Phở Hà Nội trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2328/QĐ-BVHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia món phở Hà Nội.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã trình hồ sơ đề nghị ghi danh tri thức dân gian phở Hà Nội vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo hồ sơ TP. Hà Nội đề xuất, chủ thể của món phở là những cá nhân, gia đình trực tiếp thực hành và nắm giữ những tri thức, kỹ năng, kỹ thuật, bí quyết chế biến phở; được trao truyền qua nhiều thế hệ thể hiện yếu tố tiếp nối bản sắc và thương hiệu được ghi nhận.
Tính đến năm 2023, Hà Nội có gần 700 cửa hàng phở, tập trung chủ yếu trên địa bàn các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Long Biên.
Những thương hiệu phở gia truyền (có hơn 2 đời làm phở) thường chỉ chuyên bán phở bò hoặc phở gà tập trung chủ yếu trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng.
Nhiều sử liệu ghi chép lại món “phở” tại Hà Nội được ra đời vào đầu thế kỉ XX. Từ năm 1907 đến 1910, phở vốn là một loại quà rong, được gánh đi rong và rao bán khắp phố phường Hà Nội.
Về nguồn gốc ra đời của món “Phở” đến nay còn nhiều quan điểm điểm khác nhau. Thực tế, quá trình hình thành món phở là sự sáng tạo của cộng đồng gắn với bối cảnh xã hội, lịch sử, văn hóa đầu thế kỷ XX tại Hà Nội. Người Pháp có thói quen ăn thịt bò, nên ở Hà Nội đã xuất hiện những địa điểm chuyên cung cấp thịt bò.
Người Việt vốn bản tính cần cù, thông minh và tiết kiệm, nên rất có thể những người bán bún xáo trâu đã thay xương trâu bằng xương bò để tiết kiệm chi phí và dùng bánh cuốn chay thái sợi thay cho bún vì bấy giờ, loại bánh cuốn chay (hay bánh cuốn mộc) là món ăn rất phổ biến mà giá thành lại rẻ.
Món thịt bò, bánh cuốn thái của người Việt đã được người Hoa điều chỉnh về kỹ thuật nấu nướng, thêm nếm gia vị để có hương vị ngon hơn và họ gánh đi bán ở khắp các con phố. Dần dần người Việt có những điều chỉnh, độc quyền bán phở và phở trở thành món ăn phổ biến tại Hà Nội.
Mặc dù nhiều địa phương trong cả nước có món phở, nhưng phở gắn bó lâu đời với cuộc sống người dân Hà Nội, trở thành thức quà phổ biến. Chính nhu cầu thưởng thức thường xuyên món phở của người dân Hà Nội lại tác động đến kỹ thuật nấu nướng của các chủ quán phở, khiến phở Hà Nội ngon hơn, đặc trưng hơn.
Món phở cũng thể hiện sự tinh tế của người Hà Nội không chỉ trong nấu nướng mà còn trong thưởng thức. Các chuyên gia ẩm thực, nhà nghiên cứu và cả giới nhà văn, nhà thơ đều thừa nhận rằng: Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon.
Hiện nay, phở đã là món ăn nổi tiếng thế giới, được khách du lịch trong nước, quốc tế đánh giá cao. Dự kiến, Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá; nghiên cứu, sưu tầm; quy hoạch không gian văn hóa thực hành di sản; xây dựng bản đồ phở Hà Nội nhằm giới thiệu những cửa hàng phở ngon đến khách du lịch…
Nghề ướp trà sen Quảng An trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 2316/QĐ-BVHTTDL về việc đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề thủ công truyền thống ướp trà sen Quảng An (phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội).
Nghề thủ công truyền thống ướp trà sen Quảng An được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |
Phường Quảng An với ưu thế 3 mặt giáp hồ Tây, có 157 ha mặt nước hồ Tây với 11 ao, hồ, đầm có thổ nhưỡng tốt, lớp bùn dày rất phù hợp cho sen bách diệp phát triển nên từ xa xưa, đây là nơi trồng sen và làm trà sen nổi tiếng.
Trà sen từ xa xưa đã là một phẩm trà quý, thấm đẫm hồn Việt, chinh phục, mê hoặc biết bao thế hệ trà nhân Việt. Hoa sen có ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa và tôn giáo của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Việt Nam. Sen kết hợp với trà tạo nên một sự đồng điệu, sen nhập vào trà kéo trà lên, trà đưa sen lên đỉnh cao của hương vị.
Mảnh đất Quảng An nằm cạnh hồ Tây xưa kia là một vùng sen rộng lớn của Hà Nội và đây cũng chính là cái nôi của nghề ướp trà sen nổi tiếng. Quảng An xưa có tên gọi là xóm Mẩu, là một vòm đất nhỏ nhô ra phía hồ Tây, bao quanh là đầm, ao, hồ. Do khí hậu, nguồn nước và đặc biệt là thổ nhưỡng, hồ Tây nổi tiếng với giống sen quý cánh kép có hương thơm ngào ngạt, còn được gọi là sen bách diệp. Chẳng phải ngẫu nhiên, sen hồ Tây ở vị trí "thượng đẳng" mà sen các vùng khác khó sánh bằng, vì sen hồ Tây được nuôi dưỡng bằng lớp bùn tích tụ suốt hàng thiên niên kỷ dày từ 0,7 đến 1,2 m - điều mà hiếm đầm nào có được.
Từ xa xưa, người Quảng An đã sử dụng sen bách diệp để sáng tạo nên sản phẩm trà sen và những tri thức làm trà sen đã được bao đời trao truyền, gìn giữ đến ngày nay.
Hiện nay, tại Quảng An có nhiều hộ gia đình vẫn duy trì nghề ướp trà sen. Quy trình làm trà sen khô cũng lắm công phu, từ khâu nguyên liệu, rửa trà, tách gạo sen, ướp trà, sấy trà, đóng gói và bảo quản. Quy trình ướp trà sen bông tuy không cầu kỳ bằng trà sen khô, nhưng để có được trà ngon và đượm hương, người làm trà có những bí quyết riêng. Trà nguyên liệu dùng để ướp sen bông thường là trà nõn tôm. Sau khi trà được ướp một lần với gạo sen, trà được cho vào bông sen với định lượng mỗi bông khoảng 15 gram. Công việc này đòi hỏi kỹ năng khéo léo, tỉ mỉ của người làm trà.
Hiện nay, nghề ướp trà sen tại Quảng An đang gặp khó khăn do diện tích trồng sen bị thu hẹp, ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của sen; thị hiếu của người dùng, nhất là giới trẻ ngày càng ít quan tâm về trà và không thích uống trà. Hơn nữa, có nhiều người vẫn chưa hiểu, trân trọng các giá trị, lợi ích văn hóa, tinh thần và thể chất của việc thưởng trà nói chung, trà ướp sen nói riêng. TP. Hà Nội đã có kế hoạch phát triển, mở rộng diện tích trồng sen bách hợp để tôn vinh giá trị sen hồ Tây và góp phần giữ gìn nghề truyền thống ướp trà sen nơi đây.