Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương diễn ra trong hai ngày 28 và 29/12. Ảnh: Xuân Tuyến

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 29/12, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho hay, trong năm 2017, ngành nông nghiệp được giao chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng đạt 2,84%, xuất khẩu đạt 32 tỷ USD trở lên. Đây là những chỉ tiêu cao nhất từ trước đến nay.

Trong khi đó, thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai với 16 cơn bão, 4 áp thấp, gấp hai lần so với nhiều năm và không trừ vùng miền nào. 

Nhìn lại sau một năm, xuất khẩu nông sản đã đạt hơn 36 tỷ USD. Trong đó, lần đầu tiên thuỷ sản cán mốc 8,4 tỷ USD, đồ gỗ 8 tỷ USD, rau quả 3,46 tỷ USD.

"Trong năm 2017 đã có hơn 1.900 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 35% tổng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp từ trước đến nay, trong đó 90% là doanh nghiệp trong nước, kể cả tập đoàn kinh tế lớn", ông Cường cho biết.

"Tránh tình trạng tái cấu trúc theo phong trào"

Phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện đề án tái cơ cấu trên cơ sở đánh giá nhu cầu của thị trường, tiềm năng lợi thế gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

“Tái cấu trúc không phải một lần xong rồi là thôi, cần thường xuyên rà soát, cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời cũng phải tránh tình trạng tái cấu trúc theo phong trào”, ông nói.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Phó thủ tướng nói một mặt tập trung tái cấu trúc ngành, mặt khác triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu mà Chính phủ đã ra Nghị quyết.

Ông cũng lưu ý ngành chăn nuôi phải kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc kháng sinh; các địa phương kiểm soát chặt chẽ việc đánh bắt cá trái phép của ngư dân tại các vùng biển quốc tế.

“Hiện EU đã rút thẻ vàng, nếu không cải thiện được tình trạng này, Việt Nam sẽ bị thẻ đỏ, khi đó Việt Nam sẽ không thể xuất khẩu thủy sản vào EU, vốn chiếm khoảng 25% thị phần xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu”, Phó thủ tướng nói.

Đốc thúc các dự án hạ tầng lớn

Về phát triển kết cấu hạ tầng và các dự án trọng điểm, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông rà soát lại để báo cáo tổng hợp các giải pháp phát triển dự án BOT; báo cáo quy hoạch tổng thể, kế hoạch huy động nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải bằng các nguồn lực xã hội hóa.

Đối với tuyến cao tốc Bắc – Nam, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông tập trung thực hiện tốt khâu chuẩn bị đầu tư; các địa phương có tuyến đường đi qua phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để sớm giải phóng mặt bằng với mục tiêu có thể đưa vào sử dụng khoảng 2020-2021.

"Bộ Giao thông phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai sớm hoàn thành việc đền bù giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành; hoàn thiện phương án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất; đẩy nhanh nghiên cứu Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; triển khai đúng tiến độ các dự án đường sắt đô thị đang triển khai …", lãnh đạo Chính phủ nói.

Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra trong hai ngày, 28 và 29/12, nhằm thảo luận những giải pháp triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Vào sáng qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị; cùng tham dự có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Trần Quốc Vượng - thành viên Thường trực Ban bí thư, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra trung ương, ông Phạm Minh Chính - Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ông Võ Văn Thưởng - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương...

Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam thấp

Tại Hội nghị, dẫn báo cáo của Ngân hàng thế giới, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp hạng thứ 11 trong 12 các quốc gia khảo sát.

Đây là lý do khiến năng suất lao động của Việt Nam không cao, trong khi đó là điều kiện tiên quyết cho cạnh tranh quốc tế. Việt Nam đang thiếu lực lượng lao động có thể tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường cho biết, năm 2017, Bộ đã góp phần vào việc đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bảo vệ môi trường, tăng trưởng dựa vào tri thức và không hy sinh môi trường. 

"Ngành Tài nguyên và môi trường năm qua vẫn phải gồng mình để khắc phục các tồn tại, yếu kém từ trước tới nay, đơn cử vấn đề Formosa hay là tác động biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan khốc liệt của thời tiết", ông nói.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục