Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lý giải nguyên nhân tín dụng tăng trưởng âm tháng đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 20/2, NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 1/2024 giảm 0,6% so với đầu năm 2023.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN phát biểu tại Hội nghị Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN phát biểu tại Hội nghị

Lý giải nguyên nhân tín dụng tháng đầu năm tăng trưởng âm, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng vẫn gặp khó khăn và giảm so với cuối năm 2023 do khó khăn của nền kinh tế, nhất là cho vay tiêu dùng; cầu tín dụng của nền kinh tế giảm do cầu đầu tư, sản xuất - kinh doanh giảm; một số nhóm khách hàng (nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa) có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý; quy luật mùa vụ…

“Tăng trưởng tín dụng giảm trong bối cảnh giảm chung của nền kinh tế chứ không phải giảm do cơ chế chính sách hay hoạt động cho vay của các ngân hàng”, ông Tú nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm thông tin liên quan đến hoạt động cho vay tại Hội nghị, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank cho biết, ngay từ những ngày đầu năm 2024, Agribank đã tập trung chỉ đạo công tác tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, thay đổi mạnh mẽ tư duy trong quan hệ với khách hàng, đặc biệt trong công tác tín dụng, chủ động tìm kiếm và có chính sách thu hút đối với các khách hàng hoạt động kinh doanh khả thi, có hiệu quả; chủ động tổ chức, tham gia các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai đa dạng các chương trình/sản phẩm tín dụng phù hợp với từng ngành, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, hướng tới xây dựng các sản phẩm tín dụng mang tính đặc thù cho từng địa phương, vùng, miền, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm; khuyến khích khách hàng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, ông Vượng cho biết, Ngân hàng đã cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong quy trình cho vay nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ, tiết giảm tối đa thời gian thẩm định, phê duyệt tín dụng. Tiếp tục có các chính sách hỗ trợ phù hợp về lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng vay gặp khó khăn kéo dài do nguyên nhân khách quan; cấp tín dụng để tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh đối với khách hàng có nợ xấu, nợ cơ cấu nhưng có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi và ngân hàng kiểm soát được quá trình cho vay, thu nợ.

“Kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng đối với các chi nhánh, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, có giải pháp quản lý hiệu quả đối với cho vay nhóm khách hàng liên quan, cho vay liên chi nhánh…”, ông Vượng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Vượng, từ đầu năm 2024, để tạo điều kiện tăng trưởng tín dụng, Agribank đã 2 lần giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,3% - 0,5% và 1 lần giảm lãi suất cho vay ngắn hạn với mức giảm từ 0,5% - 1%. Hiện lãi suất cho vay bình quân của Agribank giảm 0,42%/năm so thời điểm đầu năm 2023 và giảm 0,13% so với thời điểm đầu năm 2024 (phổ biến ở mức 7-9%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 9-9,5%/năm đối với cho vay trung dài hạn).

“Đến tháng 1/2024, dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt gần 1,54 triệu tỷ đồng, giảm 15.000 tỷ đồng, giảm 0,97% so với đầu năm. Dư nợ của Agribank giảm tương đối đồng đều ở tất cả các khu vực. Tuy dư nợ giảm mạnh vào những ngày đầu tháng 1/2024, nhưng đến giữa tháng 1/2024, dư nợ đã tăng trưởng trở lại 7.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tăng trưởng tốt ở một số tỉnh Tây Nam Bộ (Hậu Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Kiên Giang), Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình)…”, ông Vượng nói.

Tổng giám đốc Agribank cho biết, do đặc thù tín dụng của Agribank tập trung phần lớn tại lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, mang tính chất mùa vụ, do đó nhu cầu tín dụng thường tập trung vào các tháng cuối năm để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và vụ đông xuân. Đến quý I, khách hàng thường trả nợ khi có dòng tiền về, đặc biệt là thời điểm tết nguyên đán.

“So với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng tín dụng của Agribank vẫn cao hơn 0,4%, số tuyệt đối cao hơn gần 5.000 tỷ đồng. Doanh số cho vay tháng 1/2024 đạt 206.000 tỷ đồng, cao hơn 66.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, Agribank vẫn đang thực hiện tốt vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế”, ông Vượng nói.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Xung quanh vấn đề tín dụng, ông Trần Long, Phó tổng Giám đốc BIDV thông tin, tổng dư nợ toàn hệ thống BIDV đến 31/1/2024 đạt 1,725 triệu tỷ đồng, giảm 1,25% so với cuối năm 2023. Vốn tín dụng BIDV tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên, 3 động lực phát triển theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN.

Ông Long cho biết, dư nợ cho vay lĩnh vực ưu tiên cuối tháng 1/2024 mặc dù có giảm nhẹ so cuối năm 2023 nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao trên tổng dư nợ. Cụ thể, cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn chiếm 23%, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 18,27%, cho vay công nghiệp hỗ trợ là 6,3%... Đặc biệt, cho vay ứng dụng công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ có sự tăng trưởng dư nợ trong tháng đầu năm 2024 đạt lần lượt tăng 8% và 0,9%.

Liên quan đến dư nợ đối với lĩnh vực xăng dầu tại BIDV tính đến ngày 31/1/2024 ở mức khoảng 2% dư nợ toàn hệ thống, giảm 7,8% so với 31/12/2023. Lĩnh vực BT, BOT giao thông cũng tính đến 31/1/2024, tại BIDV còn 32 dự án vay với chiếm hơn 1% tổng dư nợ toàn hệ thống.

Dư nợ lĩnh vực bất động sản tại BIDV đến 31/1/2024 dưới 20% tổng dư nợ, trong đó tập trung chủ yếu tín dụng tiêu dùng bất động sản chiếm 77,3% tổng dư nợ bất động sản. Dư nợ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chiếm 22,7% tổng dư nợ, chủ yếu tập trung vào các dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị...

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục