Theo Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh, cái gì có đi thì mới có đến, nghĩa là những gì hợp lý cho hoạt động của ngân hàng cũng như thị trường thì phải cân nhắc để thực hiện, do đó không nên trì hoãn việc áp dụng các quy định của Thông tư 36.
Trong khi thị trường và nhất là các ngân hàng vẫn kỳ vọng lần này NHNN sẽ lùi thời hạn thực hiện Thông tư 36 như Thông tư 02 trước đó để có thời gian chuẩn bị, nhưng Phó Thống đốc cho rằng, nếu trì hoãn thực hiện các quy định của Thông tư 36 sẽ tạo thành một tiền lệ không hay khi các quy định đưa ra thường có sự trì hoãn thời gian áp dụng so với lộ trình dự kiến lúc đầu. Chính điều này cũng sẽ tạo thói quen cho thị trường, ngân hàng thương mại.
Các ngân hàng không nên quen với việc các chính sách đưa ra lại bàn đến chuyện trì hoãn. Có thể trước mắt, việc áp dụng các quy định mới sẽ ảnh hưởng nhất định đến thị trường, nhất là với chứng khoán.
Tuy nhiên, theo Phó thống đốc Thanh, chính các quy định đó sẽ làm cho TTCK phát triển một cách bền vững bằng nguồn tiền thực, chứ không thể kỳ vọng từ nguồn vốn tín dụng.
“Về nguyên lý thị trường vốn phải đỡ thị trường tiền tệ, không phải thị trường tiền tệ đỡ thị trường vốn. Do đó, việc siết lại nguồn tiền vay chứng khoán là cần thiết để tạo lập sự tăng trưởng bền vững với chứng khoán”, ông Thanh nói.
Cũng theo Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh, việc ban hành Thông tư 36 về các giới hạn đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giúp ngân hàng quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế, ngăn chặn các yếu tố sở hữu chéo, lợi ích, thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, bền vững hơn.