Phó Chủ tịch VinGroup: "Việt Nam không làm nổi bu lông, ốc vít" đã trở thành dĩ vãng

0:00 / 0:00
0:00
“Đến thời điểm này, câu chuyện buồn của người Việt Nam khi đến cái bu lông, ốc vít cũng không làm nổi đã trở thành dĩ vãng”, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch HĐQT VinGroup nhận định.
Phó Chủ tịch VinGroup: "Việt Nam không làm nổi bu lông, ốc vít" đã trở thành dĩ vãng

Mở đầu bài chia sẻ tại Tech Awards 2020 được tổ chức sáng nay tại TP.HCM, Phó chủ tịch HĐQT VinGroup bà Lê Thị Thu Thuỷ nhắc đến cuốn sách "Tại sao các quốc gia thất bại" của hai tác giả Acemoglu và James A. Robinson.

Theo đó, các tác giả cho rằng, một quốc gia nghèo không phải do thiếu tài nguyên hay vốn mà do chưa khơi dậy được các nguồn lực, sáng tạo và đổi mới công nghệ.

Vì vậy, theo bà Thủy, thay đổi công nghệ là động cơ quyết định, quan trọng nhất cho quá trình chuyển đổi của mỗi quốc gia.

Thực tiễn đã chứng minh, tiềm lực kinh tế và sức mạnh công nghệ được xem là yếu tố then chốt xác lập vị thế các quốc gia trên bản đồ thế giới.

Yếu tố then chốt này được tạo nên bởi các doanh nghiệp dẫn dắt từ các quốc gia đó.

Đây cũng là lý do vì sao ngày nay khi nhắc đến Mỹ, dễ liên tưởng đến những thương hiệu nổi bật như Google, Amazon, Facebook, Apple.

Niềm tự hào của người Đức thường gắn với BMW, Volkswagen. Ở châu Á có Samsung, LG giúp người Hàn Quốc tự hào trong khi ở Nhật có Sony, Toyota, Honda,…

“Và chúng tôi cũng hiểu, đó là lý do vì sao Chính phủ khởi xướng chương trình Make in Vietnam với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về sản xuất thay vì chỉ gia công hay lắp ráp. Từ đó, chúng ta có thể tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thậm chí một ngày nào đó có thể trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới”, Phó chủ tịch HĐQT VinGroup nói và viện dẫn từ giai đoạn khó khăn bủa vây vì dịch bệnh, với khẩu hiệu hành động Make in Vietnam, cộng đồng doanh nghiệp Việt đã chứng minh được năng lực sáng tạo, làm chủ công nghệ.

Từ đó, từng bước tạo ra những sản phẩm mang tính đột phá, tạo tiếng vang không chỉ trong nước mà còn cả ở quốc tế như máy thở phục vụ chống dịch Covid-19, các thiết bị hạ tầng 5G.

VinGroup cũng tự hào được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình trong thành tựu chung kể trên.

Với việc chuyển hướng chiến lược sang công nghệ và công nghiệp từ năm 2018, Vingroup là 1 trong những doanh nghiệp hưởng ứng mạnh mẽ nhất chương trình Make in Vietnam của Chính phủ.

Tập đoàn này ý thức sâu sắc được rằng, tạo ra sản phẩm Make in Vietnam đạt đẳng cấp quốc tế là cách tốt nhất trong nỗ lực góp phần khẳng định vị thế Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Hơn 2 năm qua trong lĩnh vực công nghiệp, Vingroup dành nguồn lực tốt nhất đầu tư cho nghiên cứu sản xuất ô tô, xe máy điện với thương hiệu VinFast cũng như các sản phẩm điện tử với thương hiệu VinSmart.

Ở mảng công nghệ, VinGroup một mặt tập trung đào tạo nhân sự, thu hút nhân tài công nghệ về Việt Nam làm việc.

Mặt khác, họ thành lập công ty, Viện nghiên cứu về công nghệ ô tô, thiết bị gia đình, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, bảo mật theo đúng mô hình hệ sinh thái toàn diện như ở thung lũng Silicon (Mỹ).Với tư duy “muốn đi nhanh và vươn cao phải đứng trên vai người khổng lồ”, ngay từ những ngày đầu tiên khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và công nghiệp, bà Thu Thuỷ cho biết, VinGroup đã lựa chọn hợp tác với những đối tác hàng đầu trên thế giới để học hỏi, chuyển giao công nghệ, tự học cho những phát triển sau này.

Trong sản xuất ô tô, VinGroup hợp tác với BMW, General Motors, Bosch,…hay với Google, Qualcomm trong lĩnh vực sản xuất điện thoại.

“Tôi tin, những gì doanh nghiệp Việt đang nỗ lực, chúng ta có thể tự tin, Việt Nam không chỉ làm được những gì thế giới có thể làm mà ở một số lĩnh vực, chúng ta có thể đi tiên phong, đón đầu để tự hào sản phẩm Make in Vietnam”, Phó Chủ tịch HĐQT VinGroup nói.

Bên cạnh đó, đội ngũ kỹ sư nghiên cứu phát triển, kỹ sư thiết kế của VinFast và VinSmart ngày đêm nghiên cứu để tiến tới làm chủ hoàn toàn trong các sản phẩm cũng như công nghệ của mình đang thực hiện.

Nhờ đầu tư bài bản, nghiêm túc, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ, công nghiệp, các sản phẩm của Tập đoàn này đều được ra mắt thị trường trong thời gian kỷ lục.

Trong lĩnh vực điện thoại, sau 2 mắt, có 18 mẫu điện thoại mang thương hiệu VinSmart trong đó VinSmart Life 4 ra mắt vào tháng 08/2020 là mẫu điện thoại thông minh đầu tiên được thiết kế, sản xuất 100% từ đội ngũ kỹ sư của Tập đoàn, chỉ trong 5 tháng,…

VinSmart cũng đã ra mắt điện thoại 5G, đưa Việt Nam trở thành nước thứ 5 trên thế giới làm chủ công nghệ này.

Trong lĩnh vực sản xuất ô tô, sau 18 tháng gia nhập thị trường, có hơn 41.000 xe VinFast được bán ra. Phó Chủ tịch HĐQT VinGroup khẳng định, “đây là điều mà chưa hãng nào làm được”.

VinGroup cũng nỗ lực tiến thêm nhiều bước quan trọng đón bắt xu hướng mới, từng bước tự chủ công nghệ, sản xuất cũng như tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

Ví dụ, đơn vị này thành lập Viện công nghệ ô tô thứ hai tại Melbourne- cái nôi lâu đời công nghiệp ô tô của Úc.

Bên cạnh đó, bà Thuỷ cho biết, VinFast còn định hướng phát triển cả ô tô điện cũng như đang nghiên cứu ô tô tự lái.

Dây chuyền sản xuất máy thở tại nhà máy sản xuất VinSmart của Vingroup (Ảnh: Bloomberg).
Dây chuyền sản xuất máy thở tại nhà máy sản xuất VinSmart của Vingroup (Ảnh: Bloomberg).

Thành quả bước đầu, đứng thứ ba thị trường điện thoại thông minh nội địa về thị phần và dẫn đầu cả 3 phân khúc tham gia của VinFast là ghi nhận lớn nhất mà khách hàng dành cho sản phẩm công nghệ, công nghiệp Make in Vietnam của VinGroup.

Nhưng mục tiêu lớn hơn của VinGroup là đưa các sản phẩm kể trên chinh phục thị trường quốc tế, chứng minh đẳng cấp và trí tuệ người Việt Nam.

Ví dụ, trong năm đại dịch, VinGroup xuất khẩu 50.000 linh kiện máy thở sang Mỹ và Ireland. Hay trong hơn 1 tháng qua, Tập đoàn này xuất những lô hàng điện thoại đầu tiên sang Mỹ và có kế hoạch chinh phục thị trường điện thoại thông minh tại bằng nhiều sản phẩm flaghip, trong đó có dòng VinSmart Aris.

“Đây chỉ là bước khởi đầu. Sáng nay tôi nhận được tin, VinSmart vừa nhận đơn hàng 5G lớn bên Mỹ. Nghĩa là đội ngũ kỹ sư chúng tôi cũng sẽ được làm điện thoại 5G và xuất sang thị trường khó tính như Mỹ. Việc VinSmart tiếp cận thành công thị trường Mỹ cho thấy, các sản phẩm công nghệ Make in Vietnam hoàn toàn có thể đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe bậc nhất trên thế giới”, bà Thuỷ nói và đánh giá, đến nay, có thể nói, câu chuyện buồn thường được nhắc đến là người Việt không sản xuất nổi bu lông, ốc vít đã trở thành dĩ vãng. Và trí tuệ Việt hoàn toàn có thể đưa ra các giải pháp công nghệ tiên phong, đi đầu trên thế giới.

Nhưng để tạo dựng được một nền công nghiệp sản xuất thực sự bền vững, thậm chí là một ngành công nghiệp công nghệ cao, Việt Nam vẫn cần nhiều hơn nữa những thương hiệu và sản phẩm Make in Vietnam đạt đẳng cấp thế giới.

Đơn cử như VinGroup sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho nghiên cứu để làm chủ công nghệ mới nhất, không chỉ tạo ra sản phẩm tốt nhất mà còn góp phần nâng tầm thương hiệu Việt, nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hồng Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục