Triết lý đó đúng với những trải nghiệm của cá nhân ông cũng như bước đường phát triển của chứng khoán, một ngành còn non trẻ ở Việt Nam.
Cơ duyên nào đã đưa ông đến với ngành chứng khoán?
Năm 1995, tôi tốt nghiệp khoa Tài chính - ngân hàng, Đại học Kinh tế quốc dân. Sau khi tốt nghiệp đại học, vì muốn được công tác trong ngành ngân hàng nên tôi thi tuyển vào Ngân hàng Nhà nước và được phân về Ban Nghiên cứu và Phát triển thị trường vốn. Khi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước được thành lập, tôi là một trong số 42 cán bộ của Ngân hàng Nhà nước được điều sang làm việc tại đây.
Tình cờ đến với ngành, nhưng gắn bó được cả chặng đường dài như vậy, tôi nghĩ, ngoài lý do môi trường làm việc năng động và sự chia sẻ của anh chị em đồng nghiệp, còn vì chứng khoán là lĩnh vực đầy mới mẻ, thị trường vận động liên tục và gần như năm nào cũng có cái mới. Tất nhiên, việc gây dựng thị trường tài chính bậc cao từ con số 0 cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách.
Nhìn nhận một cách cảm quan, những nước đầu tư bền vững thường là những nước phát triển, còn những nước đầu cơ nhiều thường là những nước đang phát triển.
Chúng tôi vẫn đùa nhau rằng, đến với chứng khoán lúc đó có 2 đối tượng, một là gia đình có điều kiện, không phải lo gì, hai là đối tượng bị “điên” (cười).
Nói vui như vậy để thấy những người làm việc trong ngành chứng khoán luôn cần sự quyết đoán, máu lửa. Bởi trong giai đoạn sơ khai, hành lang pháp lý cho vận hành thị trường, hàng hóa chưa hoàn thiện, đòi hỏi những nhà quản lý phải quyết đoán. Nếu cứ chùng chình chờ đầy đủ điều kiện mới triển khai thì không bao giờ làm được. Đó cũng là chặng đường trải qua của các sản phẩm HNX đã và đang xây dựng.
Hai mươi năm gắn bó với ngành, triết lý nào được ông tâm đắc và áp dụng trong công việc?
Tôi rất thích câu nói của văn hào Lỗ Tấn: “Trên mặt đất vốn dĩ không có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Câu nói này rất phù hợp với cá nhân tôi và có lẽ với cả ngành chứng khoán.
Từ con số 0, chúng ta đã lần lượt khai trương trung tâm giao dịch chứng khoán chứng khoán đầu tiên với hai cổ phiếu niêm yết ban đầu và đến nay đã có hơn 700 cổ phiếu niêm yết trên hai sở giao dịch chứng khoán và gần 400 cổ phiếu giao dịch trên thị trường UPCoM…
Với việc khai mở thị trường chứng khoán phái sinh tới đây, nhiều ý kiến cho rằng, sản phẩm này còn xa vời với thị trường Việt Nam, nhưng tôi cho rằng, dù bước đầu có khó khăn, nhưng hãy cứ làm đi, vừa làm vừa hoàn thiện thì sẽ có ngày thị trường này phát triển.
Tôi cũng luôn nhớ đến một câu thành ngữ mà TS. Lê Văn Châu, vị Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán đầu tiên đã nhắc: “Dục tốc bất đạt”. Câu nói này đặc biệt đúng với một lĩnh vực nhạy cảm như chứng khoán.
Để tạo một hệ thống không khó, nhưng giữ được một hệ thống chạy an toàn, ổn định là rất khó. Do đó, cần cân nhắc cẩn trọng các yếu tố trước khi quyết định, không “đốt cháy giai đoạn” chỉ vì thành tích trước mắt.
Ông Nguyễn Vũ Quang Trung phát biểu tại hội thảo giám đốc tài chính tổ chức ngày 25/10/2016
Ông từng chia sẻ một ý niệm thực tế rất hay, thị trường chứng khoán cần cả hoạt động đầu tư và đầu cơ mới có thể tạo nên sự sôi động. Có ý kiến cho rằng, tỷ lệ này nên ở mức 80/20 thì tốt, nhưng trên thị trường chứng khoán Việt Nam dường như ngược lại, chỉ có 20% là hoạt động đầu tư, còn tới 80% là đầu cơ. Ông bình luận thế nào về ý kiến này?
Theo tôi, đây là đặc thù của thị trường chứng khoán châu Á. Nhà đầu tư châu Á nói chung và nhà đầu tư Việt Nam nói riêng nhìn thấy lợi ích từ thị trường chứng khoán rất lớn.
Giai đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam mới đi vào vận hành (năm 2000) hay giai đoạn thăng hoa nhất của thị trường 2005 - 2006, nhiều đợt sóng lớn trên thị trường đã giúp mọi người kiếm lớn và tất cả đều kỳ vọng tiếp tục kiếm tiền theo cách đó.
Điều này dẫn đến việc nhà đầu tư thích tự mình đầu tư và tự mình đầu tư thì không tránh khỏi việc đầu cơ, trong khi muốn đầu tư một cách chuyên nghiệp thì phải đầu tư thông qua các quỹ đầu tư.
Tôi cho rằng, không có tỷ lệ nào là hợp lý giữa dòng tiền đầu tư và đầu cơ trên thị trường, nhưng mục tiêu cuối cùng của thị trường chứng khoán vẫn phải là dịch chuyển dần sang đầu tư.
Hiện nay, nhà đầu tư tại nhiều thị trường chứng khoán quốc tế chuyển sang xu hướng đầu tư bền vững. Để phân biệt được đâu là doanh nghiệp mang lại giá trị lâu dài và đâu là lợi ích bền vững thì cần đến các chuyên gia và hoạt động phân tích, dự báo của các qũy. Tuy nhiên, tâm lý là nhà đầu tư Việt Nam là muốn kiếm lời nhanh chóng và không muốn trả phí cho các quỹ dẫn tới hiện tượng đầu cơ lấn át đầu tư. Không riêng thị trường chứng khoán, ở các thị trường vàng, bất động sản, ngoại tệ cũng đều có tình trạng như vậy.
Lý do của hiện tượng này cơ bản được giải thích bởi việc bản thân doanh nghiệp, nhà đầu tư và ngành quản lý quỹ đều chưa phát triển. Mặt khác, cơ cấu dân số Việt Nam rất trẻ, mà người trẻ thường quan tâm đến việc kiếm tiền nhanh. Trong khi đó, ở các xã hội phương Tây, với cơ cấu dân số già, họ thường có xu hướng quan tâm đến các khoản lợi ích lâu dài. Rõ ràng, một nền kinh tế mới nổi luôn phải chấp nhận thực tế này.
Nhìn nhận một cách cảm quan, những nước đầu tư bền vững thường là những nước phát triển, còn những nước đầu cơ nhiều thường là những nước đang phát triển.
Theo ông, một tỷ lệ đầu cơ và đầu tư như thế nào là hợp lý?
Tôi cho rằng, không có tỷ lệ nào là hợp lý giữa dòng tiền đầu tư và đầu cơ trên thị trường, nhưng mục tiêu cuối cùng của thị trường chứng khoán vẫn phải là dịch chuyển dần sang đầu tư. Mặt khác, nhà quản lý không thể làm gì để điều chỉnh tỷ lệ này, vì nó phụ thuộc vào nhà đầu tư, do đó, chỉ có thể tạo ra cơ chế để mọi người cảm nhận đầu tư qua các nhà đầu tư chuyên nghiệp là an toàn hơn so với tự đầu tư.
Nhìn sang các thị trường chứng khoán khác, có thể thấy, thị trường có nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp thì phát triển ổn định hơn. Ở các nước có thị trường chứng khoán phát triển lâu dài, vai trò của các nhà đầu tư chuyên nghiệp là rất lớn, đặc biệt là vai trò của các qũy đầu tư đối với chất lượng quản trị của doanh nghiệp niêm yết.
Đây cũng là lý do HNX luôn ủng hộ các chương trình thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao minh bạch, hướng tới phát triển bền vững. Đây chính là việc cơ quan quản lý có thể và đã làm được.
Mấy năm gần đây, HNX thực hiện một công việc khá đặc biệt là chấm điểm minh bạch của tất cả các doanh nghiệp niêm yết trên HNX. Vì sao HNX lại kiên quyết tiến hành việc này, thưa ông?
Minh bạch và công bố thông tin thực ra là một phần trong các nguyên tắc của quản trị công ty. Theo kinh nghiệm của các nước, khi chấm điểm minh bạch sẽ công bố các doanh nghiệp tốt trước, sau đó công bố các doanh nghiệp tiếp theo và cho đến bây giờ, các nước đã công bố kết quả của toàn bộ doanh nghiệp trên sàn.
Tuy nhiên, công việc này được thực hiện trong lộ trình từ 15 - 20 năm, chứ không phải ngay từ đầu đã công bố ra hết. Cách làm của HNX cũng sẽ như vậy, tuy nhiên chúng tôi mong sẽ rút ngắn thời gian hơn, thay vì 15 - 20 năm thì chỉ khoảng 5 - 10 năm.
Thực tế, theo ghi nhận của HNX, không phải doanh nghiệp sợ chấm điểm minh bạch và công bố thông tin, mà họ cần một sự công bằng. Nhiều doanh nghiệp rất hưởng ứng việc này, kể cả các doanh nghiệp đang giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn phản ánh tại sao chỉ chấm điểm cho doanh nghiệp niêm yết.
Việc chấm điểm minh bạch thực ra không có gì kỳ bí. Ngay cả nhà đầu tư bình thường cũng chấm được thông qua bộ câu hỏi mà HNX công bố trong các Báo cáo Minh bạch & Công bố thông tin hàng năm. Bộ câu hỏi này được thay đổi qua từng năm với mục tiêu tiến tới chuyển từ tuân thủ sang tự nguyện thực hiện các nguyên tắc về quản trị công ty.
Tất nhiên, để đạt được kết quả như vậy cần rất nhiều thời gian. Ở Việt Nam hiện nay, nhiều doanh nghiệp quy mô rất lớn cũng chưa muốn niêm yết, trong khi có những doanh nghiệp niêm yết lại muốn tận dụng sàn chứng khoán để làm những việc gây méo mó thị trường.
Tôi rất lạc quan vào tương lai của thị trường chứng khoán, đơn giản vì thị trường còn rất nhiều không gian để phát triển.
Rõ ràng, không thể mong đợi kết quả cao của doanh nghiệp trong ngày một ngày hai, nhưng nếu không bắt đầu từ bây giờ thì sẽ không bao giờ làm được. Đây là lý do tại sao HNX phải thực hiện chấm điểm minh bạch và công bố thông tin; đồng thời là điểm tựa niềm tin để chúng tôi vẫn có thể tiếp tục được mà không nản lòng, cho dù sự cải thiện về mặt bằng điểm số chung là không lớn.
Còn việc điểm số minh bạch hàng năm của các doanh nghiệp tăng rất ít, điều này phản ánh thực tế sự tiến bộ của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất chậm. Lý do là doanh nghiệp lấy kết quả kinh doanh làm đầu nên luôn phải tính toán chi phí và lợi ích bỏ ra khi áp dụng các nguyên tắc quản trị công ty.
Như quan điểm của một chuyên gia kinh tế, “trở thành một doanh nghiệp có quản trị công ty tốt là rất tốn kém”, thực tế, chúng ta không thể yêu cầu doanh nghiệp bỏ một số tiền lớn để làm những công việc chỉ mang tính hình thức. Điều thiết thực là đưa ra những câu chuyện về quản trị công ty, lợi ích thấy được cho tất cả các bên tham gia để dần thay đổi nhận thức của doanh nghiệp và các cổ đông.
Ngành chứng khoán đã đi qua chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển với nhiều bước tiến đột phá. Ông có thể chia sẻ dự cảm về tương lai của ngành?
Tôi rất lạc quan vào tương lai của thị trường chứng khoán, đơn giản vì thị trường còn rất nhiều không gian để phát triển. Tổng vốn hóa thị trường hiện ở mức khoảng 70 - 80 tỷ USD, không phải là lớn, hiện vẫn còn một lượng lớn cổ phiếu chưa được chuyển nhượng tự do. Với chủ trương của Chính phủ thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp, khuyến khích khu vực tư nhân phát triển, tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo hành lang cho các doanh nghiệp startup gọi vốn, hàng hóa trên thị trường sẽ ngày càng đa dạng hơn.
So với thế giới và so với chính nền kinh tế, quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn khá nhỏ bé. Theo tính toán hiện nay, thị trường mới cung cấp được khoảng 20% nhu cầu nguồn vốn của nền kinh tế, tức là 80% còn lại ngành ngân hàng vẫn phải gánh. Nền kinh tế đang tăng trưởng tốt, thu nhập người dân được nâng lên, tôi tin chắc, người ta sẽ bỏ vốn nhiều hơn vào kênh đầu tư này.