Ông Lưu Trung Thái
Là người đã lãnh đạo MBS vượt qua một giai đoạn đặc biệt, ghi dấu ấn MBS thực hiện thành công thương vụ M&A đầu tiên trên TTCK Việt Nam, so với "MBS của ngày hôm qua", thì "MBS của ngày hôm nay" có đi đúng lộ trình và những kỳ vọng ông đặt ra không?
MBS đang bước đi trên lộ trình của một công ty đại chúng, với chiến lược kinh doanh và quản trị mạch lạc, bền vững và hứa hẹn sẽ thực sự thành công. Tôi khẳng định như vậy vì các lý do sau:
Thứ nhất, MBS rơi vào giai đoạn khó khăn nhất 2011-2013, tưởng chừng khó vực dậy, nhưng Công ty đã vượt qua và đứng vững, nên tích lũy được các bài học và thực tiễn quan trọng.
Thứ hai, Công ty có chiến lược kinh doanh tập trung vào phân khúc cá nhân, nhưng bắt đầu triển khai có chiều sâu với các nhà đầu tư tổ chức.
Thứ ba, MBS có đội ngũ quản lý trẻ, được đào tạo bài bản và yêu Công ty, đồng thời sở hữu hệ thống công nghệ và hệ thống thông tin riêng. MBS hiện chưa có nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, nên nếu có sẽ là cơ hội tốt để MBS vươn lên.
Với dự đoán tăng trưởng kinh tế trong 5 năm tới từ 6,5-7,5%/năm, số lượng các công ty chứng khoán giảm mạnh, nhiều sản phẩm mới được đưa vào giao dịch, kèm với sức hút của nền kinh tế, của TTCK đối với dòng vốn nước ngoài, tôi tin tưởng, MBS sẽ có cơ hội thành công.
Đánh giá triển vọng của MBS, nhiều ý kiến cho rằng, nếu cổ đông mẹ MB tiếp tục song hành và giúp sức MBS thì MBS sẽ vững bước vươn lên. Xin ông chia sẻ quan điểm của MB về vấn đề này?
MB từ khi thành lập công ty chứng khoán (năm 2000) đến nay, luôn đóng vai trò công ty mẹ với công ty chứng khoán. Ở nhiều giai đoạn khác nhau, với điều kiện pháp lý của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, MB đều tham gia tích cực vào các mảng việc về chiến lược, cung cấp nhân sự cao cấp, quy định tiêu chuẩn hoạt động của MBS, cho đến các nguồn lực kinh doanh chủ yếu của Công ty.
Giai đoạn hiện nay, các công ty chứng khoán, trong đó có MBS, đều phải tự chủ cao về tài chính, có hạ tầng kinh doanh mạnh mẽ và chú trọng xây dựng chất lượng dịch vụ và sản phẩm. Tôi cho rằng, với nền tảng hiện có, MBS có thể đứng vững và cạnh tranh thành công.
Về phía Ngân hàng mẹ, MB sẽ tiếp tục chiến lược phát triển theo mô hình tập đoàn tài chính, định hướng và kiểm soát chất lượng, hiệu quả của MBS, đồng thời chúng tôi từng bước củng cố MBS bằng việc tìm kiếm đối tác chiến lược, đầu tư công nghệ và nhân sự cao cấp cho MBS. Chúng tôi luôn xác định đầu tư lâu dài và tạo ra giá trị bền vững tại MBS.
TTCK năm 2016 được đánh giá là khó dự báo, nhất là trong bối cảnh nhiều yếu tố khách quan có diễn biến khó lường, nhưng lại luôn có tác động trực tiếp đến TTCK. Chọn thời điểm này để đưa cổ phiếu MBS lên sàn, cổ đông lớn MB (nắm 79,52% vốn tại MBS) mong muốn MBS thực hiện những mục tiêu lớn nào, thưa ông?
Mặc dù điều kiện kinh tế trong nước và thế giới có nhiều khó khăn cho Việt Nam, như giá dầu xuống thấp ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước và đồng USD đang trong chu kỳ tăng giá mạnh, chúng tôi vẫn đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều cơ hội từ quá trình hội nhập, đặc biệt là việc Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN và TPP mới đây. Mặt khác, các nhà đầu tư trong nước đang dần tin tưởng với chính sách quản lý kinh tế và xã hội của Đảng và Nhà nước đang được thực thi.
Niêm yết cổ phiếu MBS là kế hoạch dài hạn, đã được xây dựng trong chiến lược của Công ty, nhằm tận dụng cơ chế quản lý minh bạch của các công ty niêm yết và đáp ứng kỳ vọng của đại đa số cổ đông. Chính vì vậy, niêm yết cổ phiếu MBS chúng tôi không quá đặt nặng thời điểm, mà xác định đây là bước đi trong tiến trình phát triển của MBS.
Với cách tiếp cận như vậy, mục tiêu chiến lược của MBS trong các năm tới là tiếp tục củng cố vị trí TOP 5 thị phần môi giới lớn nhất TTCK; đẩy mạnh và nằm trong TOP 5 các công ty có dịch vụ ngân hàng đầu tư lớn nhất. Cùng với đó, MBS cần tăng hiệu quả hoạt động bằng việc cắt giảm chi phí, quản trị rủi ro chặt chẽ, phấn đấu tăng ROE đạt trên 12%, đảm bảo cổ tức hàng năm ổn định, bắt đầu từ năm 2017.